Xử lý nợ xấu ngân hàng: Chứng khoán hóa nợ xấu bằng cách nào?

Admin

18/11/2020 19:01

Trao đổi vớ chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chứng khoán hóa nợ xấu đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, Việt Nam nên sớm áp dụng để góp phần xử lý nợ xấu.

xu ly no xau ngan hang chung khoan hoa no xau bang cach nao
Chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu

- Thưa ông, nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng tăng mạnh dưới tác động của COVID-19. Có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên cho phép chứng khoán hóa nợ xấu để góp phần thúc đẩy xử lý nợ xấu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Chứng khoán hóa nợ xấu nghĩa là những khoản nợ, trong đó có nợ xấu của các TCTD sẽ được đóng gói lại và phát hành thành một loại cổ phiếu, rồi đem bán trên thị trường chứng khoán. Do đó, giá trị của cổ phiếu đó sẽ được đảm bảo bằng chính những món nợ cùng tài sản đảm bảo đi kèm.

Hiện tại, Việt Nam chưa có một quy định nào về chứng khoán hóa nợ xấu. Mặc dù Nghị quyết 42/QH14 của Quốc hội đã đề cập đến sàn giao dịch nợ xấu, nhưng chưa có quy định về chứng khoán hóa nợ xấu. Do đó, tới đây, nếu Quốc hội luật hóa xử lý nợ xấu , thì nên có quy định về chứng khoán hóa nợ xấu để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai công cụ tài chính này.

Bởi vậy trong thời gian trước mắt, Việt Nam chưa thể thực hiện chứng khoán hóa nợ xấu vì chưa có hàng lang pháp lý cho vấn đề này.

Tuy nhiên, đây là công cụ tài chính được sử dụng rất hiệu quả trong xử lý nợ xấu ở nhiều quốc gia, do đó, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, như Mỹ... để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm triển khai chứng khoán hóa nợ xấu càng sớm càng tốt.

- Theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực, hoàn thiện cơ sở pháp lý như thế nào để thực hiện có hiệu quả và an toàn việc chứng khoán hóa nợ xấu?

Trước hết, Bộ Tài chính hoặc NHNN nên chủ trì việc tiếp nhận các thông tin, các tư vấn của các chuyên gia về vấn đề chứng khoán hóa nợ xấu , từ đó trình lên Chính phủ xem xét trình Quốc hội luật hóa xử lý nợ xấu, trong đó có quy định về chứng khoán hóa nợ xấu.

Các khoản nợ, đặc biệt là nợ xấu, được định giá bằng các tài sản thế chấp, cầm cố. Do đó, cần có các quy định chuyển nhượng tất cả tài sản thế chấp, cầm cố liên quan đến các khoản nợ xấu thì lúc đó mới có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho chứng khoán hóa nợ xấu.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, quá trình chứng khoán hóa nợ xấu là rất phức tạp nên cần có cơ chế khuyến khích phát triển, đồng thời đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các bên có liên quan như: Tổ chức khởi tạo, tổ chức trung gian phát hành, tổ chức phục vụ, tổ chức ủy thác kinh doanh, nhà đầu tư và tổ chức xếp hạng tín nhiệm…

- Về bản chất, nợ xấu đã là tài sản có chất lượng xấu, nay được chứng khoán hóa. Vậy cần có giải pháp nào để loại giấy tờ có giá này thực sự hấp dẫn trên thị trường chứng khoán, thưa ông?

Tôi cho rằng hành lang pháp lý cần thay đổi để phù hợp với một thị trường mua – bán nợ , trong đó có nợ xấu. Đối với chứng khoán hóa nợ xấu, vấn đề quan trọng thứ nhất hiện nay là làm sao chuyển nhượng những tài sản bảo đảm, thế chấp từ người cho vay đầu tiên cho người cho vay tiếp theo, hay nói cách khác làm thế nào để nhà đầu tư thứ nhất có thể chuyển nhượng cho nhà đầu tư tiếp theo. Vấn đề chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó phải được thực hiện thế nào để phù hợp với việc bán nợ. Bởi bán nợ là chỉ bán món nợ về mặt tín dụng, còn việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm lại là một việc khác mà hiện tại ở Việt Nam chưa phát triển vấn đề này. Như vậy, hai khâu trên phải đi cùng với nhau, mà để có được như vậy cần một hành lang pháp lý.

Vấn đề thứ hai là cần có một thị trường mua – bán nợ. Trong thị trường đó bao gồm chứng khoán hóa các món nợ, bán các món nợ cho nhà đầu tư. Hiện tại đã có một thị trường mua bán nợ bao gồm các ngân hàng, VAMC của NHNN… Do đó cần một thị trường mua bán nợ có quy mô lớn hơn, có thể do NHNN hoặc Bộ Tài chính đứng ra xây dựng.

Khi đã thực hiện được cả hai điều trên, thì mới có thể thực hiện được chứng khoán hóa nợ xấu và công cụ tài chính này mới thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông!

Cách mà nhiều ngân hàng lãi lớn...

Lãi suất giảm, tăng trưởng tín dụng chậm, trích lập nợ xấu gia tăng nhưng các ngân hàng vẫn đồng loạt báo cáo có lãi ...

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 11/2020?

Khảo sát mới nhất tại 30 ngân hàng thương mại trong nước, lãi suất tiền gửi tiết kiệm có nhiều sự thay đổi. Một số ...

TS. Nguyễn Trí Hiếu: 'Ngân hàng đã cẩn trọng hơn với nợ xấu'

Báo cáo tài chính ngành ngân hàng quý 3/2020 cho thấy con số nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt nợ xấu nhóm 5. Cùng với ...

Bạn đang đọc bài viết "Xử lý nợ xấu ngân hàng: Chứng khoán hóa nợ xấu bằng cách nào?" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.