Hải đăng 120 tuổi trên bán đảo Sơn Trà

23/10/2022 16:20

Đà NẵngTrạm hải đăng Tiên Sa trên rừng Sơn Trà được xây dựng từ thời Pháp, nhưng vẫn hoạt động ổn định, dẫn lối cho tàu thuyền trong đêm.

Trạm hải đăng Tiên Sa nằm trên núi Sơn Trà, ở độ cao 223 m so với mực nước biển, do người Pháp xây dựng năm 1902. Đây là một trong những hải đăng cổ nhất Việt Nam, cùng với những hải đăng ở Côn Đảo, Hòn Lớn (Nha Trang), Hòn Dấu (Hải Phòng), Núi Nai (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau)...

Hải đăng cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 20 km, nằm bên sườn dốc của núi Sơn Trà và gần như biệt lập với nhịp sống nhộn nhịp của thành phố biển. Ảnh: Google Earth

Bảng ghi thời điểm xây dựng trạm hải đăng. Khi xây dựng, do đường bộ chưa được mở, vật liệu từ cát, đá... đều phải vận chuyển bằng đường biển, sau đó khuân vác hàng trăm mét đường dốc đá lên tới đỉnh núi.

Phòng họp giản đơn, kèm nội quy của trạm, trong đó nhân viên tuyệt đối không được uống rượu hoặc sai giờ. Trạm hiện do Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Trung Bộ quản lý, biên chế 6 nhân viên (một trạm trưởng và một trạm phó).

Khẩu hiệu trước cửa nhà điều hành là "Còn người, còn đảo. Trái tim còn đập còn ánh sáng".

Hải đăng cao hơn 15 m, rộng 2,7 m. Lối lên ngọn chỉ lọt một người di chuyển.

Anh Trần Ngọc Anh, Trạm phó Trạm hải đăng Tiên Sa, vận hành tay thiết bị đèn chiếu sáng chính trên ngọn hải đăng. Ngoài ra, trạm còn có một đèn phụ để đảm bảo việc phát tín hiệu cho tàu thuyền không bị gián đoạn. Ngọn hải đăng cổ không có hệ thống điều khiển từ xa.

Anh Ngọc Anh 41 tuổi, quê Nghệ An, 19 năm gắn bó với nghề canh "mắt biển", riêng trạm Tiên Sa là 6 năm. Nhân viên gác trạm chủ yếu là người từ các địa phương khác. Do đặc thù công việc phải túc trực thường xuyên nên mỗi năm họ thay phiên nhau nghỉ phép về thăm nhà.

Việc vệ sinh được thực hiện thường xuyên để đảm bảo hải đăng không bị gián đoạn khi phát đèn hướng dẫn tàu thuyền. Vì được thiết kế và xây dựng từ hơn 100 năm trước nên các thiết bị khá thô sơ. Mỗi năm, nhân viên trạm phải bảo dưỡng một lần.

Do chưa có điện, máy móc của trạm đều phải vận hành bằng máy nổ. Để đáp ứng công suất nghìn kW/h, nhân viên trạm phải thường xuyên kiểm tra để kịp xử lý sự cố, đảm bảo cho đèn hoạt động xuyên đêm.

Anh Ngọc Anh cho biết, các nhân viên ở đây sinh hoạt chung trong khu nhà công vụ, cuộc sống tối giản vì khu vực nằm sâu trong rừng, đường xá khó đi. Hàng tuần, nhân viên trạm xuống núi mua lương thực, thực phẩm. Trên trạm gác hầu như không có sóng điện thoại, mỗi lần gọi điện cho người thân, nhân viên phải lên đỉnh hải đăng hứng sóng.

"Mỗi ngày 14 tiếng máy nổ hoạt động là có điện để làm việc và sinh hoạt bình thường. Anh em ở đây vẫn thường nói đùa sống chung với 4 không: Không điện, không nước, không sóng điện thoại và không đàn bà", anh Ngọc Anh nói.

Nhà điều hành với kiến trúc Pháp, nhìn từ ngọn hải đăng. Mỗi ngày, 6 nhân viên của trạm chia thành 6 ca trực suốt 24/24h để duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa hư hỏng máy móc, kiểm tra đèn dự phòng.

Trạm hải đăng cổ cũng là nơi nhiều du khách tìm đến khám phá và chiêm ngưỡng cảnh đẹp xung quanh.

Đêm xuống, đèn hoạt động hướng dẫn cho tàu thuyền di chuyển ra vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) cũng như qua vùng biển Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam. Hải đăng có tầm nhìn 14 hải lý. Trạm là hải đăng cấp độ 1, vận hành bằng động cơ máy dầu, chiếu ánh sáng trắng xa 23 hải lý (tương đương 44 km) với chớp đôi, chu kỳ 10 giây.

Theo nhân viên gác trạm, dù công nghệ đã phát triển, các thiết bị rada, định vị hiện đại ra đời, trạm hải đăng vẫn không lỗi thời. Bởi trong ngành hàng hải, dù thiết bị hiện đại đến đâu thì các tàu vẫn cần đèn hải đăng dẫn lối. "Anh có định vị, nhưng muốn đến nhà thì phải có địa chỉ. Đèn hải đăng chính là địa chỉ, là tọa độ chính xác nhất để khách tìm đường, nhất là trong điều kiện mưa bão, sóng to", anh Ngọc Anh giải thích.

Cây xanh trên trạm cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài chim. Những nhân viên trực trạm trồng thêm cây cảnh, nuôi thêm chim coi như thú tiêu khiển giữa rừng, quanh năm chỉ có tiếng gió và sóng biển.

"Nếu ai cũng chọn cuộc sống phồn hoa, đủ đầy, đoàn viên thì ai sẽ là người duy trì sự cống cho mắt biển của đêm. Chúng tôi đã chọn nghề và gắn bó với niềm tự hào ấy", anh Ngọc Anh nói.

Nguyễn Đông

Bạn đang đọc bài viết "Hải đăng 120 tuổi trên bán đảo Sơn Trà" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.