Nguy cơ lãng phí trong cuộc chạy đua thương mại hóa mạng 5G

Admin

09/11/2020 12:12

Sau khi Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp phép thử nghiệm thương mại hóa mạng 5G cho 2 nhà mạng, cuộc đua quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong việc cung cấp công nghệ, hạ tầng, thiết bị 5G cho thị trường đã tăng tốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia công nghệ 5G đang tồn tại 6 điểm yếu chí tử mà nếu không khắc phục được thì sẽ khó triển khai hay thu hút người dùng. 5G sẽ có nguy cơ gây lãng phí, thiếu hiệu quả và tất nhiên lợi nhuận sẽ không thu được nhiều.

Đua thiết kế, sản xuất thiết bị mạng 5G trong nước

Tháng 1-2020, Viettel là doanh nghiệp trong nước đầu tiên tiến hành việc nghiên cứu, sản xuất thiết bị và thực hiện cuộc gọi video sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB. Để tham gia thị trường này, Viettel đã huy động hơn 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin tham gia nghiên cứu sản xuất. Tập đoàn đã phê duyệt dự toán ngân sách 700 tỉ đồng cho việc phát triển dự án và đầu tư thiết bị.

Cũng trong cuộc chạy đua này, VinSmart (thuộc Vingroup) cho biết đã tập trung nghiên cứu, sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, IoT. Đồng thời, xây dựng phòng Lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G. Tháng 8-2020 vừa qua, VinSmart chính thức thử nghiệm thiết bị viễn thông 5G.

Giữa tháng 10-2020, Viettel và Tập đoàn VinGroup cũng đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển hệ thống trạm gốc di động 5G gNodeB. Đến tháng 11-2020, hai bên sẽ thực hiện cuộc gọi thử nghiệm đầu tiên trên băng tần 3.600-3.800 MHz. Mục tiêu của hai đơn vị là thương mại hóa thành công các trạm gốc di động 5G gNodeB 8T8R vào ngày 30-6-2021 và trạm gốc di động 5G gNodeB 64T64R vào ngày 30-6-2022.

Ngoài ra, đại diện VinSmart cũng cho biết từ tháng 6-2019 đã hợp tác với Fujitsu và Qualcomm để phát triển điện thoại thông minh 5G. Đến tháng 7-2020 vừa qua, VinSmart công bố phát triển thành công mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G. Với công bố này, VinSmart đã trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G. Sự kiện đã khẳng định năng lực thiết kế, sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh việc các công ty, nhà mạng trong nước chạy đua cung cấp các hạ tầng, thiết bị 5G thì các hãng công nghệ nước ngoài cũng đang tích cực gia nhập “sân chơi” này.

Cuối năm 2019 Qualcomm đã công bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đầu tiên ở Đông Nam Á tại Hà Nội để phát triển công nghệ không dây (4G, 5G), IoT. Phòng thí nghiệm tại cơ sở này sẽ là nơi cung cấp dịch vụ kiểm thử cao cấp cho các đối tác là nhà sản xuất thiết bị gốc trong nước của Qualcomm, bao gồm VinSmart, BKAV và Viettel, nhằm phát triển và sản xuất các thiết bị 5G chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Còn đại diện hãng điện thoại OPPO Việt Nam cho biết: “Hiện tại OPPO và các đối tác gần như đã sẵn sàng cho việc phủ sóng mạng 5G tại Việt Nam. Công nghệ mạng 5G được xem là nhân tố quan trọng nhất làm thay đổi toàn cầu trong ít nhất nửa thập kỉ tới”.

Ông Trần Minh Trung, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart cho biết: “5G sẽ quyết định sự thành công của xã hội số. Chúng tôi mong muốn người tiêu dùng Việt sẽ sớm được tiếp cận và sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới”.

Tuy nhiên một chuyên gia về viễn thông tại TP HCM nhận định: “Hiện tại 5G tại Việt Nam phù hợp để phát triển các dự án lớn như đô thị thông minh, chuyển đổi số, chính phủ điện tử… Đầu tư cho cuộc chơi này cần nguồn vốn lớn và kéo dài, vì vậy các nhà sản xuất cần cân nhắc để tránh bị “hụt hơi”.

f1491_anh_5g

Các nhà mạng chạy đua nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G để đón đầu thị trường. Ảnh: Chánh Trung

Người tiêu dùng vẫn còn dè dặt

Tín hiệu mới nhất hứa hẹn sự bùng nổ của 5G trong thời gian tới là việc Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cấp phép thử nghiệm thương mại hóa mạng 5G cho 2 nhà mạng là Viettel, MobiFone cuối tháng 10 vừa qua. Đây được xem là động thái “bật đèn xanh” nhằm tiến tới việc thương mại hóa mạng 5G trên diện rộng vào năm 2021.

5G đang được triển khai khắp thế giới

Theo Qualcomm Việt Nam hiện nay đã có hơn 60 nhà mạng tại hơn 30 quốc gia trên thế giới triển khai thương mại hóa 5G. Hơn 380 nhà mạng tại hơn 120 quốc gia đang đầu tư vào 5G. Sẽ có hơn 1 tỉ kết nối 5G vào năm 2023 nhanh hơn 2 năm so với 4G. Và đến năm 2025 sẽ có hơn 2,8 tỉ kết nối 5G trên toàn thế giới. Đã có hơn 375 thiết bị 5G đã được giới thiệu hoặc đang được phát triển.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Động Dương cho biết: “Theo nghiên cứu của chúng tôi, công nghệ 5G có thể tạo ra nguồn doanh thu lên tới 13.200 tỉ đô la vào năm 2035. Trong 2 năm tới, 5G có thể tạo ra giá trị tăng thêm là 1.000 tỉ đô la”

Trong một động thái đón đầu xu hướng này, khảo sát của phóng viên cho thấy các hãng điện thoại như Nokia, Samsung, Xiaomi, OPPO, Apple… đều đã giới thiệu hàng chục mẫu điện thoại 5G tại thị trường Việt Nam nhằm đón đầu phục vụ người tiêu dùng. Động thái này cộng với việc các nhà mạng đang thử nghiệm thương mại hóa dịch vụ 5G để tiến tới cung cấp chính thức trong thời gian tới, các chuyên gia dự đoán 5G sẽ có thể “bùng nổ” trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, khác với dự báo, ghi nhận thực tế cho thấy người dùng vẫn còn khá dè dặt với mạng 5G.

Anh Trần Hoàng (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: “tôi thấy với nhu cầu của tôi cũng như bạn bè, người thân thì hiện tại mạng 4G là phù hợp. Tôi nghĩ 5G rất ấn tượng song nhu cầu thực tế của người dùng là chưa cần đến lắm trong thời điểm này”.

Theo các chuyên gia, số người dùng nắm bắt thông tin về mạng 5G vẫn còn rất ít ỏi, bên cạnh đó nhu cầu với mạng 5G vẫn chưa cao vì nhiều lý do trong đó có giá cả. Thiết bị 5G trên thị trường hiện khá phổ biến nhưng giá vẫn ở mức cao, trung bình từ 10-40 triệu đồng một thiết bị. Bên cạnh đó sử dụng 5G rất nhanh tốn pin cũng khiến người dùng ngán ngại.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất theo các chuyên gia là 5G sẽ giống như nhược điểm của mạng 3G/4G trước đây, đó là các dịch vụ gia tăng. Hầu hết, người dùng xài 3G/4G hiện thời chỉ để đọc báo, lướt web, vào mạng xã hội… là chủ yếu, gần như không sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng của nhà mạng.

Bên cạnh đó, 5G tốc độ cao, ngốn dữ liệu nhanh hơn nhưng dung lượng nếu không tăng lên mà vẫn như 4G thì người dùng cũng không hào hứng sử dụng. Nếu các nhà mạng không cải thiện chất lượng các dịch vụ cộng thêm thì 5G cũng sẽ mất sức thu hút như 3G/4G, các chuyên gia cảnh báo.

Các chuyên gia viễn thông phân tích, công nghệ 5G còn tồn tại 6 điểm yếu chí tử gồm có: tốc độ cao nhưng vùng phủ bé và ngược lại, trải nghiệm không mượt do chênh lệch tốc độ khi chuyển đổi giữa 4G và 5G, giá điện thoại 5G sẽ cao hơn nhiều so với 4G, người dùng không muốn trả nhiều tiền hơn cho 5G và 5G là kẻ thù của thời lượng pin và ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết đến thiết bị 5G. Nếu các nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị không khắc phục được những điểm yếu này thì sẽ khó triển khai hay thu hút người dùng. 5G sẽ có nguy cơ gây lãng phí, thiếu hiệu quả và tất nhiên lợi nhuận sẽ không thu được nhiều, các chuyên gia cảnh báo.

5G cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ, các nhà khởi nghiệp (startup) thử nghiệm những ứng dụng, dịch vụ mới. Trước những khó khăn khi phát triển 5G, ông Nguyễn Phong Nhã đại diện Cục Viễn thông cho biết sẵn sàng giải đáp, chia sẻ thông tin về chính sách, qui định về viễn thông để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà mạng. Cục Viễn thông cũng sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp công nghệ hợp tác với các đơn vị viễn thông thử nghiệm, triển khai các ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ.

(Theo TBKTSG)

Bạn đang đọc bài viết "Nguy cơ lãng phí trong cuộc chạy đua thương mại hóa mạng 5G" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.