Doanh nghiệp đau đầu vì tỉ giá

14/11/2024 14:17

Tỉ giá USD/VNĐ biến động mạnh trở lại, khiến doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tỏ ra lo lắng

Ngày 13-11, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 24.288 đồng/USD, mức cao nhất trong năm nay. Giá USD tại các NH thương mại cũng "dậy sóng" khi mức giá bán ra USD lên tới 25.502 đồng/USD, vượt mức đỉnh 25.500 đồng thiết lập hồi giữa năm. Tính từ đầu năm tới nay, giá USD tại các NH thương mại đã tăng hơn 4,2%.

Sức ép bủa vây

Tỉ giá tăng trong bối cảnh chỉ số đồng USD (DXY) trên thị trường quốc tế tăng vọt lên 106 điểm, tăng mạnh từ vùng 100 điểm hồi giữa tháng 9 vừa qua, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ - NH UOB Việt Nam, cho biết tỉ giá USD/VNĐ tăng trở lại trong vài tuần qua. Diễn biến này khá tương đồng những biến động mạnh gần đây trên thị trường ngoại hối và tiền tệ toàn cầu. Đồng USD mạnh lên từ tháng 10 đã lấy lại toàn bộ giá trị mất đi sau các dữ liệu kinh tế vững chắc của Mỹ được công bố.

Giá bán USD ở các ngân hàng thương mại ngày 13-11 đã chính thức vượt mức đỉnh hồi giữa năm Ảnh: LAM GIANG

Giá bán USD ở các ngân hàng thương mại ngày 13-11 đã chính thức vượt mức đỉnh hồi giữa năm .Ảnh: LAM GIANG

Theo ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng Phòng Cao cấp Trung tâm Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), từ tháng 10 tới nay, đồng USD đã tăng giá khá mạnh so với các đồng tiền khác bởi nhà đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, do rủi ro địa chính trị leo thang ở các điểm nóng trên toàn cầu. Lộ trình cắt giảm lãi suất của các NH trung ương lớn như NH Trung ương châu Âu (ECB), NH Trung ương BoE, NH Trung ương Canada (BoC) và cả biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây của NH Trung ương Trung Quốc cũng góp phần vào sự phục hồi của đồng USD.

Tiếp đến, ngày 6-11, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ càng làm cho nhiều người kỳ vọng lớn về tăng trưởng kinh tế Mỹ. Đây là yếu tố hỗ trợ khiến đồng USD tăng giá mạnh mẽ những ngày gần đây và gây sức ép lớn tỉ giá hối đoái ở Việt Nam.

Theo chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt, ngoài mối tương quan với USD, nhu cầu về ngoại tệ (trả nợ nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu và doanh nghiệp (DN) FDI chuyển lợi nhuận về nước...) cũng gây áp lực lên tỉ giá. "Cuối tháng 10-2024, NHNN đã bán USD ra thị trường nhằm kiểm soát đà mất giá của tiền đồng. Dòng ngoại tệ từ kiều hối và xuất khẩu gia tăng có thể giúp giảm bớt áp lực cung - cầu ngoại tệ. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, NHNN có thể phải tiếp tục bán ngoại tệ để ổn định tỉ giá" - ông Hưng nói.

"Người vất vả nhất có lẽ là NHNN"

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm Khối Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng tỉ giá đang chịu tác động bởi sự mạnh lên của đồng USD và chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD đang cao. Tuy vậy, ông Trump là người ủng hộ việc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nên về lâu dài chênh lệch lãi suất VNĐ và USD có xu hướng thu hẹp vào đầu năm 2025, sẽ giúp áp lực tỉ giá hạ nhiệt. Từ đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán cũng sẽ ngừng bán ròng như hiện tại.

Theo nhiều chuyên gia, việc tỉ giá biến động liên tục từ đầu năm đến nay, người vất vả nhất có lẽ là NHNN, bởi cơ quan phải điều hành tỉ giá, tiền tệ, lãi suất sao cho hài hòa nhiều mục tiêu. Trong báo cáo mới nhất về đánh giá tác động của việc ông Trump đắc cử tới kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam phân tích một yếu tố liên quan đến cáo buộc thao túng tiền tệ. Từ năm 2019, Việt Nam liên tục khẳng định không sử dụng chính sách tỉ giá để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế nhưng báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 6-2024 một lần nữa đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần theo dõi về vấn đề thao túng tiền tệ. "Dù vậy, khả năng Việt Nam bị gắn mác thao túng tiền tệ là thấp, vì Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền nhằm tránh nhập khẩu lạm phát và duy trì tiêu dùng trong nước, thay vì tạo lợi thế về giá trong thương mại" - chuyên gia của Dragon Capital Việt Nam nói.

NHNN thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp, bao gồm cả bán ngoại tệ can thiệp nhằm ổn định đồng VNĐ, thể hiện cam kết duy trì sự ổn định tiền tệ. Cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam đạt 5,8% GDP, trong khi thặng dư thương mại song phương với Mỹ lên đến 103 tỉ USD. Điều này tạo cơ sở cho Việt Nam xử lý các mối lo ngại về thao túng tiền tệ bằng cách thu hẹp thặng dư thương mại.

Ở góc nhìn khác, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBankS, cho rằng tỉ giá tăng trở lại và mạnh mẽ hơn gần đây đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng mạnh mẽ, tạo tâm lý thận trọng cho nhà đầu tư trong nước, kết quả là thị trường èo uột, thanh khoản xuống mức thấp kỷ lục do các nhà đầu tư hạn chế giao dịch.

Về phía DN, khi tỉ giá tăng trở lại sau 2 tháng ổn định, một số DN nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất đều tỏ ra lo lắng. Tại hội nghị đối thoại chính quyền và DN ở TP HCM mới đây, một DN nhập khẩu trong lĩnh vực hóa chất đặt câu hỏi NHNN có những biện pháp nào để kiểm soát tỉ giá biến động với biên độ ổn định, hỗ trợ DN giai đoạn cuối năm?

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết NHNN vẫn luôn điều hành chính sách sao cho hợp lý nhất để bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại hối và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. "NHNN không điều hành tỉ giá theo kiểu một chiều tức là chỉ có lợi cho DN nhập khẩu hay chỉ có lợi cho DN xuất khẩu" - ông Lệnh giải thích. 

Tín hiệu tích cực từ FED

Liên quan đến động thái hạ lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm % của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) còn 4,5% - 4,75%, nhiều chuyên gia FED kỳ vọng điều này sẽ góp phần giúp giảm sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ. Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam - phân tích tỉ giá sẽ có diễn biến ổn định giai đoạn cuối năm nhờ các yếu tố cơ bản thuận lợi từ thặng dư thương mại lớn và giải ngân đầu tư nước ngoài, lần lượt đạt 20,8 tỉ USD và 17,3 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm. "NHNN luôn chủ động can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết để bảo đảm thị trường hoạt động ổn định, tránh tác động tiêu cực lên các mục tiêu vĩ mô khác như tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Áp lực tỉ giá mang tính thời điểm nhiều hơn, còn tổng thể nguồn cung ngoại tệ trên thị trường không quá đáng lo vì Việt Nam vẫn có dòng vốn USD thặng dư" - ông Ngô Đăng Khoa nói.

Chuyên gia của NH UOB Việt Nam cũng dự báo tỉ giá trong thời gian tới sẽ biến động quanh mức 3% và cuối năm sẽ đạt khoảng 25.200 đồng/USD nhờ thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối và du lịch tăng trưởng.


Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp đau đầu vì tỉ giá" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.