VPBank có nguy cơ mất vốn hơn 235 tỷ đồng

Admin

10/11/2020 15:21

Liên quan tới dự án Park Vista, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh kiểm tra việc thế chấp phần diện tích 22.931,2m2 thuộc phân khu 11B tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Hàng loạt sai phạm 

Theo Thanh tra TP. Hồ Chí Minh (HCM), có hàng loạt sai phạm tại dự án Park Vista do Công ty Đông Mê Kông làm chủ đầu tư. Công ty Đông Mê Kông chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, chưa hoàn thành thủ tục về quyền sử dụng đất, chưa kê khai với chính quyền địa phương về việc triển khai dự án, chưa báo cáo định kỳ 3 tháng/lần về tình hình thực hiện dự án, chưa xây dựng và bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật...

Đông Mê Kông cũng tự ý sử dụng đất tại phân khu 11B để đầu tư xây dựng công trình trên đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất trên thực địa, xây dựng công trình ngoài phạm vi cho phép, sử dụng nhà thầu thi công xây dựng không có chứng chỉ năng lực hoạt động, bán 298 căn hộ tại dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Hiện, dự án đã trễ hạn hơn 24 tháng so với thời hạn được chấp thuận đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành bàn giao đưa công trình vào sử dụng, chưa quyết toán đầu tư nên chưa có căn hộ để bàn giao cho thành phố phục vụ tái định cư cho người dân.

Thanh tra TP. HCM chỉ rõ: Công ty Đông Mê Kông hợp tác với Công ty Cổ phần Kinh doanh quốc tế AnPha (Công ty Anpha) bán 298 căn hộ tại dự án nhưng chưa kê khai doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ việc bán căn hộ. Công ty Anpha chỉ xuất hóa đơn và kê khai doanh thu từ hoạt động môi giới và kinh doanh bất động sản với Công ty Đông Mê Kông với số tiền hơn 24,6 tỷ đồng, không kê khai phần doanh thu còn lại là hơn 23,6 tỷ đồng là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

Công ty Đông Mê Kông còn thế chấp phần diện tích đất 22.931,2m2 thuộc phân khu 11B cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khi khu đất chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa thực hiện đúng Luật Đất đai 2013 trong việc quy định về thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Sở Xây dựng TP. HCM cấp giấy phép xây dựng số 79/GPXD ngày 7/6/2016 khi Công ty Đông Mê Kông chưa duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phân khu 11b thuộc khu dân cư Đông Mê Kông, chưa được cơ quan có thẩm quyền bàn giao đất trên thực địa, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa được UBND huyện Nhà Bè điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư Đông Mê Kông.

Sau đó, Sở tiếp tục cấp giấy phép xây dựng số 158/GPXD ngày 20/9/2016 khi chủ đầu tư chưa thực hiện các nội dung ghi tại giấy phép xây dựng số 79/GPXD, có hành vi vi phạm điều kiện khởi công xây, dựng công trình là chưa đúng quy định tại khoản 1, 3 Điều 91, khoản 2 Điều 95 và Khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 và văn bản số 6462/UBND-ĐTMT ngày 14/12/2010 của UBND TP. HCM.

Thanh tra TP. HCM yêu cầu chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, thuế và các quy định pháp luật khác liên quan đến thực hiện dự án. Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với phần đất được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất. Cụ thể, trong khi chờ kết luận về việc xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các cơ quan có thảm quyền, Công ty Đông Mê Kông phải đóng số tiền 50,1 tỷ đồng. Trường hợp công ty tiếp tục chậm trễ, chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thì UBND TP. HCM giao Sở TN&MT xem xét, đề xuất thu hồi dự án để xử lý theo quy định.

Công ty Đông Mê Kông phải khẩn trương hoàn tất gia hạn đầu tư dự án và lập thủ tục đề nghị xin gia hạn tiến độ đưa đất vào sử dụng theo quy định, trong đó cam kết về tiến độ, khả năng tài chính để hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị xã hội; thi công hoàn thiện và bàn giao 320 căn hộ tái định cư các block A, B, C, D của dự án cho UBND huyện Nhà Bè trong quý 4/2021. Công ty phải cam kết và chịu trách nhiệm chi khoản tiền tương đương phí tạm cư để hỗ trợ cho các hộ dân trong trường hợp bàn giao căn hộ trễ hạn so với thời gian cam kết.

Thanh tra TP. HCM cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. HCM kiểm tra việc thế chấp phần diện tích 22.931,2m2 thuộc phân khu 11B liên quan tại VPBank.

VPBank có nguy cơ mất vốn hơn 235 tỷ đồng

Được biết, tới năm 2019, phần diện tích 22.931,2m2 đất thuộc phân khu 11B đã được đưa ra khỏi danh mục tài sản đảm bảo cho khoản vay hơn 235 tỷ đồng mà VPBank đã giải ngân cho Công ty Đông Mê Kông.

Tài sản đảm bảo chỉ còn: Các công trình phụ trợ thuộc dự án như nhà để xe, nhà bếp, nhà kho, giếng nước, giếng khoan, giàn khoan, bể nước, sân, tường rào, cột điện, trạm điện, trạm bơm, hệ thống phát, tải điện, hệ thống hoặc đường ống cấp thoát nước sinh hoạt, đường nội bộ và các công trình phụ trợ khác. Các tài sản nêu trên đang trong quá trình được đầu tư xây dựng, chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Toàn bộ máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, Tài Khoản Dự Án (như được định nghĩa tại Điều 3 Hợp đồng) và toàn bộ số dư có trên Tài Khoản Dự Án cùng các quyền và lợi ích phát sinh từ Tài Khoản Dự Án, các khoản tiền gửi/Hợp đồng tiền gửi được tạo lập từ một phần/ toàn bộ số dư có trên Tài Khoản Dự Án cùng các quyền, lợi ích phát sinh từ các khoản tiền gửi/Hợp đồng tiền gửi, các hàng hóa khác, các động sản khác của Bên Thế Chấp đầu tư, phục vụ cho Dự Án.

Ngoài ra tài sản đảm bảo còn gồm: Toàn bộ các quyền tài sản (không bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) thuộc về, phát sinh từ và/ hoặc liên quan đến Dự Án. Lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; các khoản phải thu, các khoản phí mà chủ đầu tư thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án xây dựng nhà ở, dự án xây dựng công trình. Lợi tức thu được từ chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn và bất kỳ Lợi tức thu được nào khác đối với: các căn hộ chung cư/nhà ở/biệt thự/nhà liền kề, khu văn phòng, khu thương mại, các tài sản khác gắn liền với đất được xây dựng trên các thửa đất thuộc Dự Án; các công trình phụ trợ như nhà để xe, nhà bếp, nhà kho, giếng nước, giếng khoan, giàn khoan, bể nước, sân, tường rào, cột điện, trạm điện, trạm bơm, hệ thống phát, tải điện, hệ thống hoặc đường ống cấp thoát nước sinh hoạt, đường nội bộ và các công trình phụ trợ khác; các máy móc, thiết bị, tài sản khác của Bên Thế Chấp đầu tư, phục vụ Dự Án. Quyền đòi nợ (bao gồm các khoản tiền thu được từ quyền đòi nợ), quyền nhận/hưởng các khoản tiền hoàn trả, phạt, bồi thường thiệt hại, các khoản tiền, các khoản phí, các khoản lợi thu được, các quyền tài sản khác phát sinh từ (các) hợp đồng, văn thỏa thuận, giao dịch, sự kiện: Mua bán/ chuyển nhượng một phần/ toàn bộ Dự Án; Mua bán/ chuyển nhượng/ thuê mua/ cho thuê (các) căn hộ chung cư/nhà ở/biệt thự/nhà liền kề, khu văn phòng thương mại, các tài sản khác thuộc Dự Án; Góp vốn, hợp tác kinh doanh vào Dự Án; Cho thuê quyền sử dụng đất gắn liền với hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất hoặc hạ tầng kỹ thuật trên đất (lợi tức của thửa đất hoặc của hạ tầng kỹ thuật trên đất). Các quyền tài sản khác theo quy định của pháp luật (không bao gồm Quyền sở hữu nhà ở và Quyền sử dụng đất)...

Hiện khoản vay hơn 235 tỷ đồng này đã được xếp vào nhóm có nguy cơ mất vốn (nhóm 4). Trong khi đó, trên thực tế, dự án đã "đắp chiếu" hơn 2 năm nay, hiện đóng cửa im ỉm, chỉ thấy cẩu tháp nhô lên trơ trọi.

Với thực trạng dự án Park Vista cũng như tình hình tài chính hiện nay của Công ty Đông Mê Kông, không rõ VPBank sẽ thu hồi khoản cho vay hơn 235 tỷ đồng như thế nào?

Bạn đang đọc bài viết "VPBank có nguy cơ mất vốn hơn 235 tỷ đồng" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.