Vấn đề ở người già nằm ở chỗ suy giảm trí nhớ, thị lực yếu, xương cốt yếu dễ tổn thương nhưng khó phục hồi, cơ thể không còn linh hoạt, khả năng giữ thăng bằng kém dễ dẫn đến choáng và té ngã .
Vấn đề của trẻ nhỏ lại nằm ở sự hiếu động, tò mò và chưa hiểu về sự nguy hiểm có thể gây ra của các vật dụng trong gia đình cũng như chưa lường được khả năng xảy ra tai nạn trong các hành động hoặc các trò chơi có thể gây ra.
Người già và trẻ nhỏ vì luôn là đối tượng dễ tổn thương nhất trong gia đình. Do đó, có khá nhiều bộ quy chuẩn, hướng dẫn được tạo ra dành cho nhóm đối tượng này. Chúng tôi thường xuyên cập nhật các hướng dẫn mới nhất trên thế giới của năm kết hợp với kinh nghiệm và phản hồi thực tế từ khách hàng qua nhiều dự án để tự đúc kết ra các bộ tiêu chuẩn trong thiết kế những không gian có sự tương tác, sinh hoạt của người già và trẻ nhỏ.
Một số điểm quan trọng mà mọi người nên đưa ra yêu cầu đối với thiết kế khi gia đình có người già và trẻ nhỏ bao gồm:
Đối với không gian dành cho người cao tuổi
Mặt bằng hạn chế tối đa các chướng ngại vật, thảm nhỏ trên nền, không nên có sự thay đổi đột ngột về độ cao nền dễ dẫn đến hụt chân gây chấn thương.
Chất liệu sàn sử dụng cho khu vực người cao tuổi và trẻ em nên là nhám mờ tránh trơn trượt.
Nếu nhà không có thang máy nên làm phòng ngủ của người già nên được đặt ở trệt giúp tránh việc phải lên xuống cầu thang.
Nếu nhà có thang máy, thì nên bố trí phòng của người già gần khu vực bếp để thuận tiện cho sinh hoạt và không cấp thẻ từ di chuyển cho người già và trẻ em, tránh việc tự ý đi thang máy đề phòng khi thang máy có sự cố kỹ thuật thì nguy hiểm cao hơn đối với người trẻ tuổi.
Cầu thang bộ nên làm bậc thang cao khoảng từ 155mm đến 165mm cho an toàn và đảm bảo sức khỏe.
Đối với giường ngủ, chiều cao từ bề mặt nệm tới sàn nên ở khoảng 400mm đến 500mm không nên quá cao hoặc quá thấp vì người già xương khớp yếu, giường quá thấp sẽ rất khó khăn khi đứng lên ngồi xuống còn giường quá cao sẽ khó leo lên và khi trượt xuống dễ có tai nạn.
Cửa ra vào nên làm to hơn bình thường, tối thiểu lọt lòng là 810mm.
Cao độ phù hợp đối với toilet, có tay vịn ở toilet và khu vực tắm. Đặc biệt, toilet dành cho người già có thể cần nhiều không gian hơn để người chăm sóc và không dùng phòng tắm kiếng mà chỉ dùng vách kiếng chắn nước để có thể tiện xoay sở hỗ trợ và xoay xe lăn khi sử dụng cho gnười già.
Tránh sử dụng các vật liệu có bề mặt trơn trượt hoặc dễ bám các chất gây trơn trượt.
Bố trí các nút chuông khẩn cấp trong nhà ở phòng ngủ, phòng tắm. Lối di chuyển từ phòng ngủ vào nhà tắm phải thật sự dễ dàng, không có vật dụng chắn lối.
Do thị lực, người già bị hạn chế nên việc có sự tương phản rõ rệt về màu sắc giữa các thành phần trong không gian cũng hỗ trợ nhận thức tốt hơn về chiều sâu không gian. Nên dùng những mảng màu lớn giúp dễ phân biệt vùng không gian, tránh dùng chi tiết nhỏ, màu sắc tương phản mạnh làm rối mắt gây ảo giác khiến cho hoa mắt chóng mặt.
Đối với không gian dành cho trẻ nh
Dùng các loại cửa đặc biệt chống kẹt tay.
Cầu thang cần bố trí chấn song sát nhau, tránh việc trẻ chui đầu qua khỏi chấn song gây nguy hiểm.
Các khu vực thông tầng cần phải có thiết kế che chắn cẩn thận đảm bảo thoáng gió, ánh sáng nhưng trẻ em không được chui lọt qua vì tính trẻ hiếu động thích chồm xuống thông tầng nghịch ngợm.
Các kệ, tủ thấp được thiết kế để đặt các vật dụng dành riêng cho trẻ em hoặc có khóa trẻ em. Các tủ tránh làm hộc kéo dưới thấp để đề phòng trẻ em đứng lên gây lật tủ kệ đè lên trẻ gây tai nạn.
Các tủ lớn cần được thiết kế neo vào trường chống lật.
Ổ điện ở vị trí trẻ nhỏ khó tiếp cận, có nắp bảo vệ. Tránh bố trí vị tri cắm sạc thiết bị trong tầm tay trẻ vì trẻ không biết có thể cầm hoặc ngậm đầu sạc gây giật điện.
Đồ nội thất với các cạnh bo tròn, ốp nệm (nếu có thể) để giảm mức độ chấn thương nếu vô tình va chạm hoặc té ngã.
Hạn chế các vật liệu cứng sắc bén như kim loại, nhựa cứng, góc cạnh ván hoặc các đồ vật có góc cạnh nhọn ở khu vực trẻ em thường lui tới.
Bảo trì dễ dàng: Chọn vật liệu ít cần bảo trì, bề mặt dễ lau chùi, ít bám bụi vì đường hô hấp của người già và trẻ em đều yếu.
Bố trí ánh sáng tự nhiên và thông gió để luôn có không khí tươi trong nhà.
Để có sự yên tâm, an toàn trong ngôi nhà của mình, chủ nhà cần được bảo vệ khỏi sự nguy hiểm đến từ các tác nhân từ bên ngoài. Khói bụi là một trong những yếu tố đầu tiên cần đề cập đến ở Việt Nam. Việc thiết kế nhiều cửa nhưng sợ bụi không dám mở cửa vì sợ bụi và trẻ em leo trèo là một tác nhân gây bí khí, ẩm mốc và gây bệnh.
Phòng ngừa kẻ gian đột nhập cũng là một yếu tố mà người kiến trúc sư cần xét đến khi thiết kế ngôi nhà cho gia chủ. Những ngôi nhà mang hướng mở sẽ thoáng khí vào ban ngày nhưng gây cảm giác bất an vào ban đêm, việc gây ra các tiếng vọng cũng là một tác nhân gây ảnh hưởng đến các bệnh tâm lý ở người già và trẻ nhỏ.
Một yếu tố nữa đang được dư luận đặc biệt quan tâm là vấn đề cháy nổ. Các thiết kế nhà ở cần đảm bảo yếu tố an toàn và thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ. Bao gồm hệ thống thoát dự phòng để khi xảy ra cháy nổ, ngôi nhà cần có khu vực an toàn để cả nhà có thể thoát ra nhanh chóng và an toàn. Bởi lẽ, hầu hết các nạn nhân của các vụ cháy đều đến từ việc ngộp khói mà khói thì lan rất nhanh trong các khu thông tầng và cầu thang.
Trong điều kiện cho phép lựa chọn, gia chủ nên có sự tham vấn ngay từ đầu của kiến trúc sư trong việc chọn lựa vị trí bất động sản. Vì tất cả những thứ tôi vừa liệt kê ở trên cũng chỉ là phương án đối phó, hạn chế; việc chủ động chọn lựa bất động sản từ đầu mới giúp giải quyết được phần lớn vấn đề.
An tâm không bằng Tâm an. Một người có tâm thái an tĩnh mới đủ sức tỉnh táo sáng suốt trong mọi tình huống để ứng phó với những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Ngôi nhà dù có đẹp và tuân theo quy chuẩn an toàn đến mức nào cũng đều có thể gây trở ngại khó khăn cho người sinh sống ở trong đó nếu người thiết kế không hiểu được thói quen, tâm tính, hành vi sinh hoạt của từng thành viên trong gia đình.
Ngôi nhà luôn nên là THỰC THỂ SỐNG chứ không phải là QUY TẮC SỐNG. Trong một gia đình có nhiều thế hệ, khoảng cách thế hệ luôn là một vấn đề mà nếu không giải quyết khéo léo có thể mỗi ngày một chút tạo nên sự mệt mỏi, căng thẳng.
Người trẻ thường thích các hoạt động nhộn nhịp, tạo nên nhiều tiếng ồn; trong khí đó, người cao tuổi lại cần sự yên tĩnh hoặc tiếng ồn trắng mới có thể đi vào giấc ngủ. Bằng cách tách biệt các không gian với độ ồn khác nhau này cộng với các kỹ thuật cách âm thì người trẻ có thể thoải mái thể hiện và người già cũng được giấc ngủ ngon.
Hoặc như vấn đề về sự khác biệt giữa quan điểm giáo dục trẻ nhỏ của thế hệ ông bà và thế hệ trẻ ngày nay có thể dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Thế hệ trẻ ngày nay chủ động học hỏi và tiếp thu kiến thức giáo dục từ các phương pháp giáo dục hiện đại, đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, sự bảo bọc có phần hơi nuông chiều của ông bà cũng góp phần hình thành trong con trẻ tình yêu thương, tạo nên những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Công việc của người kiến trúc sư là xây dựng kịch bản sống bằng không gian để ông bà vẫn có không gian chơi đùa, nuông chiều cháu yêu; để rồi khi chuyển qua một không gian khác, đứa trẻ hiểu rằng tới lúc bé cần phải theo kỷ luật và kỷ luật giúp bé độc lập và “người lớn” hơn.
Ngày nay, người trẻ ngày càng chủ động, tự tin, thích thể hiện bản thân nên các thiết kế kiến trúc, nội thất thường lấy người trẻ làm tâm điểm. Tuy nhiên, người cao tuổi và trẻ em mới là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong gia đình và cần rất nhiều sự hỗ trợ và quan tâm đúng mực.
Thiết nghĩ, trong điều kiện cho phép, nên có sự đầu tư nhất định về mặt thiết kế, nội thất cho hai đối tượng này để người già và trẻ em có thể an tâm thì người trẻ mới tâm an.