Chiến lược phát triển 2021-2030: Tăng quy mô thị trường chứng khoán

Admin

19/11/2020 19:06

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Ban chấp hành Trung ương Đảng đề xuất nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán (TTCK) để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.

Kỳ vọng TTCK nâng tầm vị thế

Nhìn lại sự phát triển giai đoạn 2011 - 2020, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đánh giá, cơ cấu thị trường tài chính có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) tăng mạnh từ 19,3% GDP năm 2011 lên 72,6% GDP năm 2019. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quy mô giảm sâu vào đầu năm nhưng sau đó phục hồi mạnh mẽ, dự báo đạt khoảng 85% GDP trong năm nay. Thị trường vốn, đặc biệt là TTCK phát triển mạnh, trở thành một kênh huy động vốn cho nền kinh tế.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Ban chấp hành trung ương Đảng đề xuất tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường, bảo đảm tính thanh khoản cao và an toàn hệ thống. TTCK cần được nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế, có chính sách khuyến khích phát triển các quỹ hưu trí...

Định hướng quan trọng trên của Đảng được các chuyên gia, doanh nghiệp nhìn nhận là khẳng định đúng vai trò, vị trí của TTCK trong nền kinh tế, từ đó thị trường sẽ được nâng tầm phát triển.

Trao đổi với Người Đồng Hành, TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc Hội, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, cho rằng định hướng trên của Đảng là một tín hiệu tích cực, đáp ứng trúng nhu cầu thực tiễn của đời sống kinh tế, của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Điều quan trọng là sau khi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tới đây thông qua, thì cần được thể chế hóa, để tạo ra một giai đoạn phát triển nâng tầm cho TTCK”, ông Thanh nói.

Ở góc độ của một tổ chức cung cấp dịch vụ, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Chứng khoán APG đánh TTCK sau 20 năm vận hành đã khẳng định thị trường không chỉ là công cụ hiệu quả của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, mà đã trở thành kênh dẫn vốn quan trọng. Một lượng vốn rất lớn được huy động cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Điều đó minh chứng cho những lợi ích thiết thực mà TTCK mang lại cho nền kinh tế. Do đó, Đảng đưa ra định hướng nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của TTCK để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế, là khẳng định tính chính danh cho sự phát triển, tiếp tục mở đường cho phát triển TTCK chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Dưới góc nhìn của chuyên gia chứng khoán, ông Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, điều quan trọng của định hướng trên là khẳng định vị thế quan trọng của TTCK trong đời sống xã hội, xóa đi những cái nhìn còn lệch lạc, định kiến về TTCK có yếu tố “cờ bạc”. Định hướng của Đảng thể hiện nhận thức và tư duy mới mang tính cơ mở, qua đó tạo tiền đề phát triển nâng tầm cho TTCK trong thời gian tới.

chien luoc phat trien 2021 2030 tang quy mo thi truong chung khoan

Ban chấp hành trung ương Đảng đề xuất nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của TTCK để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Cách nào “làm to” TTCK?

Định hướng về phát triển TTCK trong giai đoạn 10 năm tới được kỳ vọng thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII dự kiến vào đầu năm 2021.

Sau khi định hướng trên được thông qua, điều quan trọng theo ông Đặng Văn Thanh là Quốc hội và Chính phủ cần khẩn trương thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật thông thoáng, đồng bộ, minh bạch theo hướng tạo ra những dư địa mới cho TTCK phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn.

Liên quan đến giải pháp giúp TTCK phát triển lành mạnh cả về lượng và chất, ông Mạnh hiến kế cần tiếp tục thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn ở các doanh nghiệp để vừa gia tăng hàng hóa và cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư, vừa giúp cho lượng tài sản lớn của dân đang nằm trong tay khu vực doanh nghiệp nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn sau khi được đa dạng hóa sở hữu, trong đó có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Quy định pháp lý mới trong lĩnh vực chứng khoán cần tạo sự thông thoáng và minh bạch hơn cho doanh nghiệp huy động vốn qua cả kênh cổ phiếu, trái phiếu, cũng như đưa cổ phiếu lên niêm yết trên TTCK. Đó là các yếu tố đảm bảo cho TTCK thực sự là kênh giữ tiền cho nhà đầu tư, cung là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế.

“Yếu tố công bằng và minh bạch đóng vai trò quan trọng để đảm bảo cho TTCK phát triển đạt mục tiêu như đinh hướng của Đảng. Muốn vậy, vai trò giám sát tuân thủ, xử lý các vi phạm có tính răn đe cao của Ủy ban chứng khoán Nhà nước ngày càng phải nâng tầm. Trách nhiệm của công ty kiểm toán trong kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng phải được nâng cao, để góp phần gia tăng tính công bằng và minh bạch cho thị trường...”, ông Mạnh đề xuất.

Nhìn nhận tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam còn lớn, để gia tăng vai trò của thị trường, CEO APG cho rằng, ở nước ngoài, do hoạt động với tư cách là ngân hàng đầu tư nên nhiều công ty chứng khoán sở hữu ngân hàng, ngược với thực tế Việt Nam. Khi các thị trường tiền tệ, tài chính phát triển đạt các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, các công ty chứng khoán ở Việt Nam cũng tiến tới phát triển theo mô hình ngân hàng đầu tư thay vì đa phần hoạt động dưới dạng thuần túy cung cấp dịch vụ chứng khoán như hiện nay. Khi đó các công ty chứng khoán sẽ cạnh tranh sòng phẳng với hệ thống ngân hàng, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp có nhiều hơn cơ hội kinh doanh, cũng như huy động vốn trên các thị trường.

CTCP CMC: Kinh doanh sụt giảm, cổ phiếu được mùa, cổ đông "tháo chạy"

Diễn biến thoái vốn của loạt lãnh đạo/cổ đông CTCP CMC (HOSE: CVT) thời gian gần đây đều không xuất phát từ hoạt động doanh ...

Nhịp rung lắc xuất hiện, VN-Index chênh vênh tại mốc 970 điểm

Sau phiên giao dịch hưng phấn hôm qua, thị trường khởi đầu phiên 18/11 với sự điều chỉnh nhất định. Các cổ phiếu VIC, TCB, ...

UpCOM-Index vẫn "béo tốt" sau 1 năm COVID

Với sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn, vốn hóa sàn UpCOM tính hết phiên 17/11 đã ghi nhận bước nhảy vọt với hơn ...

Bạn đang đọc bài viết "Chiến lược phát triển 2021-2030: Tăng quy mô thị trường chứng khoán" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.