Sự kiện thu hút rất đông doanh nghiệp (DN), chủ nhà yến tham dự nên ban tổ chức phải kê thêm ghế, nhiều người phải ngồi hành lang cho thấy sức hút của sự kiện.
Tại hội nghị, bà Trần Thị Thu Phương, Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Thú y - Bộ NN-PTNT), đã thông tin về quá trình đàm phán cũng như những nét chính của nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc.
Theo đó, tổ yến được phép xuất khẩu là sản phẩm đã được làm sạch (yến sào tinh), tổ yến thô vẫn tiếp tục quá trình đàm phán và hằng năm phía Trung Quốc sẽ cấp hạn ngạch số lượng được phép nhập khẩu từ các nước và phân cho các nhà nhập khẩu, các DN Việt Nam cần lưu ý. Về nguyên tắc chung, các DN phải khai báo các nhà yến cung cấp nguyên liệu, nhà yến cần có mã số định danh, có chương trình giám sát dịch bệnh và thực hiện đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định.
Yến sào Khánh Hòa được giới thiệu tại một sự kiện vừa diễn ra ở TP HCM
Bà Phương cho biết quá trình đàm phán, phía Trung Quốc đánh giá Việt Nam có chất lượng tổ yến cao nhưng sản lượng hạn chế nên cần phải kiểm soát chặt về nguồn gốc, tránh bị trà trộn. Ngay trên bao bì sản phẩm, phía Trung Quốc yêu cầu ghi rõ về tên và số đăng ký nhà nuôi yến; tên và địa chỉ, số đăng ký của DN chế biến; điều kiện bảo quản, ngày sản xuất cùng nhiều thông tin liên quan khác.
Bà Phương khuyến cáo các DN có nhu cầu xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc cần tập hợp danh sách các nhà yến thuộc chuỗi để thực hiện giám sát dịch bệnh, ghi chép nhật ký chăn nuôi, thu hoạch… để có dữ liệu cung cấp cho phía Trung Quốc theo yêu cầu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, ngành nuôi chim yến của Việt Nam đã phát triển rất nhanh, từ 7.000 nhà yến năm 2017, đến nay đã tăng lên 30.000 nhà yến, sản lượng 200 tấn/năm tại 42 tỉnh, thành và tiềm năng phát triển còn lớn nhờ bờ biển dài, thức ăn cho chim yến phong phú. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với sản lượng nhập khẩu lên đến 300 - 400 tấn/năm, các DN Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ gần thị trường.
"Khi tổ yến được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp ngành có cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Dù vậy, các DN, nhà nuôi chim yến phải tuân thủ quy định thị trường nhập khẩu về kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Quá trình đàm phán trong 4 năm đã có nhiều DN, trang trại đã thực hiện mô hình nuôi chim yến và chế biến theo tiêu chuẩn của Trung Quốc nên sẽ sớm có lô hàng chính thức được xuất khẩu" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.
Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Lê Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cho biết các nhà yến đang gặp vướng về vấn đề mã định danh nhà yến theo quy định của Trung Quốc. "Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng công nhận các nhà yến hiện hữu và được cấp mã số định danh do những năm qua các nhà yến phát triển tự phát, trong khi các quy định liên quan đều chưa có" - ông Đạt chia sẻ.