Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu?

21/09/2024 08:12

Đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn tối thiểu được phân giao của một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cần được cân nhắc kỹ, tránh ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Tại cuộc họp với Bộ Công Thương mới đây, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn được phân giao cho cả năm 2024. Nguyên do là nhu cầu của người dân về cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại sau bão; một số bị lỗ do giá xăng dầu trong và ngoài nước đều giảm mạnh, trong khi vẫn phải bảo đảm lượng dự trữ trong 20 ngày nên việc cân đối gặp nhiều khó khăn.

Lỗ nên xin giảm nhập

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, chia sẻ thực tế là thời gian gần đây, nhiều DN xăng dầu nhập về giá cao nhưng phải bán giá thấp do giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, chu kỳ điều chỉnh ngắn (7 ngày/lần). Các DN muốn xin giảm tổng nguồn tối thiểu một phần do bài toán kinh tế tồn kho lớn, nếu không bán được phải giảm tồn kho. "Chẳng hạn năm 2024, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao cho các đầu mối khoảng 28,4 triệu m3/tấn nhưng nhu cầu thực tế chỉ có 25 triệu m3/tấn. DN nhập về không bán được sẽ tồn kho lớn" - ông Bảo nói. Vì vậy, DN đầu mối xin giảm nhập vì cầu tiêu thụ không cao.

Bộ Công Thương khẳng định nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 đáp ứng đủ nhu cầu Ảnh: LÊ THÚY

Bộ Công Thương khẳng định nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 đáp ứng đủ nhu cầu .Ảnh: LÊ THÚY

Một DN xăng dầu đầu mối cũng than phiền rằng với đà giảm giá mạnh như vừa qua, mỗi lít bán ra DN lỗ 1.000 đồng. Sản lượng cung đang dư thừa so với nhu cầu.

Theo một số DN, do ảnh hưởng giá thế giới giảm đều liên tục, đầu mối nhập về nhanh nhất cũng mất 20-30 ngày/tàu hàng, trong khi trong nước 7 ngày phải điều chỉnh giá một lần dẫn tới nhiều đầu mối xăng dầu lỗ.

Không chỉ DN đầu mối than khó mà các DN bán lẻ xăng dầu cũng liên tục kể khổ và đổ lỗi cho các DN đầu mối. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), cho biết các DN bán lẻ xăng dầu gần đây kinh doanh không còn hiệu quả như trước mà thường xuyên bị thua lỗ, dẫn đến hàng loạt cây xăng phải đóng cửa hoặc sang nhượng cho các DN đầu mối, phân phối. Nguyên nhân chủ yếu do mức chiết khấu quá thấp, chỉ 200 - 300 đồng/lít, có thời điểm chỉ còn 0 đồng nên không thể cầm cự lâu được.

Kế đến là quy định về hóa đơn bán lẻ từng lần cũng gây mệt mỏi cho DN nên không ít cây xăng xin ngừng hoạt động vì lý do này. Một nguyên nhân khác là nhiều tuyến đường thuộc địa bàn Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng bị rơi vào diện "không đủ điều kiện kinh doanh do liên quan đến lộ giới, đấu nối đường bộ" cũng khiến nhiều cây xăng phải đóng cửa. Riêng địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khá nhiều cây xăng được cho thuê lại hoặc sang nhượng hẳn.

Ngoài ra, DN bán lẻ xăng dầu còn gặp khó khăn về tài chính nên không bảo đảm được việc tái cấu trúc, phục hồi hoạt động. "Nguyên nhân là DN bán lẻ xăng dầu không đạt được lợi nhuận 4% nên ngân hàng không chấp thuận cho vay. Chưa kể, do đang trong mùa mưa bão, kinh doanh giảm sút, mỗi cây xăng chỉ bán được vài trăm lít xăng dầu, lợi nhuận 300.000 - 400.000 đồng, không đủ trả lương cho nhân viên. 4 cây xăng của công ty tôi nhờ vào mặt bằng không phải đi thuê, nhân viên là người nhà cũng như có đội xe vận chuyển nhiên liệu riêng nên cầm cự được" - chủ DN này than thở.

Còn theo ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP HCM), vài tháng trước ông đã chuẩn bị nhiều mặt bằng để mở mới thêm cây xăng nhưng phải tạm ngưng vì tình hình kinh doanh đột ngột đi xuống, nhiều cây xăng ngưng hoạt động. "Thông thường cây xăng nợ gối đầu, mượn vốn để kinh doanh nhưng lại bị chiết khấu thấp dẫn đến thua lỗ. Có cây xăng lỗ kéo dài nhưng không dám đóng cửa vì đang nợ ngân hàng, nếu ngừng kinh doanh sẽ không có tiền trả nợ, bị rút giấy phép, dẫn tới ngân hàng siết nợ…" - ông Thật bộc bạch.

Ngoài ra, việc siết chặt quy định "đất không sử dụng đúng mục đích" cũng dẫn đến việc nhiều cây xăng phải đóng cửa.

Cần bảo đảm an ninh năng lượng

Tuy vậy, nhìn vào báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của một số DN xăng dầu lại cho thấy kết quả trái ngược. Trong đó, Petrolimex - DN chiếm gần 50% thị phần phân phối xăng dầu nội địa, trong nửa đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt gần 1.530 tỉ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế lên tới 2.420 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 1.558 tỉ đồng. Giải thích với cổ đông, Petrolimex cho biết nguyên nhân lãi lớn là hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa đầu năm nay cơ bản ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Vì vậy, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nêu quan điểm cung ứng xăng dầu không thể quyết theo ý DN được, bởi còn liên quan tới an ninh năng lượng, không thể chạy theo lợi nhuận, có lợi nhuận mới nhập, thua lỗ thì ngừng. "Việc cấp hạn ngạch nhập khẩu cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là để thực hiện mục tiêu này" - chuyên gia này nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng thị trường xăng dầu tồn tại những bất ổn từ nhiều năm nhưng đến nay chưa được giải quyết một cách thấu đáo và đã tới lúc phải xây dựng thị trường đúng nghĩa. "Trong bối cảnh thị trường còn độc quyền, Nhà nước phải bảo đảm nguồn cung ổn định, tránh để DN gây sức ép với Nhà nước. Vì nếu do một yếu tố nào cần phải xem lại thị trường cạnh tranh chưa? Độc quyền thế nào và bảo đảm tuân thủ Luật Giá ra sao?" - ông nói.

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, cung - cầu xăng dầu cần được điều chỉnh theo thị trường, linh hoạt mới hiệu quả nhưng muốn vậy ngành xăng dầu phải xây dựng được thị trường thực sự.

Trước đề xuất của DN, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nhận định từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường xăng dầu còn có những diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết cũng sẽ có những diễn biến khó lường. Do đó, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc thật kỹ về vấn đề xin điều chỉnh giảm tổng nguồn được phân giao của các DN. "Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu thật kỹ đề xuất của DN để trong bối cảnh nào, vẫn phải đạt được mục tiêu cao nhất là bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng trong nước" - ông Chinh nhấn mạnh. 

Cung cấp đủ hàng trong mọi tình huống

Theo Bộ Công Thương, dự kiến 4 tháng cuối năm 2024, hai nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn và Bình Sơn) sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước nhập khẩu khoảng 3,6 triệu m3 tấn. Trong khi đó, ước tiêu thụ 4 tháng cuối năm đạt hơn 8 triệu m3/tấn (bình quân khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng); tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn. "Nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân" - bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khẳng định. Bà Hiền yêu cầu các DN đầu mối trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của DN để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.

Aramco muốn xây nhà máy lọc dầu ở Việt Nam

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa tiếp đón và có buổi làm việc với đoàn công tác của Saudi Aramco (Aramco) - tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới thuộc Ả Rập Saudi - tại văn phòng giao dịch Hà Nội.

Tại buổi làm việc, đại diện Aramco mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện, Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa đầu tư trực tiếp.


Bạn đang đọc bài viết "Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu?" tại chuyên mục THƯƠNG HIỆU. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.