Cơ chế đặc thù nào cho dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu?

29/11/2022 09:46

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ KH&ĐT hướng dẫn UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện đúng quy định về áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km 19 - Km 53. Hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Cơ chế đặc thù nào cho dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

UBND tỉnh Hòa Bình đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị về việc áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đối với dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km19 - Km53 thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, Dự án trên thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng vốn đầu tư công khoảng 4.650 tỷ đồng. Dự án đã được HĐND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 29/8/2022 với tổng mức đầu tư 9.777 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A.

Theo quy định tại Điều 7 luật Đầu tư công, dự án quan trọng quốc gia có tiêu chí là sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên.

Theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 chưa có khái niệm và quy định rõ thế nào là dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn…

Do vậy, chưa đủ cơ sở để xem xét, áp dụng thực hiện quy định về cơ chế đặc thù đối với các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km19 - Km53 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Từ đó, UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đối với dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn từ Km19 - Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để UBND tỉnh làm cơ sở, căn cứ triển khai thực hiện dự án.

Xét đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình và ý kiến của một số Bộ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ KH&ĐT hướng dẫn UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tiến độ triển khai dự án.

Được biết, tổng chiều dài của đoạn tuyến cao tốc này là 32,5 km với điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Đà Bắc và điểm cuối thuộc địa phận xã Chiềng Yên, Vân Hồ, Sơn La.

Quy mô đầu tư chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thiết kế, xây dựng tuyến đường với tốc độ thiết kế 80 km/h, những đoạn có địa hình khó khăn có tốc độ thiết kế 60 km/h.

Đối với công trình cầu trên tuyến, sẽ xây dựng cầu Hòa Sơn với quy mô 4 làn xe. Các cầu còn lại đảm bảo bố trí 2 làn xe. Ngoài ra, còn có một ống hầm quy mô 2 làn xe cùng các công trình phụ trợ khác.

Bạn đang đọc bài viết "Cơ chế đặc thù nào cho dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.