Các vi phạm sử dụng vốn đầu tư dự án BT tại Thủ Thiêm

Admin

21/10/2020 20:53

Qua kiểm toán việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư một số dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), Kiểm toán Nhà nước xử lý tài chính và xử lý khác hơn 663 tỷ đồng.

Trong báo cáo kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết cơ quan đã thực hiện 147/184 đoàn kiểm toán từ đầu năm, kết thúc kiểm toán 114/147 đoàn, đồng thời phát hành 98 báo cáo kiểm toán.

Tính đến 30/9, KTNN đã xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng, bao gồm tăng thu 3.074,5 tỷ, giảm chi Ngân sách Nhà nước 10.700 tỷ, và kiến nghị khác 39.195,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, qua quá trình kiểm toán, cơ quan này phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Xử lý tài chính các dự án BT tại Thủ Thiêm

Một trong những nội dung nổi bật được KTNN báo cáo Quốc hội là việc kiểm toán quản lý, sử dụng vốn đầu tư một số dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM). Qua công tác này, KTNN đã xử lý tài chính và xử lý khác 663,2 tỷ đồng.

Cơ quan kiểm toán chỉ ra chất lượng lập tổng mức đầu tư tại các dự án được kiểm toán chưa tốt và còn nhiều bất cập. Trong đó, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc với tổng mức đầu tư được duyệt 3.345,6 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị hợp đồng BT được ký kết chỉ là 2.641,3 tỷ, còn lại hơn 704 tỷ được cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư loại trừ dự phòng trượt giá và lãi vay.

Giá trị dự toán tiếp tục được hai bên liên quan xác định lại còn 1.776,5 tỷ (bằng 53% tổng mức đầu tư ban đầu) sau khi cập nhật và chuẩn hóa hồ sơ tại bước thiết kế bản vẽ thi công so với bước thiết kế cơ sở.

Vi pham su dung von tai Thu Thiem anh 1

4 tuyến đường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng chiều dài 11,9 km, mức đầu tư 12.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Quân.

Tại dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 với tổng mức đầu tư được duyệt là 4.260,1 tỷ, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 3.082,4 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan quản lý và nhà đầu tư không tính lãi vay và dự phòng trượt giá, hai bên cũng không sử dụng các khoản chi phí dự phòng trượt giá, dự phòng chênh lệch mức lương và chi phí lãi vay khiến giá trị dự toán giảm còn 2.504,5 tỷ (bằng 58,7% tổng mức đầu tư ban đầu).

Tại dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính tổng mức đầu tư được duyệt là 12.182,1 tỷ đồng, giá trị hợp đồng BT ký kết là 8.265,1 tỷ do cơ quan quản lý và nhà đầu tư loại trừ không tính lãi vay và dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư.

KTNN cũng xác định hai bên không sử dụng các khoản chi phí dự phòng trượt giá, dự phòng chênh lệch mức lương và chi phí lãi vay khiến giá trị dự toán giảm còn 6.511,8 tỷ (bằng 53,4% tổng mức đầu tư ban đầu). Sau kiểm toán, cơ quan này kiến nghị giảm 244,3 tỷ đồng với 3 dự án kể trên.

Ngoài ra, KTNN cũng nhấn mạnh cả 3 dự án đều chậm tiến độ từ 18 tháng đến gần 3 năm làm ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả của các dự án.

Nhiều tổng công ty sử dụng vốn không hiệu quả

Cũng trong 3 quý đầu năm, KTNN thực hiện nhiều cuộc kiểm toán tại các doanh nghiệp, tổng công ty. Qua đó, KTNN phát hiện một số đơn vị còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp.

Có thể kể đến trường hợp PV Oil sử dụng 12,02 ha đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào mục đích kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, PV Oil Thái Bình có 5,8 ha đất đang để trống, chưa hoặc không sử dụng; Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (Petec) có 23,54 ha đất chưa sử dụng hiệu quả; Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) chưa sử dụng 6,3 ha, bị lấn chiếm, tranh chấp 1,96 ha...

Vi pham su dung von tai Thu Thiem anh 2

KTNN chỉ ra nhiều hạn chế trong hoạt động của PV Oil tại các tỉnh, thành phố. Ảnh: OIL.

KTNN xác định TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Resco thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 9 mặt bằng đất tại dự án Rạch Ụ Cây trước khi có quyết định giao đất, không có cơ sở xác định thời điểm tính tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất đối với 10 mặt bằng đất không thông qua đấu giá, thông báo và thu tiền sử dụng đất đối với 2 mặt bằng đất sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ không theo quy định Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, KTNN cũng phát hiện một số tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn như PV Power nợ 214,4 tỷ; Petec 643,3 tỷ; Resco 17,4 tỷ đồng.

Một số đơn vị được xác định sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp như công ty mẹ PV Power chỉ nhận được 0,2% tổng vốn đầu tư tiền cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2019; công ty mẹ Resco đầu tư vào 1/5 công ty con thua lỗ; 5/17 công ty liên doanh lỗ.

Tình trạng sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp trong cùng tổng công ty vẫn diễn ra. Một số doanh nghiệp, quá trình hoạt động kinh doanh chưa bảo toàn được vốn, thuộc diện phải giám sát đặc biệt như PV Oil tại Bạc Liêu, Bình Thuận, Tây Ninh, Phú Thọ, Nam Định...

Bạn đang đọc bài viết "Các vi phạm sử dụng vốn đầu tư dự án BT tại Thủ Thiêm" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.