Đo mức độ lạc quan của doanh nghiệp trong nước về triển vọng tăng trưởng quý IV

Admin

21/10/2020 14:49

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất với 82,8% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2020; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 81,7% và 80,2%.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, có 32,2% số doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 tốt hơn quý II/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý IV/2020 so với quý III/2020, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 82,8% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2020; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 81,7% và 80,2%.

do muc do lac quan cua doanh nghiep trong nuoc ve trien vong tang truong quy iv
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III/2020, có:

- 54,1% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

- 51,6% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp;

- 35% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính;

- 29,4% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp;

- 26,5% số doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu;

- 23,9% số doanh nghiệp chia sẻ không tuyển được lao động theo yêu cầu và lãi suất vay vốn cao đều;

- 20,1% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu cao;

- 19,3% số doanh nghiệp cho biết thiết bị công nghệ lạc hậu...

Về khối lượng sản xuất, có 36% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý III/2020 tăng so với quý II/2020; 30% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 34% số doanh nghiệp cho rằng ổn định.

Theo đó, xu hướng quý IV/2020 so với quý III/2020, có 45,9% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 17,5% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36,6% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 30,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III/2020 cao hơn quý II/2020; 30,6% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 38,5% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định.

Nhận định về quý IV/2020, có 43,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng so với quý III; 17,7% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 39,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý III/2020 so với quý II/2020, có 26,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 32,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm và 40,9% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định.

Đánh giá về xu hướng quý IV/2020 so với quý III/2020, có 35,6% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 20,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 44% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Về tình hình thương mại, số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,4% so với quý II năm nay (tăng 26,6% so với quý I). Trong quý III có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6%.

Ở chiều ngược lại, trong quý III/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý II năm nay (tăng 15,2% so với quí I).

Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,35 tỷ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD, giảm 4,8%.

Như vậy, sơ bộ 9 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 16,99 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,27 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,51 tỷ USD.

Đề xuất sửa đổi một số tiêu chí trong gói hỗ trợ kinh tế lần 2

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa gửi Thủ tướng Chính phủ tờ trình trong đó đề xuất mở rộng hỗ trợ ...

Kinh tế Việt Nam: “Không nên bỏ phí một cuộc khủng khoảng”

Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay đang biến những cơ hội hiếm hoi trong bối cảnh Covid-19 thành thách thức lớn?

GDP quý III/2020 ước tăng 2,62%

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2020 diễn ra sáng ...

Bạn đang đọc bài viết "Đo mức độ lạc quan của doanh nghiệp trong nước về triển vọng tăng trưởng quý IV" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.