Nới room tín dụng là bước đầu tháo gỡ khó khăn
Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh, nguyên nhân là do nhiều khó khăn vướng mắc đè nén như vướng mắc về pháp lý và chính sách tiền tệ có sự thắt chặt từ đầu năm 2022,...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản đã gặp khó khăn từ tháng 7/2015 cho đến nay do yếu tố lớn nhất là vướng mắc các các quy định pháp luật.
“Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, từ 1/7/2015 cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất để mua được nhà ở xã hội với lãi suất 4,8% từ 2022 trở về trước và 5% bắt đầu từ năm 2023”, ông Châu nói.
Bên cạnh những vướng mắc về pháp lý, ông Châu cho biết, thị trường bất động sản cũng gặp vướng mắc về mất cân đối sản phẩm cùng một số yếu tố tác động khác như khó tiếp cận tín dụng, thị trường trái phiếu....
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, ngày 17/11, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết nhiều vướng mắc về pháp lý đất đai, giao đất, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, tính giá đất, trình tự thủ tục đầu tư... đã được Tổ công tác của Thủ tướng về thị trường bất động sản nhận diện.
Trong đó, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản lúc này là doanh nghiệp cùng lúc gặp vấn đề về vốn, tín dụng, trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng thực hiện dự án, nhiều nhà thầu cho công nhân nghỉ việc. Tuy nhiên, Tổ công tác của Chính phủ đã đề nghị địa phương giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ làm việc với ngân hàng nới room tín dụng.
Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng vào đầu tháng 12/2022, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, động thái này đã bước đầu tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cho nền kinh tế trong đó có thị trường bất động sản. Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, gỡ nút thắt cho kênh huy động vốn này.
Ngoài ra, nguyên nhân khó khăn của thị trường bất động sản còn bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp. Khi thị trường bất động sản tốt, nhiều đơn vị đã ồ ạt triển khai cùng lúc nhiều dự án mà không chú ý tới khả năng cân bằng nguồn lực. Vậy nên khi thị trường đi xuống thì cùng lúc doanh nghiệp đến thời điểm đáo hạn nợ trái phiếu, dẫn đến mất kiểm soát.
Tổ công tác gỡ khó bất động sản đã nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp phải rà soát lại, cơ cấu sản phẩm và dự án bất động sản, bán bớt để tập trung vào dự án đang triển khai. Đây là giải pháp ngắn hạn Tổ công tác đưa ra cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định về lâu dài, không nên lấy vốn dự án này sử dụng cho dự án khác, làm mất cân bằng tài chính.
Thị trường sẽ dần được tháo gỡ
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là những tín hiệu tích cực để các dự án bất động sản giải quyết được bài toán dòng vốn và xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Theo đó, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dự án, là cơ sở để thị trường bất động sản 2023 có cơ hội hồi phục, chuyển biến, thậm chí là "đảo chiều" từ trầm lắng sang khởi sắc.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định sang năm 2023, khi có room tín dụng mới, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi. Song, sẽ không có chuyện "sốt đất" xảy ra như đầu năm 2022. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường bất động sản có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự quyết liệt tháo gỡ cho thị trường bất động sản thời gian qua là kịp thời. Tuy nhiên, để thị trường đi vào ổn định cần có thời gian cũng như độ trễ của chính sách. Và chỉ khi các giải pháp được cụ thể hóa và đi vào thực tế thì mới giúp cho thị trường hồi phục.
Bên cạnh đó, trong lúc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì đề án 1 triệu nhà xã hội của Bộ Xây dựng có thể xem là biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, đề án có nhiều ý nghĩa cả về kinh tế và xã hội này cũng gặp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách. Trong đó có những vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ, liên quan đến vấn đề giao đất, lựa chọn đầu tư, ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, vay vốn; hoặc thuộc thẩm quyền Quốc hội, cần sửa Luật Nhà ở.
"Nhà ở xã hội quan trọng quỹ đất. Quy định hiện hành là dự án bất động sản thương mại phải dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội thì tính khả thi không cao. Chúng tôi đề xuất theo hướng giao cho UBND địa phương bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ngay từ khâu lập quy hoạch", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nói.