Vỏ hộp nhựa và dầu nhớt thải: khi môi trường chịu gánh nặng khôn lường

14/11/2024 19:17

Được đóng với quy cách từng chai nhỏ một đến một vài lít phục vụ cho hoạt động bôi trơn, bảo dưỡng phương tiện cơ giới như xe máy, ô tô, từ lâu, vấn đề liên quan dầu nhớt sau khi sử dụng đã trở thành một bài toán nhức nhối cho môi trường và sức khỏe con người.

Gánh nặng với môi trường

Không giống như xăng, dầu được tập trung ở một trạm (cây xăng) và được bơm trực tiếp vào phương tiện cơ giới, dầu nhớt hầu hết được đúc sẵn trong các hộp nhựa dung tích một đến một vài lít và bán lẻ tại các địa điểm, phục vụ chủ yếu cho người tiêu dùng cuối như ô tô, xe máy.

Theo ước tính của Mordor Intelligence, quy mô thị trường dầu nhớt Việt Nam ước tính là 308 triệu lít vào năm 2024 và dự kiến ​​sẽ đạt 342 triệu lít vào năm 2026, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,3% trong giai đoạn 2024-2026. Cũng theo đơn vị nghiên cứu thị trường này, khối lượng dầu bôi trơn được sử dụng trong xe cơ giới rất lớn so với bất kỳ ứng dụng công nghiệp nào khác. Do đó, với quy cách đóng chai một đến một vài lít, lượng chai nhựa đựng dầu nhớt phục vụ cho nhóm xe cơ giới này là một con số khổng lồ. Sau khi được sử dụng, lượng nhựa thải ra môi trường là một vấn đề, chưa tính đến tác động của lượng dầu nhớt tồn dư tại đó.

Chai đựng dầu nhớt thường được làm bằng nhựa HDPE (High-Density Polyethylene) do tính chất bền, chịu hóa chất tốt, và có khả năng chống thấm, chống ẩm hiệu quả. HDPE là một loại nhựa phổ biến được sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau từ bao bì thực phẩm đến ống nước. Tuy nhiên, nhựa HDPE có thời gian phân hủy rất lâu, có thể lên đến hàng trăm năm trong môi trường tự nhiên. Do đó, nếu không được xử lý đúng cách, chúng có thể tích tụ và gây ô nhiễm môi trường.

Dầu nhớt thải được xếp vào diện chất nguy hại theo quy định tại Thông tư 12/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường với khả năng gây ô nhiễm rất lớn đối với môi trường tự nhiên như: đất trồng trọt, nguồn nước, cũng như đối với sức khỏe con người. Cụ thể, dầu nhớt thải có thể thấm vào đất, làm giảm khả năng sinh trưởng của cây trồng và làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Dầu nhớt không tan trong nước và có thể lắng đọng trong các thủy vực, tạo thành lớp màng trên bề mặt nước, ngăn cản sự trao đổi khí và ánh sáng mặt trời, điều này gây hại cho hệ sinh thái nước, bao gồm cá và động vật thủy sinh khác. Dầu nhớt thải cũng ảnh hưởng trực tiếp tới cơ thể con người và động vật hoang dã khi tiếp xúc, gây nguy cơ phơi nhiễm vưới các hóa chất độc hại và kim loại nặng…

Vỏ hộp nhựa và dầu nhớt thải: khi môi trường chịu gánh nặng khôn lường - Ảnh 1.

Động vật hoang dã như cá, chim và động vật lưỡng cư có thể bị nhiễm độc khi tiếp xúc với dầu. Nguồn: Unsplash1.

Mỗi năm ước tính hơn 300.000 tấn dầu nhớt được thải ra sau khi sử dụng, tuy nhiên công tác thu hồi và xử lý dầu nhớt thải chưa được triệt để như kỳ vọng. Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015, trong đó Điều 87 cũng quy định chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi quy định. Trên thực tế, nhiều năm nay, dầu nhớt thải chưa được thu gom và xử lý triệt để, người dẫn dễ dàng mua được từ các cơ sở sửa xe phục vụ cho các mục đích khác nhau, thậm chí chúng còn được mang tái chế pha trộn tiếp tục bán ra thị trường.

Nguy hại từ dư lượng nhớt tồn dư bị dùng trái phép

Đặc biệt, dầu nhớt thải còn trực tiếp gây nguy hại với sức khỏe con người bởi sự thiếu hiểu biết và trách nhiệm của nhiều người. Những năm qua, không ít trường hợp dầu nhớt thải được nông dân dùng để tưới rau với mục đích diệt trừ sâu bọ được phanh phui. Đội cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TPHCM cùng với Trạm bảo vệ thực vật huyện Củ Chi từng mất nhiều thời gian để bắt quả tang một số trường hợp vi phạm như vậy. Tháng 1-2016, một nông dân ở xã Mỹ Bình huyện Củ Chi bị phát hiện dùng dầu nhớt tưới lên rau trồng trên diện tích 5 héc-ta tại đây. Nhớt thải được bà này mua với giá 12.000 đồng mỗi lít từ các tiệm sửa xe để sử dụng làm phương pháp diệt sâu bọ.

Vỏ hộp nhựa và dầu nhớt thải: khi môi trường chịu gánh nặng khôn lường - Ảnh 2.

Đã có nhiều trường hợp nông dân sử dụng dầu nhớt thải để tưới rau nhằm diệt trừ sâu bọ. Nguồn: Unsplash1.

Trong một chia sẻ tại thời điểm này, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, đã cảnh báo về những nguy hại của nhớt, bao gồm cả nhớt mới và nhớt đã qua sử dụng. Theo bác sĩ Lưu Phương, nhớt chứa các chất phụ gia công nghiệp và nhiều kim loại nặng có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Các chất độc này khi vào cơ thể sẽ tích tụ lâu dài ở các bộ phận như gan, thận, não và các cơ quan sinh sản, có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như suy gan, suy thận, mất trí nhớ, động kinh, vô sinh, sảy thai, sinh non và thậm chí là ung thư. Bác sĩ Phương nhấn mạnh rằng những chất này không nên tồn tại trong cơ thể con người. Ngoài ra, việc sử dụng nhớt thải để tưới cây có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với nguồn nước và đất, tác động tiếp trong thời gian sau.

Bạn đang đọc bài viết "Vỏ hộp nhựa và dầu nhớt thải: khi môi trường chịu gánh nặng khôn lường" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.