Tim Ryan, chủ tịch của Pwc U.S, cho biết xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đã được chú trọng trong cuộc chiến thương mại giữa Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc. Tuy nhiên, yếu tố thực sự thúc đẩy nhanh điều này đối với phần lớn doanh nghiệp Mỹ đó chính là đại dịch COVID-19.
Theo ông Ryan, những nước được hưởng lợi từ việc dịch chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể là các quốc gia ở Đông Nam Á, Mexico và cả Mỹ.
Trong cuộc khảo sát của PwC với 578 giám đốc điều hành Mỹ, được công bố vào tháng trước, khoảng 46% số người được hỏi cho biết họ "hoàn toàn đồng ý" rằng chính phủ nên tăng cường sản xuất các sản phẩm thiết yếu tại Mỹ để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.
Đặc biệt, việc sản xuất thiết bị y tế và nguồn cung cấp dược phẩm bên ngoài Mỹ đã bị giám sát kỹ lưỡng trong thời kỳ đại dịch, khi các nhà máy trên toàn cầu đóng cửa và tình trạng thiếu nguồn cung đã phát sinh.
"Cú đấm kép" của chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19 cho thấy rằng các nhà bán lẻ cũng đã phụ thuộc "quá nhiều" vào sản xuất ở Trung Quốc, cựu Giám đốc điều hành Macy’s Terry Lundgren nói với CNBC vào đầu năm nay.
Cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc đã dẫn đến việc mỗi bên áp đặt hàng tỷ USD thuế quan lên hàng hóa của bên kia và thúc đẩy một số công ty bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng của họ sang nơi khác. Thực tế, chính Tổng thống Trump cũng đã nhiều lần kêu gọi các doanh nghiệp làm điều đó.
Một số nỗ lực chuyển cơ sở sản xuất sang các nước mới đã bị hạn chế bởi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đó là trường hợp của nhà sản xuất robot hút bụi Roomba, vốn đang chuyển việc sản xuất sang Malaysia để tránh thuế quan.
"Chúng tôi dự kiến mọi thứ sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Thật không may, đại dịch đã làm chậm khả năng di chuyển đến Malaysia của chúng tôi, vì vậy các kế hoạch sẽ phải chuyển sang năm 2021", Giám đốc điều hành iRobot Colin Angle cho biết hôm thứ Tư.
Ông Ryan tiết lộ rằng cuộc khảo sát của PwC cho thấy các giám đốc điều hành lo lắng hơn một chút về căng thẳng thương mại với Trung Quốc dưới thời Donald Trump, so với dưới thời Joe Biden. Tuy nhiên, gần 30% số người được hỏi cho biết họ "hoàn toàn đồng ý" rằng các biện pháp hạn chế thương mại đối với Trung Quốc sẽ được tăng cường bất kể ai là người chiến thắng.
Joe Biden, cựu phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama, hiện đang dẫn trước Donald Trump 7,9 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò quốc gia do RealClearPolitics tổng hợp.
"Tôi thấy mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn rất quan trọng. Đó là một thị trường lớn và vì vậy chúng tôi luôn nhận thấy cơ hội đầu tư vào đó. Nhưng trên thực tế, chúng tôi thấy các công ty Mỹ lại đang có kế hoạch đa dạng hóa thị trường đầu tư và đó là xu hướng đang diễn ra trong vài năm qua cũng như dự kiến sẽ còn tiếp tục", ông Ryan nói.
Một phát hiện khác từ cuộc khảo sát của PwC đó là bất kể kết quả bầu cử như thế nào, 70% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều dự kiến thuế doanh nghiệp sẽ tăng nhằm chi trả cho hàng nghìn tỷ USD trong các gói kích thích kinh tế. Trước đó, Tổng thống Trump đã giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống 21% trong khi ông Biden lại kêu gọi tăng nó lên 28%.
(Theo CNBC)