Điều kiện để người dân, doanh nghiệp vay gói 1 triệu ha lúa gạo

08/11/2024 20:12

Tất cả hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết lúa gạo phát thải thấp khi vay vốn sẽ được giảm lãi suất, không cần tài sản thế chấp...

Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú chia sẻ tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Ảnh: NHNN.

Ngày 7/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu Ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại hội nghị, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Với mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, khẳng định vị thế của thương hiệu gạo Việt, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Nhiều ưu đãi cho vay

Chia sẻ về Đề án, Phó thống đốc đánh giá nếu triển khai quyết liệt thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 1 triệu ha lúa đảm bảo chất lượng cao, giảm phát thải và đạt được những mục tiêu quan trọng cho việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.

Cũng theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, đối tượng được vay gói tín dụng 1 triệu ha lúa gạo sẽ bao gồm tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có tham gia vào chuỗi liên kết lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp.

Lãnh đạo NHNN công bố các ưu đãi vay của gói tín dụng bao gồm giảm lãi vay tối thiểu 1% so với lãi suất hiện hành; cơ chế riêng về hạn mức tín dụng; không cần tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý được dòng tiền hoặc trên cơ sở các thành viên đã tham gia liên kết rất chặt chẽ thì sẽ được giảm thiểu yêu cầu cần thiết.

Cơ chế cho vay cũng sẽ tạo điều kiện tiếp cận vay vốn trung, dài hạn đối với doanh nghiệp cần nâng cao năng lực thu mua, chế biến tại chỗ, cũng như những doanh nghiệp cung ứng vật tư thiết bị hỗ trợ cho bà con nông dân trong quá trình trồng lúa.

“Tất cả những điều đó sẽ được triển khai thông qua Agribank, là đơn vị chủ lực cho vay trong giai đoạn thí điểm và các tổ chức tín dụng khác tham gia vào dự án này trong thời gian tới”, ông Tú nhấn mạnh thêm.

goi tin dung anh 1

Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL. Ảnh: NHNN.

Nguồn vốn và cơ chế vay đã sẵn sàng

Chia sẻ tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết đến nay, dư nợ vay tín dụng vùng ĐBSCL ước đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm ngoái.

Về chương trình cho vay gói kể trên, NHNN sẽ triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến 2025) Agribank sẽ là ngân hàng chủ lực cho vay thí điểm. Giai đoạn 2 hay còn gọi là giai đoạn mở rộng (2025-2030) sẽ có thêm các tổ chức tín dụng cùng tham gia.

Căn cứ vào nội dung khung chương trình cho vay theo chỉ đạo của NHNN, hiện Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai, đồng thời khuyến khích các ngân hàng khác đăng ký tham gia trong giai đoạn thí điểm và đề nghị các ngân hàng sẵn sàng triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng.

Cũng theo bà Hà Thu Giang, ngân hàng sẽ cho vay bằng nguồn vốn tự huy động nên theo cơ chế thương mại với các điều kiện theo quy định hiện hành của từng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) trong chuỗi liên kết lúa gạo.

"Các ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm", bà Giang nhấn mạnh.

Ngoài các chính sách ưu đãi nêu trên, các chủ thể tham gia còn được hưởng các chính sách khác như ưu đãi về mức cho vay không có tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ); giảm lãi suất đối với khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp.

Đồng thời NHNN cũng đã có chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn (hiện nay là 4%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên như lúa gạo.

goi tin dung anh 2

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN). Ảnh: NHNN.

Về phía đơn vị chủ lực cho vay trong giai đoạn thí điểm, Tổng giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết tại khu vực ĐBSCL, Agribank hiện có dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 262.000 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm và chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng.

Tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn tại đây cũng chiếm tới gần 82% tổng dư nợ toàn vùng của Agribank.

Tại ĐBSCL, lúa gạo là sản phẩm chủ lực có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao, dư nợ cho vay liên quan lúa gạo của Agribank tại khu vực này hiện đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm, chiếm 48% dư nợ lúa gạo toàn hệ thống Agribank.

Hiện các chi nhánh của Agribank trên địa bàn 12 tỉnh thành ĐBSCL đã sẵn sàng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho Đề án 1 triệu ha lúa gạo với lãi suất thấp hơn 1% và nhiều ưu đãi khác.

“Trong thời gian tới, Agribank cam kết triển khai, trước mắt thí điểm 30.000 tỷ đồng cho chương trình này, không hạn chế quy mô. Tiếp theo, chúng tôi sẽ triển khai nhiều chương trình, sản phẩm gắn với từng chuỗi liên kết, từng vùng đặc thù để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tài chính góp phần hoàn thành đề án, gắn với chương trình chuyển đổi số”, ông Vượng cho biết thêm.

Đại diện phía doanh nghiệp, bà Tạ Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH XNK Phương Thanh chia sẻ trước khi tham gia đề án công ty cũng như một số doanh nghiệp ở Đồng Tháp vẫn còn nhiều lo ngại.

"Trước đây sản phẩm lúa gạo thường thiếu đầu ra, chất lượng gạo chưa được đánh giá cao trên thị trường và các vấn đề tiếp cận vốn. Nhưng khi tham gia đề án này, chúng tôi thấy tự tin hơn. Bên cạnh đó, nhân tố quan trọng là người nông dân đã tiếp cận được nguồn vốn thấp một cách dễ dàng và ưu đãi thêm 1% so với mặt bằng", bà Thủy chia sẻ.

Tuy vậy, Giám đốc Công ty Phương Thanh vẫn lo vấn đề tài sản đảm bảo đối với những doanh nghiệp thu mua nông sản và kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đề án tiếp cận được nguồn vốn vay trung và dài hạn.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Điều kiện để người dân, doanh nghiệp vay gói 1 triệu ha lúa gạo" tại chuyên mục NGÂN HÀNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.