Ghi nhận tại đoạn đường vành đai 2,5 kéo dài tới Đầm Hồng vào tháng 10/2023, con đường vẫn là công trường ngổn ngang rác thải, gạch đá. Sắt thép, vật liệu cùng nhiều kết cấu cầu, đường hoen gỉ, phủ những mảng rêu dày đặc. Một hàng rào bê tông cao gần 2m được dựng lên dọc tuyến đường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Đoạn từ ngõ 192 Lê Trọng Tấn đến cuối tuyến vành đai 2,5 được triển khai dang dở đã trở thành nơi tập kết rác, mùi hôi thối nồng nặc.
Bà Trần Thị Trụ (55 tuổi) cho biết, bà sinh sống ở Định Công từ năm 2001 nhưng chưa bao giờ thấy khốn khổ như thời điểm này. Đoạn đường vành đai 2,5 hơn chục năm không làm xong, cứ thảm xong lại để đấy, xe cộ đi qua làm đường xuống cấp, tạo thành những "ổ gà, ổ voi" lớn.
"Từ khi dựng hàng rào bê tông, một nửa đường bên cư dân thành bãi đỗ xe, tập kết rác thải vô cùng ô nhiễm. Phía bên kia thì thành ổ tệ nạn, khiến người dân rất bất an", bà Trụ bức xúc.
Bà Vũ Thị Xuân (tổ 19 phường Định Công) cho biết, từ năm 2018 nhà bà bị cưỡng chế phục vụ đường vành đai 2,5. Từ đó đến nay, bà phải đi thuê trọ tại khu vực quanh đây. Bà Xuân chia sẻ thông tin: đường vành đai hơn 10 năm qua mới chỉ làm được 900m mà không có đường kết nối, cho thấy năng lực chủ đầu tư yếu kém. "Đề nghị thành phố chuyển đổi chủ đầu tư để sớm hoàn thành tuyến đường cho dân bớt khổ", bà Xuân nói.
Được biết, cuối tháng 9/2023, nhà thầu dự án đường Vành đai 2,5 triển khai máy móc ra công trường thi công, tuy nhiên đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân. Ngay sau đó, UBND phường Định Công đã yêu cầu nhà thầu hoàn trả mặt bằng đã đào, chấm dứt thi công.
Nhiều vi phạm của chủ đầu tư
Đại diện UBND phường Định Công cho biết, lý do Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà) rào đường là để bảo vệ và đảm bảo tiến độ dự án. Ngay sau đó, phường đã mời chủ đầu tư lên làm việc để tháo dỡ hàng rào để đảm bảo cuộc sống cho người dân, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn cố tình không chấp hành tháo dỡ phần rào chắn. Do hợp đồng BT đã hết thời hạn nên chính quyền địa phương không cho phép thi công bất cứ hạng mục nào ở đây.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong , hợp đồng ký kết giữa Sở Giao thông Vận tải Hà Nội với Liên danh Công ty CP Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội - Công ty Hoàng Hà có điều khoản về thực hiện dự án BT đường vành đai 2,5: "Thời gian thực hiện dự án BT từ năm 2013 - 2016, trừ các thời gian bị chậm không do lỗi của bên B và do yếu tố bất khả kháng".
Sau khi hết hạn hợp đồng, UBND TP Hà Nội đã có thông báo hỏa tốc số 267, qua đó khẳng định kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP: Thành phố không gia hạn thêm thời gian (10/10/2018).
Như vậy, thành phố đã gia hạn thêm 2 năm cho nhà đầu tư nhưng công trình vẫn không hoàn thành. Từ thời điểm này, hợp đồng BT đã hết hiệu lực và không được gia hạn, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư không được thi công tuyến đường.
Dù dự án vành đai 2,5 vẫn ngổn ngang nhưng dự án đối ứng là Dự án Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công (KĐT Đại Kim - Định Công) đã bán nhiều năm nay.
Nhiều khách hàng đang như "ngồi trên đống lửa" vì sự thiếu minh bạch của Cty Hoàng Hà. Cụ thể, theo hợp đồng hợp tác đầu tư của khách hàng, Cty Hoàng Hà đã dùng Giấy chứng nhận đầu tư dự án đường 2,5 thành Giấy chứng nhận đầu tư dự án KĐT Đại Kim - Định Công.
Được biết, cuối tháng 9/2023, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã có phiếu chuyển đơn tố giác tội phạm đối với những vi phạm của Công ty Hoàng Hà đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Phòng PC03, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo giải quyết theo quy định pháp luật.