Gojek cho biết công ty mẹ là Tập đoàn GoTo (Indonesia) ra quyết định này khi đánh giá lại sự hiện diện trên thị trường để tối ưu hóa tăng trưởng.
Quyết định này nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty.
"Chúng tôi sẽ có các hỗ trợ cần thiết với tất cả bên bị ảnh hưởng trong suốt quá trình chuyển tiếp này, đồng thời tuân thủ các quy định và pháp luật hiện hành", Đại diện Gojek cho biết thêm.
Gojek được thành lập năm 2010, ban đầu tập trung vào các dịch vụ chuyển phát và gọi xe, trước khi ra mắt ứng dụng vào tháng 1/2015 tại Indonesia.
Từ đó, Gojek phát triển trở thành nền tảng dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu nước này, mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam vào năm 2018 với tên gọi GoViet.
Từ năm 2020, GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek. Trước khi chính thức dừng hoạt động giữa tháng này, Gojek Việt Nam đổi tổng giám đốc 4 lần, cung cấp các dịch vụ gồm chở người bằng xe 2 bánh (GoRide), ôtô (GoCar), giao thức ăn (GoFood) và giao hàng (GoSend) tại Việt Nam.
Tại Indonesia, vào năm 2021, hai công ty công nghệ hàng đầu của nước này là Gojek và Tokopedia sáp nhập, tạo nên tập đoàn công nghệ mới có tên GoTo Group, giá trị của thương vụ sáp nhập này tính sơ bộ lên tới 18 tỷ USD .
Sự hình thành của GoTo Group kết hợp các dịch vụ thương mại điện tử, gọi xe trực tuyến và các dịch vụ tài chính, thanh toán tạo ra nền tảng đầu tiên ở Đông Nam Á cung cấp ba dịch vụ thiết yếu trong cùng một hệ sinh thái.
Khi sáp nhập, hệ sinh thái của GoTo Group được cho là chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia và phục vụ 270 triệu người tiêu dùng Indonesia, cũng như các thị trường mới nổi khác.
Gojek góp 3 tỷ USD cho kinh tế Indonesia
Hồi tháng 2 năm nay, một nghiên cứu của Khoa Kinh tế và Kinh doanh (Đại học Indonesia) công bố rằng Gojek đã đóng góp 44,2 nghìn tỷ IDR, hay hơn 3 tỷ USD, vào giá trị gia tăng cho nền kinh tế Indonesia vào năm 2018.
Một nghiên cứu tương tự của đại học trên vào năm 2017 cho thấy Gojek đã đóng góp 15,1 nghìn tỷ IDR (1,06 tỷ USD) chỉ từ hai dịch vụ: Goride, Gofood.
Nghiên cứu cũng phát hiện thu nhập trung bình của các đối tác Gojek và Golife cao hơn mức lương tối thiểu trung bình trên các khu vực được khảo sát.
Thu nhập trung bình hàng tháng của các đối tác tài xế Goride là 4,9 triệu IDR (khoảng 9,8 triệu đồng) ở Jakarta và 3,8 triệu IDR ở tám khu vực khảo sát khác.
Cuối tháng 7, GoTo cho biết ghi nhận khoản lỗ ròng là 2,8 nghìn tỷ rupiah (174 triệu USD) trong sáu tháng đầu năm nay , Nikkei Asia dẫn lời.
Dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 6 đã thu hẹp so với mức 7,2 nghìn tỷ rupiah trong cùng kỳ năm ngoái, GoTo cho biết trong một báo cáo tài chính. Doanh thu ròng tăng lên 7,7 nghìn tỷ rupiah, tăng 12%.
"Tăng trưởng tăng tốc mạnh mẽ trong quý thứ hai khi trọng tâm chiến lược của chúng tôi vào người tiêu dùng thị trường đại chúng, đổi mới sản phẩm và thực hiện không ngừng nghỉ tiếp tục mang lại hiệu quả", trích lời CEO của GoTo Group Patrick Walujo trong một thông cáo báo chí.
Trong năm 2023, công ty có trụ sở tại Jakarta này đã ghi nhận khoản lỗ ròng là 90,5 nghìn tỷ rupiah, gấp đôi so với năm trước. Nguyên nhân là do việc ghi giảm liên quan đến nền tảng video ngắn TikTok của Trung Quốc mua lại cổ phần kiểm soát tại Tokopedia.
Nhưng GoTo đã đạt được cam kết lâu dài của mình là ghi nhận EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao) điều chỉnh theo nhóm tích cực trong quý 4 năm 2023, lần đầu tiên đối với công ty. GoTo đặt mục tiêu duy trì lợi nhuận EBITDA điều chỉnh trong cả năm 2024.
Gần đây, đối thủ chính của GoTo tại Đông Nam Á cũng đã thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Grab có trụ sở tại Singapore đã nâng triển vọng lợi nhuận trong năm nay lên từ 250 triệu đô la đến 270 triệu USD trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh, tăng so với dự báo trước đó là từ 180 triệu USD đến 200 triệu USD và đảo ngược khoản lỗ 22 triệu USD vào năm 2023, khi nhu cầu gọi xe tăng lên do khách du lịch đến thăm các thị trường Đông Nam Á của công ty.