Buông lỏng xử lý pin năng lượng mặt trời là cực kỳ nguy hiểm

Admin

20/11/2020 08:59

Theo các chuyên gia năng lượng, để có thể xử lý pin năng lượng mặt trời ít ảnh hưởng đến môi trường và con người nhất là một bài toán khó và cần có biện pháp đồng bộ

Câu chuyện xử lý pin năng lượng mặt trời những ngày qua lại nóng lên khi đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) chất vấn  tại nghị trường về việc xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn: “Ngay cả bản thân tôi cũng rất lo lắng với việc phát triển tràn lan năng lượng mặt trời ở Gia Lai. Bởi sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì? Những tấm pin đó được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng - đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao!” - đại biểu Ksor H'Bơ Khăp nói.

Phóng viên tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi (Chủ tịch VAE) về vấn đề này.

PV: Ông có thể phân tích một số thành phần trong pin năng lượng mặt trời để độc giả hiểu rõ hơn về nó?

Chủ tịch VAE : Pin năng lượng mặt trời là một loại nhựa, trong đó có chứa đựng những yếu tố để làm năng lượng, mà chủ yếu là đất hiếm. Nhựa là một trong những thành phần chính trong đó có dùng chất dẫn dụ cho pin năng lượng.

Trong tấm pin năng lượng mặt trời, chỉ có một số điểm mạch chứa các kim loại nặng, thành phần axit... không tan trong nước, ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm. Những thành phần này chiếm tỉ lệ từ 3 - 5%, còn các thành phần vật liệu khác cấu tạo nên tấm panel là rác thải, phải chôn lấp hoặc có thể tái chế được.

Môi trường - Buông lỏng xử lý pin năng lượng mặt trời là cực kỳ nguy hiểm

Ông Trần Viết Ngãi.

PV: Có nghĩa là tấm pin năng lượng mặt trời hết “tuổi thọ” sẽ rất nguy hiểm?

Chủ tịch VAE : Đúng vậy, tấm pin năng lượng này tái tạo thì ít mà chất thải thì nhiều, nên cảnh giác nó. Hậu họa thì chưa biết nhưng nếu dùng tấm pin năng lượng mặt trời mà tuổi thọ kém thì nguy hiểm cao, và ngược lại.

Bên cạnh đó, hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời có nhiều loại, loại trên nóc nhà, loại trên bãi đất trống ở trang trại, sa mạc, cao nguyên; loại trên mặt nước..., khi xảy ra khí hậu cực đoan, như bão gió, thì những hệ thống này rất dễ đổ.

PV: Ở Việt Nam, chất lượng pin năng lượng mặt trời hiện nay đang như thế nào?

Chủ tịch VAE : Giá trị tấm pin năng lượng mặt trời khác nhau tùy từng chất lượng sản xuất. Các nhà đầu tư hiện nay dùng nhiều loại khác nhau với giá cả ở các nước khác nhau. Tùy thuộc vào nhà đầu tư họ mua tấm pin đó chất lượng thế nào. Giá trị tấm pin năng lượng mặt trời chúng ta vẫn chưa hiểu rõ, nhưng có điều chắc chắn là ngoài thị trường những tấm pin này hiện đang phát triển tự do.

PV: Quay lại câu chuyện tái chế, xin hỏi quan điểm của ông, pin năng lượng mặt trời khi hết hạn sử dụng thì sẽ xử lý thế nào?

Chủ tịch VAE : Pin năng lượng mặt trời giống như rác thải công nghiệp, khi hết hạn sử dụng thì không thể tái tạo, chỉ có thể dùng biện pháp chôn lấp. Và đương nhiên sẽ ảnh hưởng môi trường.

Dự án điện mặt trời có tuổi thọ khoảng 20 - 25 năm, yếu tố pháp lý ràng buộc về trách nhiệm xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi dự án hoàn tất vẫn còn lỏng lẻo hay nói đúng hơn là chưa có. Bài toán phát triển điện mặt trời gắn với sự phát triển bền vững môi trường vẫn chưa được coi trọng, thậm chí còn bị bỏ quên trong nỗ lực tăng tốc phát triển điện mặt trời của các nhà quản lý. Trong thời gian qua, chúng ta quá chú trọng đến giá mua điện hấp dẫn thế nào để thu hút đầu tư mà chưa tính đến chi phí xử lý liên quan đến môi trường với những tấm pin rất lớn.

Việc xử lý duy nhất là chôn lấp, còn chôn lấp sẽ tùy vào địa phương. Nhưng để giải quyết hiệu quả thì là một bài toán khó, cần có sự đồng bộ từ các giải pháp đến quản lý của các cơ quan liên ngành đến chủ đầu tư và nhiều bộ phận khác thì may ra việc xử lý mới có kết quả.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Công thương nên tiên phong trách nhiệm

Đồng quan điểm, GS.Trần Đình Long - Phó Chủ tịch hội Điện lực Việt Nam cho biết, đối với pin năng lượng mặt trời, theo giới thiệu của các nhà sản xuất đảm bảo tuổi thọ khoảng 15-20 năm.

“Đây cũng được xem là tiến bộ khoa học vì chưa có công trình nào mà thời gian vận hành lâu được đến như vậy. Tuy nhiên, điểm bất cập ở chỗ, qua mỗi năm vận hành hiệu suất của tấm pin năng lượng mặt trời sẽ bị suy giảm và thời gian phải tháo dỡ sớm hơn dự kiến ban đầu”, GS.Trần Đình Long nói.

Theo vị giáo sư, vấn đề đặt ra ở đây là việc tháo dỡ sẽ kèm theo chi phí lớn về xử lý vật liệu mình thải ra. Pin năng lượng mặt trời cũng giống như các vật liệu chất thải công nghiệp khác, nếu không xử lý hợp lý sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường rất nghiêm trọng.

Các nước tiên tiến người ta cũng đang nghiên cứu việc tái chế và xử, trong đó có tính đến cả chi phí khi tháo dỡ pin năng lượng mặt trời, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường... Nhưng tại Việt Nam theo GS.Long được biết, nước ta chưa đặt vấn đề này, cũng như chưa có công nghệ để xử lý những tấm pin đó.

“Bất kỳ việc gì cũng thế đều bắt đầu từ khung pháp lý, trách nhiệm đầu tiên từ cơ quan luật pháp, quản lý nhà nước đứng đầu là bộ Công thương. Bộ nên soạn thảo văn bản xem xét về việc xử lý chất thải, sau đó trình lên Quốc hội, và tiếp đó là trách nhiệm từ các địa phương cũng như chủ đầu tư cùng đồng hành trong việc xử lý vấn đề này thì việc xử lý mới hiệu quả. Hiện nay đặt vấn đề vẫn chưa muộn, chỉ cần chúng ta nghiêm túc xem xét vấn đề thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản”, GS.Trần Đình Long cho hay.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Buông lỏng xử lý pin năng lượng mặt trời là cực kỳ nguy hiểm" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.