Năm 2023 sẽ quyết định “sống còn” của doanh nghiệp
Bên cạnh những khó khăn về pháp lý vẫn đeo đẳng chưa thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn thì vấn đề nguồn vốn vẫn là chủ đề nóng được thị trường bất động sản dành sự quan tâm lớn. Cùng đó, lãi suất neo cao khiến người mua do dự việc xuống tiền khiến các doanh nghiệp bất động sản vẫn khó khăn về dòng tiền.
Ngoài ra, áp lực của các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lớn từ việc khó phát hành trái phiếu do niềm tin của nhà đầu tư xuống thấp. Trong khi đó, theo Chứng khoán KB (KBSV), trong năm 2023 giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn là 120.400 tỷ đồng. Áp lực trả gốc và lãi trái phiếu trong bối cảnh hạn chế tín dụng cùng với mở bán dự án chậm có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của các chủ đầu tư.
Do đó, vấn đề về nguồn vốn vẫn là thách thức rất lớn của các doanh nghiệp bất động sản trong thời kỳ hiện nay. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp để lắng nghe ý kiến của các ngân hàng và doanh nghiệp với nội dung về tín dụng, lãi suất và room tín dụng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản năm 2022 là khó khăn và khắc nghiệt nhất. Vị này dự báo, năm 2023 là năm quyết định “sống còn” đối với các doanh nghiệp bất động sản, nếu không được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản.
“Nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn”, ông Châu cho biết.
Doanh nghiệp phải “tự cứu”
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chúng ta đang tìm hướng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản ở vấn đề nhiều doanh nghiệp không thể trả được nợ đúng hạn. Tuy nhiên, việc gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ và cơ cấu nợ không phải điều dễ dàng. Các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư phải đưa ra được phương án trả nợ khả thi. Nếu không có phương án rõ ràng, các ngân hàng sẽ rất khó thực hiện việc gia hạn.
“Mỗi dự án có đặc thù riêng, Ngân hàng sẽ không thể bơm tiền ồ ạt vào các dự án. Do đó, phương án tốt nhất là ưu tiên doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở bình dân được vay vốn phát triển dự án. Bên cạnh đó là các dự án trọng điểm, quan trọng gắn với an sinh, xã hội và có mục đích, tiêu chí rõ ràng sẽ được vay vốn”, vị này nói.
Theo ông Thanh, doanh nghiệp bất động sản khi vay vốn sẽ cần có các tài sản đảm bảo. Đặc biệt là doanh nghiệp phải chủ động có giải pháp cho hàng tồn kho thì việc vay vốn để làm tiếp dự án mới dễ dàng hơn.
“Nếu giảm lãi suất cho vay, chắc chắn thị trường sẽ xảy ra xung lực nhất định, trước mắt là ổn định và sau đó là quá trình phục hồi và phát triển. Song việc hạ lãi suất cho vay bất động sản có thực hiện được hay không vẫn phải dựa trên diễn biến của tình hình thực tế và cần có giải pháp thực tiễn hơn, không để thị trường được vay một cách ồ ạt, làm phá vỡ hệ thống”, ông Thanh nhận định.
Bên cạnh đó, ông Thanh nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay từ phía Nhà nước là cần thiết. Song, các chủ đầu tư chủ động tái cấu trúc doanh nghiệp vẫn là điều quan trọng nhất.
“Bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải hướng vào các phân khúc sản phẩm phù hợp, đưa mức giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn, phù hợp với khả năng chi trả của người mua có nhu cầu sử dụng thật. Doanh nghiệp cũng phải quản trị tốt được dòng tiền của mình để tránh rơi vào nhóm nợ xấu", vị này nói thêm.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, trước hết doanh nghiệp cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí cho vay, có tài sản đảm bảo, dự án đủ pháp lý. "Có như vậy, ngân hàng mới yên tâm giải ngân cho vay", ông Sinh nhấn mạnh.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, rà soát lại các dự án bất động sản đảm bảo phù hợp với nguồn lực, khả năng thực thi. Tránh tình trạng nguồn lực chỉ có một nhưng thực hiện đến 5-7 dự án, vượt quá khả năng và dẫn đến tình trạng khó khăn, phải bán bớt dự án. Ông Sinh đề nghị doanh nghiệp tiếp tục rà soát, bán bớt dự án để củng cố lại nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các dự án có hiệu quả hơn.