Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế, việc thực thi cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong tuân thủ quy định
Cơ hội chưa từng có cho ngành tái chế Việt Nam?
10/01/2024 04:08
Các nhà sản xuất và nhập khẩu ắc quy và pin sạc nhiều lần, dầu nhớt, săm lốp và các loại bao bì... sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế kể từ ngày 1-1-2024 khi quy định EPR về thực hiện trách nhiệm tái chế của doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.
Công nhân phân loại nhựa sau tiêu dùng - Ảnh: PHI VÂN
* Ông Lê Anh (giám đốc phát triển bền vững Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân):
Động lực mới cho ngành công nghiệp tái chế
Việt Nam là một trong những nước thực hiện EPR sớm trong khu vực Đông Nam Á. Khó khăn hiện nay nhiều người vẫn chưa biết EPR triển khai như thế nào và Việt Nam đã có những công nghệ gì. Ví dụ từ chai thu gom chúng tôi đã tái chế thành chai nước uống để xuất sang châu Âu, Mỹ.
Ở châu Âu, Mỹ, những sản phẩm tái chế sẽ được trưng bày ở những nơi đẹp nhất, tuy nhiên ở Việt Nam những sản phẩm xanh chưa được quan tâm nhiều.
Trước đây, những chai nhựa chúng tôi chỉ tái chế một lần nhưng bây giờ có thể tái chế, tái sinh lên đến 50 lần bằng các công nghệ hiện đại. Điều này giúp giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiết giảm nguyên liệu, đóng góp vào nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Để ngành công nghiệp tái chế Việt Nam "cất cánh" thì cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để người dân ủng hộ sản phẩm tái chế, ban hành bộ tiêu chuẩn để ưu tiên các sản phẩm tái chế ngoài thị trường. Hỗ trợ chính sách trong thu gom, ví dụ về thuế và minh bạch hóa đơn để thu gom được nhiều nguồn hơn, tạo ra nguyên liệu đầu vào ổn định cho nhà máy.
* TS Nguyễn Trung Thắng (phó viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Dư địa lớn
Trước năm 2020, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chưa đặt ra nhiệm vụ tái chế dẫn đến năng lực tái chế chưa có nên các loại pin, ắc quy... đã "chạy" về các làng nghề. Hiện nay nhiều lĩnh vực tái chế chính thức chưa có.
Với sáu nhóm sản phẩm thì trên cả nước phải có nhiều đơn vị tham gia tái chế, nhưng thực tế tham gia chỉ mới có Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM).
Theo tôi, khi bắt buộc thực hiện trách nhiệm EPR, nhiều doanh nghiệp sẽ có đột phá trong thiết kế sản phẩm như dễ tái chế, thân thiện hơn với môi trường hay ngay cả sản phẩm không cần phải thu hồi tái chế. Điều này sẽ giảm đi một khối lượng chất thải thải ra môi trường, chấm dứt khai thác tài nguyên quá mức, thúc đẩy bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.
Ở Nhật và Hàn Quốc triển khai EPR từ khoảng 15 năm trước. Các sản phẩm thu hồi lại từ điện tử, bao bì được các nước phát triển làm rất tốt. Thế mạnh của các nước phát triển là nhận thức bảo vệ môi trường của người dân rất tốt, có điều kiện về tài chính, công nghệ, cơ sở hạ tầng.
Việt Nam là một nước đang phát triển, cơ sở quản lý chất thải chưa tốt, tái chế tại các làng nghề đang còn ô nhiễm. Và vẫn chưa có một ngành công nghiệp tái chế chính thức thực sự lớn mạnh nên việc thực thi ban đầu sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, theo tôi, qua thực thi chính sách chúng ta sẽ hình thành một nền công nghiệp tái chế chính quy, dần lớn mạnh như kỳ vọng.
Theo quy định, doanh nghiệp tái chế có đủ năng lực, điều kiện mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thì sau đó các nhà sản xuất, tái chế mới được ký hợp đồng với doanh nghiệp tái chế. Điều này sẽ tác động đến các cơ sở tái chế tại làng nghề ở Việt Nam vì sẽ phải tự "làm mới mình", thay đổi công nghệ, tuân thủ pháp luật về môi trường để cạnh tranh trong lĩnh vực tái chế.
Phải làm vì thế hệ mai sau
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á áp dụng công cụ EPR. Thực thi EPR không dễ, các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực của các bên liên quan, đặc biệt sự tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ như PRO Việt Nam, EPR tại Việt Nam nhất định được triển khai hiệu quả. "Đây là một bước tiến dài, nỗ lực đáng kể của quốc gia trong việc giữ gìn nguồn tài nguyên cho thế hệ mai sau", ông Trai nói.
Cơ hội lớn cho ngành tái chế Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ PHAN TUẤN HÙNG - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để phát triển khi quy định EPR có hiệu lực thi hành bởi doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động tái chế.
Ông Hùng cho hay:
- Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải. Theo đó, nhà sản xuất và nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế các sản phẩm này theo một tỉ lệ, quy cách tái chế bắt buộc.
Theo lộ trình, trách nhiệm tái chế săm lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm sẽ thực hiện bắt đầu từ ngày 1-1-2024. Đối với điện, điện tử sẽ thực hiện từ năm 2025 và ô tô, xe máy phải thực hiện từ ngày 1-1-2027. Để thực hiện trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể lựa chọn một trong hai hình thức: tự tổ chức tái chế hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì không thân thiện môi trường, khó tái chế thì sẽ phải nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải.
* Có nhiều ý kiến cho rằng việc thực thi EPR sẽ làm tăng giá hàng hóa và gây khó khăn cho doanh nghiệp?
- Việc thực hiện trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải rõ ràng phải có chi phí tuân thủ từ cả hai phía: cơ quan quản lý và đối tượng thực hiện. Việc tăng giá sản phẩm, hàng hóa hay không là quyết định của doanh nghiệp.
Tôi cho rằng tăng giá không nên là một sự lựa chọn trong bối cảnh hiện nay mà doanh nghiệp nên thay đổi công nghệ, thiết kế sản phẩm, hàng hóa theo hướng thân thiện môi trường.
Hiện nay, tỉ lệ tái chế bắt buộc đối với các sản phẩm, bao bì đang còn rất thấp như: săm lốp 5%, pin sạc 8%, ắc quy từ 8 - 12%, dầu nhớt 15% và cao nhất là bao bì từ 10 - 22%.
Bên cạnh đó, định mức chi phí tái chế (Fs) sắp tới có áp dụng hệ số điều chỉnh giảm đối với một số loại sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế cao ở mức từ 0,2 đến 1 dẫn đến Fs đang được đề xuất ở mức rất thấp. Theo đó, tôi cho rằng chi phí tuân thủ EPR của các doanh nghiệp hiện nay là phù hợp.
* Các nhà sản xuất, nhập khẩu cần chuẩn bị gì để thực hiện trách nhiệm EPR?
- Nhiều doanh nghiệp đã chủ động, tích cực chuẩn bị cho thực thi quy định EPR và cho rằng thực thi EPR không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà là cơ hội phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp còn thể hiện quyết tâm thực hiện trách nhiệm tái chế thông qua các cam kết đạt tỉ lệ tái chế cao hơn tỉ lệ tái chế bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Tôi cũng nhìn thấy sự "chuyển mình" của các doanh nghiệp tái chế trong việc thay đổi công nghệ, mở rộng quy mô, công suất tái chế. Không ít doanh nghiệp đã chủ động hợp tác với các nhà sản xuất, nhập khẩu để triển khai quy định EPR. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư tái chế giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đã được ký kết, triển khai để tham gia thực hiện quy định EPR.
* Vậy trong những năm tới, theo ông, doanh nghiệp tái chế sẽ đứng trước những cơ hội, thách thức gì?
- Hiện nay ngành tái chế của Việt Nam còn non trẻ, chúng ta không có nhiều nhà tái chế lớn có công nghệ hiện đại. Hoạt động tái chế hiện nay chủ yếu được thực hiện ở các làng nghề, rất ô nhiễm và có thể nói là vi phạm pháp luật môi trường.
Có thể nói ngành tái chế của Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn chưa từng có để phát triển khi quy định EPR có hiệu lực, bởi họ sẽ được tiếp nhận nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động tái chế.
Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng chỉ các nhà tái chế có công nghệ tái chế hiệu quả và tuân thủ pháp luật môi trường mới có cơ hội tiếp nhận nguồn tài chính từ EPR. Còn đối với những nhà tái chế gây ô nhiễm môi trường, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật thì sẽ không có cơ hội này.