Nhận diện công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán 2019

Admin

28/10/2020 15:38

Công ty đại chúng là một trong hai chủ thể có vị trí trung tâm của thị trường chứng khoán, bên cạnh nhà đầu tư. Vì lẽ đó, Luật Chứng khoán 2019 có hàng loạt những sửa đổi chung quanh chủ thể này. Bài viết này tập trung phân tích những điểm pháp lý quan trọng liên quan đến nhận diện công ty đại chúng.

Nhận diện tính đại chúng

Mức độ tiếp cận và tham gia của công chúng đầu tư vào việc sở hữu cổ phiếu là thang đo về tính đại chúng của một công ty cổ phần. Theo đó, một công ty cổ phần được xem là có tính đại chúng nếu thuộc một trong hai trường hợp: (i) có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỉ đồng trở lên và có tối thiểu 10% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; (ii) đã thực hiện thành công việc chào cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) (điều 32.1).

Như vậy, ba tiêu chí chính để nhận diện tính đại chúng là quy mô vốn điều lệ, số lượng cổ đông và mức độ pha loãng trong cơ cấu sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết. Ba tiêu chí này thể hiện rõ trong trường hợp (i). Đối với trường hợp (ii), các tiêu chí này được thể hiện trong điều kiện để tiến hành IPO (điều 15.1).

So với Luật Chứng khoán trước đó thì rõ ràng tiêu chí nhận diện tính đại chúng theo Luật Chứng khoán 2019 có chuẩn cao hơn và chặt chẽ hơn. Tiêu chí về quy mô vốn điều lệ đã góp nâng từ 10 tỉ đồng lên 30 tỉ đồng.

cong-ty-dai-chung

Luật Chứng khoán 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021

Có hai lý do chính cho sự thay đổi này. Thứ nhất, quy mô 10 tỉ đồng là quá nhỏ gây nên những gánh nặng quá lớn về tuân thủ nghĩa vụ của công ty đại chúng đối với những công ty có quy mô vốn nhỏ. Thứ hai, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong vòng 10 năm (2005-2015), quy mô nguồn vốn của các doanh nghiệp nói chung đã tăng tăng khoảng 16,35 lần nên việc điều chỉnh tăng là phù hợp với tình hình thực tế.

Tiêu chí về số lượng cổ đông vẫn giữ mốc 100, nhưng luật cũ chỉ quan tâm thuần túy về mặt con số, trong khi đó Luật Chứng khoán 2019 kết hợp với tiêu chí về tính pha loãng trong cơ cấu sở hữu cổ phiếu. Theo đó, phải có ít nhất 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ, đối với trường hợp (ii), tỷ lệ này là 15%. Sự thay đổi này đảm bảo được sự tham gia của công chúng là thực chất thông qua việc đặt ra một tỷ lệ nhất định trong khả năng chi phối của công chúng vào các quyết định của công ty.

Tư cách công ty đại chúng

Khi một công ty cổ phần có tư cách công ty đại chúng sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý đặc thù với sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán. Theo Luật Chứng khoán 2019, tư cách công ty đại chúng được xác lập thông qua thủ tục hành chính tại UBCKNN. Đồng nghĩa khi một công ty cổ phần có tính đại chúng như trình bày ở trên không đương nhiên có tư cách công ty đại chúng.

Đối với trường hợp (i), công ty cổ phần có nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng trong vòng 90 ngày kể từ ngày thỏa mãn điều kiện về tính đại chúng. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện quá thời hạn quy định sẽ chịu phạt hành chính. Đối với trường hợp (ii), việc thực hiện thủ tục đăng ký IPO được hiểu đồng thời là thủ tục đăng ký công ty đại chúng (điều 32).

Tư cách công ty đại chúng chính thức được xác lập kể từ thời điểm UBCKNN xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng bởi điều 34 Luật Chứng khoán 2019 quy định rõ sau thời điểm này mới phát sinh các quyền và nghĩa vụ đặc thù của công ty đại chúng. Như vậy, tính đại chúng của công ty cổ phần không đồng nghĩa với tư cách công ty đại chúng của chính công ty cổ phần đó.

Điều này còn được củng cố rõ hơn với các quy định về hủy tư cách công ty đại chúng. Bởi nếu một công ty đại chúng không còn thỏa mãn điều kiện về tính đại chúng (như vốn điều lệ giảm xuống dưới 30 tỉ đồng hay cơ cấu cổ đông không còn đáp ứng yêu cầu) thì công ty đại chúng đó vẫn phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định liên quan đến công ty đại chúng cho đến khi UBCKNN có thông báo xác nhận về việc hủy tư cách công ty đại chúng.

Theo đó, trong thời hạn một năm kể từ thời điểm công ty đại chúng không còn thỏa mãn điều kiện về tính đại chúng mà công ty vẫn không khôi phục được điều kiện về tính đại chúng thì UBCKNN mới tiến hành xem xét hủy tư cách công ty đại chúng (điều 38).

Cách thức quản lý này dẫn đến trường hợp có công ty cổ phần thỏa mãn tính đại chúng nhưng vẫn không phải thực hiện các quy định liên quan đến công ty đại chúng và cũng có trường hợp công ty cổ phần không còn tính đại chúng vẫn phải tiếp tục gánh chịu các nghĩa vụ tuân thủ của một công ty đại chúng với thời hạn có thể lên đến một năm.

Quan ngại về tính thực thi

Nếu soi chiếu với động cơ và mục đích trong việc quản lý công ty đại chúng, người viết cho rằng tồn tại nhiều quan ngại về tính hiệu quả đối với cách thức quản lý này. Suy cho cùng, việc thiết lập các nghĩa vụ đặc thù dành riêng cho công ty đại chúng là hướng đến mục đích bảo vệ công chúng đầu tư.

Vậy nên việc phân tách thời điểm xác lập tính đại chúng dựa vào thực tế của các công ty cổ phần với thời điểm xác lập tư cách công ty đại chúng dưới góc độ pháp lý tạo nên những sự gián đoạn trong việc bảo vệ các nhà đầu tư cũng như tạo nên những kẽ hở về mặt quản lý và những lúng túng cho chính các công ty cổ phần.

Đơn cử một ví dụ, công ty cổ phần A có mức vốn điều lệ đã góp là 35 tỉ đồng và có 20% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do 105 cổ đông (không phải cổ đông lớn) nắm giữ. Rõ ràng, tính đại chúng của công ty A đã thỏa mãn. Theo quy định, trong thời hạn 90 ngày kể từ này thỏa mãn điều kiện về tính đại chúng, công ty A phải làm thủ tục đăng ký công ty đại chúng và UBCKNN có 15 ngày để xác nhận hoàn thành đăng ký công ty đại chúng.

Như vậy, trong giai đoạn 105 ngày từ ngày thỏa mãn điều kiện về tính đại chúng đến khi được UBCKNN xác nhận hoàn thành đăng ký công ty đại chúng, mọi hoạt động có liên quan đến huy động vốn, chuyển nhượng vốn của công ty A (như chào bán cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, hoạt động chuyển nhượng thuộc trường hợp buộc phải chào mua công khai,...) có được diễn ra không? Và nếu được thì phải thực hiện thủ tục có liên quan dành cho công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp hay theo thủ tục dành cho công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán?

Luật Chứng khoán 2019 không có quy định trực tiếp và minh thị đối với vấn đề này. Do đó, dựa vào các quy định đang có, người viết cho rằng giai đoạn 105 ngày này, công ty A vẫn chưa có tư cách của công ty đại chúng và không chịu sự điều chỉnh của Luật Chứng khoán. Nếu như vậy, mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư dường như không được thực hiện trọn vẹn.

Thêm nữa, ở một bối cảnh khác, nếu công ty A cố tình không thực hiện thủ tục đăng ký công ty đại chúng. Vậy trong thời gian vi phạm nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng, những hoạt động về huy động vốn, chuyển nhượng vốn của công ty A đã được tiến hành sẽ được giải quyết như thế nào? Liệu có vô hiệu, bị hủy bỏ hay phát sinh trách nhiệm pháp lý gì không?

Theo quy định của dự thảo lần 2 Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thì vi phạm không đăng ký công ty đại chúng hoặc đăng ký trễ hạn có thể bị phạt ở mức từ cảnh cáo đến 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng không có bất kỳ quy định nào về biện pháp khắc phục hậu quả hay xử phạt bổ sung liên quan đến các giao dịch xảy ra trong thời gian vi phạm nghĩa vụ đăng ký công ty đại chúng. Từ đó dẫn đến nguy cơ các công ty cổ phần cố tình vi phạm việc đăng ký công ty đại chúng để trốn tránh các nghĩa vụ liên quan đến công ty đại chúng nếu khoản lợi thu được hay chi phí tuân thủ tránh được từ các giao dịch vốn cao hơn mức tiền phạt.

Người viết cho rằng những vấn đề được nêu trên đây là quan trọng và cần được quy định một cách cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019 đang được xây dựng bởi Chính phủ và Bộ Tài chính.

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM

(Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn)

Bạn đang đọc bài viết "Nhận diện công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán 2019" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.