Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) mới đây thông báo phát hành thành công 100.000 trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng. Theo kết quả được Agribank công bố, đã có 5.079 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành này. Trong đó, có 5.023 nhà đầu tư cá nhân và 56 nhà đầu tư tổ chức.
Trái phiếu của Agribank phát hành lần này có kỳ hạn 10 năm và lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2%/năm.
Trong đó, mức lãi tham chiếu được tính bằng bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ của bốn ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất. Kỳ hạn của trái phiếu là 10 năm. Trong 5 năm cuối trước khi đến hạn, nếu Agribank không mua lại theo quyền, biên độ của trái phiếu lên tới 3% một năm.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của Agribank.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa phát hành lô trái phiếu đầu tiên trong năm 2024 với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định là 5,5%/năm.
Đầu tháng 8, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã báo cáo phát hành riêng lẻ thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Đây là trái phiếu không tài sản đảm bảo và có lãi suất cố định ở mức 5,45%/năm. Trước đó, MB đã phát hành thành công 15.000 tỷ đồng trái phiếu không có tài sản bảo đảm trong tháng 6 và tháng 7.
Trong ba tuần qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) huy động được 5.000 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 – 3 năm và lãi suất cố định ở mức 5,6%/năm
Tính từ đầu tháng 8, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành thành công hai lô trái phiếu 6 năm và 8 năm với tổng giá trị 2.500 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo và có lãi suất cho kỳ đầu tiên lần lượt là 5,58%/năm và 5,88%/năm. Mức lãi suất trái phiếu này cao hơn khoảng 1 – 1,3 điểm % so với mức bình quân lãi suất tiền gửi 12 tháng tại nhóm Big4.
Cũng trong khoảng thời gian trên, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu không tài sản đảm bảo có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6,3%/năm.
Sau khi huy động thành công hơn 13.000 tỷ đồng trong tháng 7, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tiếp tục phát hành thêm 2 lô trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 với quy mô đạt 670 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và có kỳ hạn 3 – 5 năm với lãi suất dao động trong khoảng 6 – 6,1%/năm cho năm đầu tiên – tương đối hấp dẫn so với mức lãi suất huy động tiền gửi mà ACB đang áp dụng (cao nhất là khoảng 5 – 5,1%/năm).
Ngoài các lô trái phiếu đã phát hành, nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch phát hành lượng lớn trái phiếu trong thời gian tới.
Hội đồng quản trị ACB mới đây đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 2 trong năm 2024 với tổng quy mô tối đa 15.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB.
Tại VietinBank, ngân hàng này đã công bố kế hoạch phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo ra công chúng với tổng quy mô 8.000 tỷ đồng. Số trái phiếu này có kỳ hạn 8 – 10 năm với lãi suất cao hơn 1,05% - 1,15% so với bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng tại nhóm Big4 theo từng thời kỳ.
Vừa qua, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) đã bắt đầu kế hoạch chào bán 5.600 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng thông qua các điểm giao dịch. Trong đó, đợt 1 chào bán 15 triệu trái phiếu, kỳ hạn 6 năm với lãi suất năm đầu tiên cố định 7,9%/năm.
Không chỉ ồ ạt huy động vốn từ trái phiếu trong tháng 8, ngân hàng cũng là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất 7 tháng đầu năm 2024. Số liệu của Chứng khoán MB cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 18/7, các ngân hàng đã phát hành lượng trái phiếu có giá trị khoảng 96.200 tỷ đồng, (tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm tỷ trọng 65% trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trên toàn thị trường. Các ngân hàng phát hành giá trị lớn nhất bao gồm: Techcombank (17.000 tỷ đồng), ACB (12.700 tỷ đồng), Mk (8.900 tỷ đồng).
Theo giới phân tích, các ngân hàng đang tăng cường phát hành trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỉ lệ an toàn hoạt động. Việc phát hành trái phiếu được đẩy mạnh trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi ở mức thấp và tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng tốc.
Ngoài ra, trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng cũng có động lực để phát hành trái phiếu mới nhằm cơ cấu lại các lô trái phiếu có lãi suất cao đã phát hành trong các năm trước. Điều này lý giải vì sao ngân hàng vừa là nhóm dẫn đầu phát hành mới, đồng thời cũng là đơn vị chủ yếu mua lại trái phiếu đã phát hành.
"Việc các NHTMCP đồng loạt đẩy mạnh phát hành trái phiếu được cho là nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 14% trong những tháng cuối năm", Chứng khoán MBS nhận định.