Phát biểu trên được đưa ra tại Tọa đàm "Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức" do Cổng TTĐT Chính Phủ tổ chức ngày 14/8. Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2015, Shopee hiện đã trở thành sàn thương mại điện tử (TMĐT) mà người tiêu dùng nghĩ đến đầu tiên, thu về hơn 62.000 tỷ đồng trong quý II/2024 – chiếm 71,4% thị phần GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa), theo số liệu của YouNet ECI.
"Sứ mệnh của Shopee là phục vụ người tiêu dùng, cả người mua lẫn người bán. Ở Việt Nam, chúng tôi đã và đang làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, chúng tôi có những chính sách hỗ trợ họ tiếp cận TMĐT dễ dàng hơn thông qua các khóa huấn luyện kỹ năng, sử dụng công cụ, cách thức, cơ chế vận hành phù hợp với TMĐT, từ đó giúp những doanh nghiệp này phát triển tốt và bền vững hơn", ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho hay.
Ông Tuấn Anh chỉ ra rằng thị trường Việt Nam có những lợi thế đặc thù để phát triển TMĐT. Trước hết là chi phí tiếp cận mạng Internet thấp nhất thị trường Đông Nam Á. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở bất cứ vùng miền nào cũng có thể tiếp cận. Đây là tiền đề phát triển cho bất cứ công nghệ nào liên quan đến TMĐT. Thứ hai là hạ tầng, thể hiện rõ ở khâu vận chuyển.
"Trước đây đơn hàng thời gian có thể từ 4 - 5 ngày trên toàn quốc, nhưng hiện tại chỉ dưới 2 ngày trên toàn quốc và ở thành phố lớn thì gần như là trong ngày", lãnh đạo Shopee nêu dẫn chứng.
Về lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có đặc thù sản xuất tại nội địa rất mạnh. Ông Tuấn Anh đánh giá đây là tiềm lực để tận dụng nguồn nhân lực có kỹ năng, hiểu biết nhất định để phát triển nhiều hơn nữa. Shopee cũng đang tiếp cận các doanh nghiệp sản xuất, phát triển từ thị trường nội địa để đi ra thế giới.
Giám đốc Điều hành Shopee còn nhấn mạnh trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp TMĐT, nhất là Shopee.
"Chúng tôi đã đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam, có những cơ chế nhất định để kiểm soát, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như giao hàng nhanh hơn, tăng sự an tâm cho người tiêu dùng. Song song với đó, chúng tôi mong có sự hướng dẫn từ các bộ, ngành cũng như địa phương trong những trường hợp cụ thể", ông Tuấn Anh phát biểu.
Đối với xuất khẩu trực tuyến, hay còn gọi mà TMĐT xuyên biên giới, ông Tuấn Anh cho biết có 3 vấn đề cần lưu ý là quy mô, xu thế và thương hiệu.
Về quy mô, Shopee đang "đi từ nhỏ đến lớn", có nghĩa là đi từ nội địa trước để đạt được những lợi ích như tạo gói kinh nghiệm, nâng cao độ đồng bộ sản phẩm. Khi chất lượng đồng bộ đủ mạnh mới bắt đầu tiếp cận thị trường thế giới.
"Chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm là 1.000 doanh nghiệp, nhưng thực ra trong tương lai rất gần sẽ là 100.000 doanh nghiệp có khả năng đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài", ông Tuấn Anh dự đoán, nói thêm rằng để xuất khẩu online cần xem xét cả khả năng gom hàng để phục vụ cả thị trường nội địa và nước ngoài.
Về xu thế, Shopee mong muốn có một công cụ tiếp cận được nhiều thị trường, đa đạng về thị hiếu, kết nối các nền tảng với nhau, ví dụ như có thể ngồi ở Việt Nam thuê người livestream ở Malaysia. Vấn đề thứ ba là thương hiệu phải gắn với câu chuyện.
"Chúng tôi tin rằng với cách nhìn tổng thể như vậy, cùng sự đồng hành của các cơ quan chức năng, các cơ chế, chính sách đã ban hành thì câu chuyện cần giải quyết là công nghệ. Tôi nghĩ chúng ta đều có thể làm được và Shopee đang mong đợi có thể làm nhiều hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển này", ông Tuấn Anh chia sẻ.