“Sức khỏe” Dự án KĐT sinh thái Cửu Long: Góc nhìn từ việc đối tác “sa lầy” 25,5 tỷ đồng?

Admin

Nhiều người cho rằng, tiềm lực tài chính của một doanh nghiệp là thước đo “sức khỏe” Dự án của chính đơn vị ấy làm chủ đầu tư. Việc Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Đô ghi trong thuyết minh báo cáo tài chính năm 2019 rằng, “nợ xấu”, khó có khả năng thu hồi Công ty Cổ phần Hasky số tiền liên quan đến Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long là 25,5 tỷ đồng, càng khiến cho khách hàng hoài nghi về sức khỏe của dự án này hiện nay ra sao?

Những dấu hiệu bất thường khó thể bỏ qua

Những năm gần đây, thị trường bất động sản ở Việt Nam ngày càng trở nên sôi động. Hoạt động mua bán nhà, đất không đơn thuần chỉ đáp ứng chỗ ở mà nhiều khách hàng còn xem đây là “cơ hội” kinh doanh để làm giàu. Vì vậy, “sức khỏe” của một dự án không chỉ có các nhà quản lý quan tâm, mà khách hàng cũng đặc biệt chú ý, xem có nên đầu tư vào dự án đó hay không? Do đó, Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long nằm tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cũng không nằm ngoài sự cân nhắc của giới kinh doanh trước khi “hạ tiền” để đầu tư.

Năm 2017,Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long, như: Chủ đầu tư dự án chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất với số tiền 41.779.634.400 đồng (thời gian chậm nộp tính đến thời điểm thanh tra là 835 ngày). Tiến độ thực hiện dự án chậm 03 năm 6 tháng so với Giấy chứng nhận đầu tư.

Đặc biệt, liên quan đến “số tiền trả lãi vay xác định không đúng quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính, làm cho tổng chi phí đầu tư phát triển tăng, dẫn đến tiền sử dụng đất phải nộp giảm 101.503.984.428 đồng (tính theo Thiết kế cơ sở của chủ đầu tư dự án lập được Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình thẩm định tại Văn bản số 885 ngày 17/8/2011), gây thất thoát ngân sách nhà nước” được Thanh tra Chính phủ nêu rất rõ trong Thông báo kết luận thanh tra số: 1304 ngày 30/5/2017. Tuy nhiên, ông Bùi Đức Hinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trả lời Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập tại văn bản số: 1231 ngày 27/7/2020 lại cho rằng: “Số tiền sử dụng đất 101.503.984.428 đồng là không gây thất thoát ngân sách nhà nước”.

Lý do mà ông Bùi Đức Hinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nêu trong văn bản là, UBND tỉnh Hòa Bình đã có các báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, và các Bộ, ngành khác có liên quan để tiếp tục giải trình các nội dung có liên quan đến xác định số tiền sử dụng đất của Dự án hạ tầng KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long. Sau khi xem xét giải trình của tỉnh, các cơ quan Trung ương đã chấp nhận với các báo cáo giải trình của tỉnh và đồng ý số tiền sử dụng đất 101.503.984.428 đồng là không gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Mặc dù văn bản do ông Bùi Đức Hình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký trả lời Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập cho biết: “Các cơ quan Trung ương đã chấp nhận với các báo cáo giải trình của tỉnh” nhưng trong văn bản trả lời, UBND tỉnh Hòa Bình không hề trích dẫn được cụ thể cơ quan nào, văn bản nào, đồng ý với giải trình của UBND tỉnh. Trong khi đó, năm 2019, nhiều tờ báo như: Dân trí, Tiền phong, Dân Việt vv…đều đăng tải nội dung: “Ngày 31/01/2019, Văn phòng Chính phủ có công văn số 977 thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc hướng dẫn UBND tỉnh Hòa Bình xử lý dứt điểm về tài chính sau thanh tra tại Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long”.

Giải thích về dự án chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầy tư. Tại văn bản số: 1231 được UBND tỉnh Hòa Bình ký ngày 27/7/2020 gửi Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập có lý giải: “Nguyên nhân bao gồm cả chủ quan và  khách quan, đặt biệt là công tác giải phóng mặt bằng do một số hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù”. Dù UBND tỉnh Hòa Bình có giải thích gì đi chăng nữa thì dự án chậm tiến độ vẫn là sự thật hiển nhiên, và việc dư luận hoài nghi về “sức khỏe” của Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long hiện nay ra sao là điều không thể tránh khỏi...

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Công ty Cổ phần Hasky (trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp Dấu khí Hòa Bình) nợ xấu Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Đô 25,5 tỷ đồng

Góc nhìn từ việc đối tác “sa lầy” 25,5 tỷ đồng

Sau khi Tạp chí điện tử Doanh nghiệp & Hội nhập đăng tải bài viết: “Hòa Bình: Dự án KĐT sinh thái Cửu Long có phải đối mặt với “voi trắng”? đã được nhiều bạn đọc quan tâm. Góp phần giải mã thêm về “sức khỏe” của dự án, một số bạn đọc nêu ý kiến trọng tâm chính là cần làm rõ năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Thực tế, tại Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần dầu khí Đông Đô cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 có ghi rõ: Phản ánh khoản thu Công ty Cổ phần Hasky (trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp Dấu khí Hòa Bình) theo Biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh số 60/2017/BBTL ngày 25/08/2017. Theo đó, Công ty Cổ phần dầu khí Đông Đô đã rút vốn khỏi Dự án Khu du lịch sinh thái và Dịch vụ Cửu Long và Công ty Cổ phần Hasky hoàn trả toàn bộ số tiền 46 tỷ đồng mà Công ty đã góp vào dự án. Tại ngày 31/12/2019, Công ty Cổ phần dầu khí Đông Đô còn phải thu Công ty Cổ phần Hasky số tiền liên quan đến dự án này là 25,5 tỷ đồng.

Cũng tại Báo cáo tài chính thì số tiền 25,5 tỷ đồng nêu trên bị đưa vào danh mục “nợ xấu” với nội dung: “Tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi”.

Đối với nhiều doanh nghiệp, con số 25,5 tỷ đồng không phải là lớn. Nhưng đối với Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Đô thì 25,5 tỷ đồng là số tiền “khủng”. Vì, thuyết minh Báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Đô kết thúc ngày 31/12/2019 có trình bày việc “Đánh giá của Ban Giám đốc về khả năng tiếp tục hoạt động của Công ty trong 12 tháng tới kể từ ngày 31/12/2019” thì tại ngày 31/12/2019, Công ty có nợ phải trả quá hạn thành toán; công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn và lỗ lũy kế với số tiền lần lượt là 13.443.513.482 VNĐ và 231.588.868.831 VNĐ (lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2019: 197.571.560.782 VNĐ); đồng thời lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cho năm tài chính kết thúc cùng ngày bị âm 4.828.860.987 VNĐ (năm 2018: âm 18.887.811.389 VNĐ). Khả năng hoạt động liên tục của Công ty trong vòng 12 tháng tới hoàn toàn phụ thuộc vào việc Công ty có thể thu hồi được các khoản công nợ, thu hồi được vốn góp đầu tư hoặc bán được các công trình/ hạng mục công trình dở dang cũng như khả năng các tổ chức kinh tế, ngân hàng tiếp tục cung cấp các khoản tín dụng, và khả năng huy động vốn từ các nhà đầu tư.

Việc Công ty Cổ phần dầu khí Đông Đô bị “sa lầy” 25,5 tỷ đồng như đã nêu trên tưởng chừng sẽ giúp bạn đọc nắm được thông tin về “sức khỏe” của Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi, khi Chủ đầu tư dự án từ Công ty Cổ phần Hasky đã “biến thành” Công ty TNHH MTV Bất động sản Hasky Hòa Bình. Và thông tin thật sự về “sức khỏe” của Dự án KĐT sinh thái và dịch vụ Cửu Long đối với khách hàng đã “bí ẩn” lại càng trở nên “bí ẩn”…

Bạn đang đọc bài viết "“Sức khỏe” Dự án KĐT sinh thái Cửu Long: Góc nhìn từ việc đối tác “sa lầy” 25,5 tỷ đồng?" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.