Doanh nghiệp khó khăn, người dân lo sốt vó vì "cây thoát nghèo" tắc đầu ra

14/12/2023 20:35

Chỉ sau hơn 2 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây gai xanh bắt đầu cho thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, những khó khăn trong đầu ra đang khiến người trồng cây gai lo lắng, bất an...

Được xem là loại cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các huyện trung du và miền núi, cây gai xanh sau ít năm bén rễ trên đồng đất xứ Thanh đã trở thành niềm hy vọng đổi đời đối với người nông dân. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm cho thu hoạch, nhiều hộ gia đình đã phải chặt bỏ vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm.

Theo báo cáo từ Chi Cục trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh là hơn 930ha/18 huyện. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 219ha gai bị phá bỏ. Nhiều huyện số diện tích trồng gai bỏ hơn một nửa như huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước... Đặc biệt, huyện Yên Định có tổng diện tích 10,2ha đã phá bỏ hoàn toàn. Huyện Thạch Thành phá bỏ 78,3ha/108,9ha; huyện Lang Chánh có hơn 60ha nay cũng chỉ còn lại một vài hecta.

Nguyên nhân do từ tháng 8/2022, việc thu mua sản phẩm sợi gai của Nhà máy dệt An Phước gặp nhiều khó khăn, hàng bị tồn, nhiều thị trường đóng cửa nên việc thanh toán kinh phí mua sợi gai bị chậm. Ngoài ra, việc thu hoạch và sơ chế gai tại nông hộ rất phức tạp, cần thực hiện nhanh và tốn rất nhiều công lao động, trong khi lao động nông thôn tại địa phương ngày càng thiếu. Từ đó đã ảnh hưởng đến tâm lý thâm canh, chăm sóc và phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh.

Trước vấn đề "nóng" trên, chiều ngày 13/12 tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Đại biểu Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa trong phần phát biểu thảo luận đã cho biết, từ tháng 11/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Tập đoàn An Phước và 18 huyện vùng nguyên liệu với 5 văn bản chỉ đạo, 3 báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về giải pháp cây gai xanh, trong đó không mở rộng diện tích, ổn định thị trường tập trung thâm canh, đề nghị công ty thanh toán nợ tiền nguyên liệu.

Đến nay, công ty đã thanh toán hết nợ cho người trồng gai và có Văn bản gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thônvà các huyện thông báo việc tái cấu trúc đã xong. Hiện, Tập đoàn An Phước tiếp tục thu mua và đề xuất mở rộng vùng nguyên liệu năm 2024.

Đại biểu Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát biểu thảo luận tại kỳ họp Đại biểu Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát biểu thảo luận tại kỳ họp

Ông Cường cũng thẳng thắn chỉ rõ nhưng tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp đó là chưa có sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để quảng bá giới thiệu và cạnh tranh trên thị trường. Tỷ trọng bảo quản, chế biến nông sản còn thấp so với vùng nguyên liệu hiện có của tỉnh. Sản phẩm chế biến đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao. Liên kết trong sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa nhiều.

Năm 2018, khi UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh phục vụ nhà máy sản xuất sợi dệt tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Với ưu thế trồng một lần cho thu hoạch lâu dài, năng suất và giá thành được đảm bảo, nhiều người đã kỳ vọng, đây sẽ là cây trồng mang tính chủ lực, góp phần làm thay đổi cơ bản bức tranh kinh tế của các huyện nghèo.

Thực tế, chỉ sau hơn 2 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây gai xanh bắt đầu cho thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế rõ rệt. Nhiều hộ dân tại các huyện trung du và miền núi Thanh Hóa đã có thu nhập đáng kể từ loại cây trồng mới này. Huyện Cẩm Thủy được xem là thủ phủ của cây gai xanh, đến nay đã trồng được hơn 400ha, trong đó nhiều nhất là xã Cẩm Tú với gần 210ha, được trồng đại trà từ năm 2021. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 trở lại đây, việc Nhà máy dệt An Phước chậm thanh toán tiền và nhập sợi khiến người trồng cây gai lo lắng, bất an.

"Gia đình tôi có 2,5ha đất đồi, trước đây trồng mía mang lại thu nhập ổn định. Năm 2020, chính quyền địa phương vận động trồng cây gai xanh mang lại thu nhập cao, gia đình bà đã chuyển sang trồng cây gai. Khi người dân bắt đầu làm ổn định thì đầu năm 2022, nhà máy đã nhập hàng cầm chừng và chậm thanh toán tiền cho bà con. Đơn cử như vụ tháng 8 vừa qua, chúng tôi phải “cầu cứu” cơ quan chức năng thì đến trung tuần tháng 11 mới được thanh toán. Cứ đà này, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ trồng gai khác đành phải phá bỏ cây gai để quay về với cây mía." Bà Nguyễn Thị Hương – một người trồng gai trú tại thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú (huyện Cẩm Thủy), chia sẻ với VnEconomy.

Thông tin từ lãnh đạo huyện Cẩm Thủy, phía Công ty An Phước đã có công văn gửi huyện và các sở, ngành cam kết về thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây gai nguyên liệu đã được ký giữa công ty với tổ chức, cá nhân trồng cây gai trên địa bàn. Đồng thời, phía Công ty cũng đã thông báo đến người dân về việc tiếp tục thu mua sản phẩm của bà con kể từ ngày 27/11. Về phía huyện đã tăng cường vận động, tuyên truyền đến người trồng gai chia sẻ, đồng hành với công ty cũng như không nên phá bỏ số diện tích gai xanh đang cho thu hoạch ổn định lâu nay. 

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp khó khăn, người dân lo sốt vó vì "cây thoát nghèo" tắc đầu ra" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.