Chuẩn bị làm chủ dự án hơn 700 tỷ đồng tại Bình Định, Bệnh viện Hồng Đức là ai?

04/11/2022 14:19

Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức là thành quả sau nhiều năm tâm huyết của vợ chồng bà Huỳnh Thị Kim Loan (sinh năm 1958) và ông Nguyễn Mạnh Đạo (sinh năm 1954). Không chỉ nức tiếng trong lĩnh vực y tế, họ còn ghi dấu ấn với thị trường giáo dục, bất động sản trên cả nước.

Chuẩn bị làm chủ dự án hơn 700 tỷ đồng tại Bình Định, Bệnh viện Hồng Đức là ai?
Ông Nguyễn Mạnh Đạo, Phó chủ tịch Công ty TNHH Hồng Đức.

Bệnh viện Hồng Đức Bình Định 'rộng cửa' vào dự án hơn 730 tỷ đồng

Mới đây, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu nghỉ dưỡng, điều dưỡng và phục hồi chức năng tại Khu đô thị du lịch Tân Thanh, Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát), Khu kinh tế Nhơn Hội.

Dự án có diện tích hơn 22 ha, sở hữu vị trí thuận lợi kết nối với các vùng lân cận, phía Bắc giáp tuyến đường ra biển theo quy hoạch lộ giới 25m, phía Nam giáp khu cây xanh theo quy hoạch, phía Đông giáp đồi cát hiện trạng, phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng và tuyến đường TL 639.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 730 tỷ đồng, trong đó, chi phí thực hiện dự án gần 665 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gần 70 tỷ đồng.

Quy mô dự án gồm: khu biệt thự nghỉ dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng với tiêu chuẩn 5 sao quốc tế; khu tiếp nhận và kiểm tra sức khỏe tổng quát; khu thể thao, vui chơi ngoài trời; khu vật lý trị liệu; khu đông y; khu vận động trị liệu; khu dinh dưỡng; khu điều hành và các công trình phụ trợ khác.

Tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án không quá 36 tháng kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất. Nhà đầu tư có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước với giá trị tối thiểu bằng giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) theo quy định.

Theo quyết định phê duyệt kết quả đánh giá sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chí đặt ra là Công ty TNHH Bệnh viện Hồng Đức Bình Định (viết tắt là Hồng Đức Bình Định).

Đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định giao Phòng Quản lý Đầu tư thông báo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, Hồng Đức Bình Định dễ dàng vượt qua vòng "sơ khảo" khi không có sức ép cạnh tranh nào và xem như đã "đặt một chân" vào dự án hơn 730 tỷ đồng. Với quy mô lớn của dự án, các thông tin xoay quanh Hồng Đức Bình Định đang là chủ đề được giới đầu tư bàn tán sôi nổi.

Giới chủ bí ẩn đứng sau nhà đầu tư 7 tháng tuổi

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Bệnh viện Hồng Đức Bình Định thực chất là "tân binh" trên thị trường, mới thành lập ngày 29/3/2022, tính đến nay mới chỉ 7 tháng tuổi.

Giấy đăng ký thành lập mới của Hồng Đức Bình Định thể hiện, doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú ngắn ngày, vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Huỳnh Nguyên Thạch (SN 1984) - Tổng giám đốc, trú tại Quận 3, TP.HCM.

Đáng nói, ngay khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu nghỉ dưỡng, điều dưỡng và phục hồi chức năng nêu trên (ngày 9/9), Hồng Đức Bình Định lập tức điều chỉnh giảm vốn điều lệ xuống 115 tỷ đồng vào ngày 15/9, tức giảm 61,6% so với số vốn sáng lập.

Tìm hiểu biết được, ông Nguyễn Huỳnh Nguyên Thạch cũng đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên tại pháp nhân non trẻ khác, đó là Công ty TNHH Phòng khám Hồng Đức Long An (Hồng Đức Long An). Doanh nghiệp này "chào đời" ngày 14/6/2022 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Hồng Đức Long An là công ty con của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức (Bệnh viện Hồng Đức, nắm giữ 60% vốn điều lệ); 40% cổ phần còn lại do Công ty CP SLH Sisters sở hữu.

Với nhiều người dân khu vực TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức là cơ sở khám chữa bệnh quá quen thuộc, đã đi vào hoạt động từ năm 2000 với trụ sở đầu tiên tại Quận 3, và tới nay tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm 2 cơ sở khác ở quận 12 và quận Gò Vấp.

Như vậy, với sự hậu thuẫn vững vàng từ Bệnh viện Hồng Đức, có thể lý giải phần nào nguyên nhân Hồng Đức Bình Định chỉ mới 7 tháng tuổi, có năng lực và kinh nghiệm không quá ấn tượng lại thuận lợi vượt vòng sơ tuyển của Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định.

"Cú vấp ngã" tại dự án khu vực hồ Tuyền Lâm, TP. Đà Lạt

Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức vững mạnh ngày nay là thành quả sau nhiều năm lao tâm khổ tứ của vợ chồng bà Huỳnh Thị Kim Loan (sinh năm 1958) và ông Nguyễn Mạnh Đạo ( sinh năm 1954). Không chỉ gói gọn trong lĩnh vực khám chữa bệnh giàu tiềm năng, vợ chồng bà Loan còn mở rộng sang các mảng kinh doanh tiềm năng khác như giáo dục và bất động sản.

Trong lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Mạnh Đạo đang giữ chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Y dược Hồng Đức, địa chỉ tại phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM. Bà Huỳnh Thị Kim Loan, cùng hai người con trai là Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa và Nguyễn Huỳnh Nguyên Thạch đều "có chân" trong Hội đồng quản trị.

Trường Cao đẳng Y dược Hồng Đức tiền thân là Trường Trung cấp tư thục Điều dưỡng và Kỹ thuật y tế Hồng Đức, thành lập vào năm 2007. Năm 2012 đổi tên thành Trường Trung cấp Y dược Hồng Đức và chính thức được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Y dược Hồng Đức theo Quyết định số 3608/QĐ-BGDĐT ngày 10/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo lời giới thiệu, Trường Cao đẳng Y dược Hồng Đức là cơ sở đào tạo ngoài công lập, đa cấp, đa ngành, chuyên đào tạo đội ngũ cán bộ y dược trình độ cao đẳng và thấp hơn. Với vai trò thành viên trong hệ sinh thái của vợ chồng bà Loan, ông Đạo, nhà trường quảng bá rằng các sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ có cơ hội việc làm rất lớn tại bệnh viện thuộc hệ thống Hồng Đức...

Chuẩn bị làm chủ dự án hơn 700 tỷ đồng tại Bình Định, Bệnh viện Hồng Đức là ai?
Lời quảng bá hấp dẫn của Trường Cao đẳng Y dược Hồng Đức trên website chính thức của mình.

Trong lĩnh vực bất động sản, "cuộc chơi" của Hồng Đức đã manh nha từ hơn chục năm về trước. Ngày 18/1/2008, Bệnh viện Hồng Đức chính thức lấn sân sang địa ốc khi tiếp nhận giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án Khu điều dưỡng, nghỉ và an dưỡng Hồng Đức tại khu vực hồ Tuyền Lâm, TP. Đà Lạt (diện tích hơn 31 ha) từ UBND tỉnh Lâm Đồng.

Vậy nhưng, không thuận lợi như trong mảng y tế và giáo dục, vợ chồng bà Loan tỏ ra khá trầy trật khi phải phát triển một dự án bất động sản quy mô lớn. Bệnh viện Hồng Đức liên tục "vỡ tiến độ" trong suốt nhiều năm, khiến UBND tỉnh phải gia hạn tiến độ thêm 2 lần, nhưng chủ đầu tư cũng không thể đáp ứng được các thời hạn mới. Chậm trễ đã vậy, dự án cũng tồn tại hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong năm 2019, nhà đầu tư này đã để xảy ra tình trạng phá rừng tại lô c, khoảnh 4, tiểu khu 162b, phường 4, TP. Đà Lạt, với diện tích rừng bị phá hơn 4.200 m2, trong đó có 3.000 m2 rừng phòng hộ và chặt hạ, chôn lấp thông để xây dựng các công trình trên dự án.

Chuẩn bị làm chủ dự án hơn 700 tỷ đồng tại Bình Định, Bệnh viện Hồng Đức là ai?
Dự án Khu điều dưỡng, nghỉ và an dưỡng Hồng Đức tại khu vực hồ Tuyền Lâm, TP. Đà Lạt tồn tại nhiều sai phạm xây dựng và có tác động, ảnh hưởng rừng trên diện tích đáng kể.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Hồng Đức có hành vi xây dựng 13 công trình không đúng diện tích được cấp phép với tổng diện tích sàn sai phạm hơn 878 m2. Trong số 18 công trình đã thi công có 7 công trình xây dựng sai lệch một phần vị trí, 1 công trình xây dựng sai lệch vị trí hoàn toàn so với hồ sơ thiết kế được phê duyệt và hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Doanh nghiệp cũng chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thuê rừng, nộp tiền thuê rừng, chưa xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng... dù đã hơn thập kỷ đầu tư xây dựng.

Trước những sai phạm nghiêm trọng, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng khi đó đã đình chỉ thi công dự án và có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu Bệnh viện Hồng Đức khẩn trương tháo dỡ các công trình, hạng mục xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng; thực hiện bồi thường giá trị tài nguyên rừng đã bị chặt hạ, xâm hại trái phép.

Là doanh nghiệp cốt lõi trong hệ sinh thái đa ngành nghề, giới đầu tư băn khoăn trước nguồn lực của Bệnh viện Hồng Đức. Tài liệu phóng viên tiếp cận được cho thấy, tổng tài sản của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức (công ty mẹ) tính đến cuối năm 2021 đạt 953 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,2% so với năm 2020, nhưng tăng 71% so với năm 2019.

Tài trợ cho tăng trưởng tổng tài sản chủ yếu từ nợ phải trả. Thời điểm 31/12/2021, tổng các khoản nợ của doanh nghiệp đứng ở mức 464,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay chiếm 181 tỷ đồng, phần lớn là vay dài hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 489 tỷ đồng, bao gồm 1,7 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất (2019-2021) của Bệnh viện Hồng Đức tương đối ổn định, với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ duy trì quanh mức 300 tỷ đồng; tương tự, lợi nhuận sau thuế đạt trên 2 tỷ đồng, suốt 3 năm liên tiếp.

Bạn đang đọc bài viết "Chuẩn bị làm chủ dự án hơn 700 tỷ đồng tại Bình Định, Bệnh viện Hồng Đức là ai?" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.