Vàng, chứng khoán - đâu là cơ hội?

06/11/2024 12:13

Giá vàng được dự báo tăng tiếp nhưng có thể xuất hiện "cú gục ngã" trong ngắn hạn; chứng khoán vẫn khó khăn trong thời gian tới.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại talkshow chủ đề "Vàng lập đỉnh, chứng khoán èo uột: Đâu là cơ hội?", do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 5-11. Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank, đang có rất nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng đi lên.

"Thiên thời, địa lợi" cho vàng

Không chỉ căng thẳng khu vực Trung Đông hỗ trợ giá vàng mà việc ngân hàng trung ương nhiều nước hạ lãi suất cho thấy kỳ vọng về thời kỳ tiền rẻ đã quay trở lại. Đặc biệt, nhu cầu đa dạng hóa các kênh đầu tư trong giai đoạn hiện nay không chỉ giúp vàng lập đỉnh mà thị trường chứng khoán Mỹ cũng rất nhiều lần lập kỷ lục mới. Ngoài ra, vàng còn trở thành kênh đầu tư trú ẩn trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu có nhiều bất ổn.

Một yếu tố khác thúc đẩy giá vàng đi lên, theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM (UEH), là chính sách phi đô-la hóa của nhiều nước. Mới đây, các nước thành viên khối BRICS đã đưa ra quan điểm và theo đuổi chính sách phi đô-la hóa, bằng cách các ngân hàng trung ương sẽ tăng cường dự trữ vàng để làm mạnh đồng tiền của họ, tạo ra hệ thống tiền tệ mới. "Dù đã tăng lên mức kỷ lục nhưng giá kim loại quý vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ đi lên trong thời gian tới, như nhu cầu mua vàng vật chất của nhiều nước châu Á khi vào mùa cưới cuối năm, mua vàng dịp Tết Nguyên đán. Trên thị trường quốc tế, các nước liên tục công bố giảm lãi suất cũng là một trong những lý do tác động tích cực đến giá vàng" - ông Huân nói.

Dù giá vàng đang hội tụ đầy đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi" nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo vẫn có những rủi ro khi kim loại quý đã có chuỗi tăng nóng và liên tục thời gian qua. Bởi, giá vàng không thể lên theo đường thẳng đứng mà sẽ có những đợt điều chỉnh giảm, thậm chí là lao dốc trong ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý để phòng ngừa rủi ro.

Vậy thời điểm này có nên mua vàng? Nếu mua vàng, nên mua vàng nhẫn hay vàng miếng SJC?

Trả lời những câu hỏi này, ông Khánh cho rằng: "Nếu mua vàng, chỉ nên dịch chuyển một phần tiền nhàn rỗi khoảng 10%-15% và có thể mua cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 99,99. Dù vậy, đang có những yếu tố có thể khiến giá vàng điều chỉnh giảm như việc kim loại quý đã tăng hơn 40% từ đầu năm, mức tăng chưa từng có trong lịch sử nên sẽ khó để tăng mạnh tiếp. Ngân hàng trung ương các nước đã ngừng mua vàng như Trung Quốc, Ấn Độ không mua vàng trong nhiều tháng qua. Và khi các nhà đầu tư đều đã có lời, nếu giá vàng đảo chiều, áp lực bán chốt lời sẽ là rất lớn, khiến giá vàng lao dốc".

Vàng, chứng khoán - đâu là cơ hội?- Ảnh 1.

Các chuyên gia tham gia talkshow vàng, chứng khoán sáng 5-11. Ảnh: TẤN THẠNH

Chứng khoán vẫn khó kiếm tiền

Trong khi thị trường vàng sôi động, thị trường chứng khoán trong nước lại tiếp tục trầm lắng, thanh khoản sụt giảm, khối ngoại bán ròng với mức kỷ lục khoảng 80.000 tỉ đồng từ đầu năm tới nay.

Bất chấp loạt thông tin tích cực về báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 của DN niêm yết hay mới nhất là Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức được áp dụng, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền cũng không ngăn được đà giảm của thị trường, VN-Index vẫn biến động èo uột.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, thị trường chứng khoán giai đoạn này khiến nhà đầu tư… sợ! Bởi, sự biến động tích lũy trong biên độ hẹp, nhà đầu tư rất khó kiếm tiền, thậm chí còn mất tiền nhiều hơn. Chứng khoán đang có nhiều yếu tố tích cực nhưng chưa đủ tạo cú hích giúp thị trường bật tăng khỏi vùng tích lũy, chưa kể khối ngoại vẫn bán ròng. Thực tế, việc nhà đầu tư trong nước "cân" hết lượng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm đến nay đã là một nỗ lực rất lớn. Nếu không có động lực mạnh mẽ hơn hoặc sự tham gia của dòng tiền mới thì rất khó để bứt phá. "Không chỉ vàng "lấp lánh" thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, lãi suất gửi tiết kiệm cũng nhích lên thời gian qua tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho khoản tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, chứng khoán lại kém khởi sắc khiến rất nhiều người chọn đứng ngoài quan sát, ngừng giao dịch càng kéo thanh khoản của chứng khoán giảm sâu" - ông Huân nói.

Ngay cả với Thông tư 68, các chuyên gia cho rằng những quy định mới chỉ có tác động tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua vào. Còn trong bối cảnh họ vẫn bán ròng như hiện tại là rất khó. Trong khi đó, VN-Index rất nhiều lần trong năm nay chỉ chạm vùng 1.300 điểm rồi quay đầu lao dốc, tạo tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư. Cứ tới "vùng cản" này là ai cũng nhìn nhau rồi "lôi" cổ phiếu ra bán. Nếu không có chất xúc tác thật sự mạnh mẽ như câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán, sẽ rất khó cho VN-Index tăng mạnh thời gian tới.

Trao đổi riêng với phóng viên Báo Người Lao Động về thị trường chứng khoán hiện tại, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nói rằng không dễ có tín hiệu lạc quan với chứng khoán bởi hiện tại, kết quả kinh doanh của nhiều DN niêm yết quý III/2024 vừa công bố là bức tranh sáng nhưng sau đó sẽ là vùng trũng thông tin. Chưa có nhiều yếu tố để chứng khoán tăng mạnh, ngược lại, giá vàng lên cao thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. "Rào cản lớn nhất đối với vàng trong nước là chính việc mua bán vàng ngày càng khó và tùy thuộc vào chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Xác suất mua vàng nhẫn với đỉnh cao hiện nay để có lợi nhuận là không dễ và khả năng thua lỗ do chênh lệch giá mua bán cộng với tỉ lệ quay đầu giảm là có" - TS Hiếu phân tích. 

Nếu chọn cổ phiếu, mua ngành nào?

Theo ông Phan Dũng Khánh, thị trường chứng khoán lúc này vẫn khó nhưng mua cổ phiếu với kỳ vọng tương lai vẫn có một số lĩnh vực có triển vọng như công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, năng lượng sạch... Số lượng cổ phiếu ngành này trên sàn chứng khoán không nhiều và đã tăng mạnh nên nếu mua cần chờ giá điều chỉnh giảm. Cổ phiếu ngành bất động sản cũng có thể cân nhắc sau khi đã giảm rất mạnh và biến động tiêu cực trong thời gian qua nhưng khi tích lũy đủ lâu sẽ có cơ hội tăng trở lại.

Giá vàng giữ vững vùng đỉnh

Cuối ngày 5-11, giá vàng miếng SJC được các DN niêm yết quanh 89 triệu đồng/lượng, giữ vững vùng đỉnh trong nhiều tháng qua. Trong khi giá vàng thế giới vẫn duy trì chuỗi tăng liên tiếp, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước. Cuối ngày 5-11, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 1.743 USD/ounce, tăng so với phiên trước và đang ở vùng đỉnh mọi thời đại, cao hơn 40% so với hồi đầu năm.

Ngược lại, VN-Index tiếp tục "lình xình" khi đóng cửa quanh mốc 1.245, chỉ tăng nhẹ so với phiên trước.


Bạn đang đọc bài viết "Vàng, chứng khoán - đâu là cơ hội?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.