Các nhà khoa học trước đây xác định, hình dạng xương trong dương vật có thể giúp động vật đực loại bỏ tinh trùng của đối thủ khỏi bộ phận sinh sản của con cái. Tuy nhiên, nghiên cứu mới phát hiện ra rằng ngay cả trong số những động vật thụ tinh với trứng bên ngoài cơ thể, con đực vẫn có chiến lược loại bỏ tinh trùng của đối thủ và tăng cơ hội để trở thành kẻ chiến thắng.
Takeshi Takegaki thuộc Đại học Nagasaki, Nhật Bản và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu hành vi của 12 con cá bống thâm (Bathygobius fuscus), thường gặp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khi đối mặt với tinh trùng của đối thủ trong ổ trứng. Giống như hầu hết các loài cá có xương, cá bống thâm sinh sản bằng cách đẻ trứng, nghĩa là con đực phóng tinh dịch vào nước để thụ tinh với trứng.
Cá đực giữ tổ là loài cá thường chọn một hốc đá và sau đó mời gọi cá cái đẻ trứng vào bên trong, cá đực sau đó thụ tinh và bảo vệ ổ trứng khỏi những con cá đực khác.
Những con cá đực khác thường lẻn vào tổ để thụ tinh vào những quả trứng vừa đẻ và sau đó bơi đi. Những con đực giữ tổ “hung hăng xua đuổi” những con đực ra khỏi hốc đá của chúng và sau đó dùng đuôi quạt vào ổ trứng như thể chúng đang “quét sạch” tinh dịch của đối thủ.
Nhóm của Takegaki đã tiêm một lượng tinh dịch của cá đực vào các hốc đá có ổ trứng bên trong. Họ phát hiện ra rằng những con đực giữ tổ quẫy đuôi nhiều hơn khoảng 30 lần khi chúng phát hiện ra sự hiện diện của tinh trùng đối thủ.
"Việc quẫy đuôi này có thể làm giảm nồng độ tinh trùng trong tổ đến 87%. Mặc dù điều đó góp phần hiệu quả vào việc loại bỏ tinh trùng đối thủ khỏi tổ, nhưng quẫy đuôi cũng cũng có nhược điểm, đó là điều này cũng loại bỏ tinh trùng của con đực đang giữ tổ. Để bù lại, cá đực sau đó tăng cường khả năng thụ tinh nhiều hơn”, nhóm của Takegaki kết luận.