Chuyên gia truyền nhiễm: Người dân không cần quá lo lắng về đậu mùa khỉ

17/08/2024 13:09

Trước thông tin WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉ, các chuyên gia y tế tại Việt Nam cho rằng người dân cũng không nên quá hoang mang, lo lắng.

Cần hiểu rõ về bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong vòng 2 năm, vì bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở châu Phi.

Tháng 7/2022, WHO đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) và tái khẳng định quy chế này vào tháng 11/2022 và tháng 2/2023. Tháng 5/2023, WHO dỡ bỏ PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. 

PHEIC là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo Quy định Y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý.

Thông tin này tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân Việt Nam, khi nước ta hiện nay tăng cường mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, các chuyến bay nhập cảnh thuận tiện để khách du lịch quốc tế có thể đến thăm quan và trải nghiệm tại Việt Nam.

Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin, BS. Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm Tp.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Tp.HCM) cho rằng, cần phải hiểu đậu mùa khỉ ở tình huống là do động vật lây hay con người lây qua con người.

"Theo tôi, vấn đề WHO ban bố tình trạng khẩn cấp ở châu Phi chủ yếu là do động vật lây", BS. Khanh nói.

Chuyên gia truyền nhiễm: Người dân không cần quá lo lắng về đậu mùa khỉ- Ảnh 1.

BS.Trương Hữu Khanh cho rằng người dân không cần quá hoang mang, lo lắng về đậu mùa khỉ.

Còn bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người chủ yếu ở nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Do đó, cần làm sao tuyên truyền cho nhóm MSM và phát hiện sớm.

"Bởi, bệnh đầu mùa khỉ không lây qua hô hấp mà lây qua cọ xát, nên người dân cũng không cần phải quá hoang mang lo lắng", BS.Khanh nói.

Theo BS. Khanh, đậu mùa khỉ không phải bệnh hiếm, cũng không phải được phát hiện mới đây mà đã xuất hiện ở châu Phi từ lâu. Tuy vậy, tình trạng người mắc bệnh cũng tự ổn định, không cần can thiệp nhiều.

"Nhiều nghiên cứu khẳng định người đã tiêm phòng vắc-xin đậu mùa đạt 85% hiệu quả phòng chống lại bệnh đậu mùa khỉ", BS. Khanh nhấn mạnh.

Chuyên gia truyền nhiễm cũng lưu ý người dân nên tiêm phòng vắc-xin thủy đậu vì mức độ bệnh lây lan của bệnh này rất nhanh, nếu trẻ không bị thì già chắc chắn sẽ bị. Còn với đậu mùa khỉ, người dân không nên hoảng loạn mà bình tĩnh kiểm soát.

Đồng thời, BS.Khanh cho biết cần tuyên truyền cho người dân nắm rõ về biểu hiện bệnh cũng như cách phòng tránh để người dân biết và tuyệt đối không chủ quan.

Trong khi đó, PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam thông tin, bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Người dân không nên quá lo lắng, cực đoan. Bên cạnh đó, cần phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng, không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với người có nguy cơ... khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.

Khuyến cáo phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ

Trước đó, năm 2022 Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.

Theo đó, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra.

Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Chuyên gia truyền nhiễm: Người dân không cần quá lo lắng về đậu mùa khỉ- Ảnh 2.

Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính.

Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Tại Việt Nam, trước đó cũng đã ghi nhận một số ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các ngành chức năng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch, không để dịch lây lan.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. 

Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

WHO: Gần 92.000 ca nhiễm đậu mùa khỉ và 167 ca tử vong trong 2 năm

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyên gia truyền nhiễm: Người dân không cần quá lo lắng về đậu mùa khỉ" tại chuyên mục THỊ TRƯỜNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.