Gỡ vướng cho điện mặt trời mái nhà

29/06/2023 12:06

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, người dân và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn nhiều loại giấy phép

Theo số liệu của Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), thành phố hiện có 14.152 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 355,198 MWp đang vận hành (chiếm khoảng 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện). Từ đầu năm 2021 đến nay, việc phát triển điện mặt trời mái nhà đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.

"Đứng hình" toàn bộ

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết việc tạm dừng đấu nối lưới điện khiến nhiều doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình đã đầu tư điện mặt trời mái nhà gặp khó. Những khách hàng trước đó có kế hoạch đầu tư nguồn điện sạch này để sử dụng và bán phần công suất dư thừa cho ngành điện cũng không thể thực hiện được.

Gỡ vướng cho điện mặt trời mái nhà - Ảnh 1.

TP HCM kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn

Theo phản ánh của các DN cung ứng giải pháp, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, thị trường này đã đột ngột "đứng hình" khi đang phát triển sôi động. Thông tin từ Công ty CP Giải pháp năng lượng TP HCM cho biết nếu năm 2018, DN này chỉ nhận lắp đặt khoảng 30 dự án điện mặt trời mái nhà thì sang năm 2019 tăng lên 500 dự án, đến năm 2020 khoảng 2.000 dự án. Nhiều DN lắp đặt điện mặt trời mái nhà cũng xác nhận nhu cầu lắp đặt tăng mạnh trong năm 2020 do được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và được nối lưới, bán phần điện dư thừa cho ngành điện.

Đọc thêm
Cẩn trọng với điện mặt trời mái nhà

Tuy nhiên, từ sau thời điểm 31-12-2020, khi Quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, ngành điện dừng đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà thì nhu cầu lắp đặt cũng tuột dốc không phanh. "Từ đó đến nay, thị trường này giảm sút mạnh, nhu cầu giảm đến 95%. Chẳng hạn, trước đây có 100 hộ lắp đặt thì nay chỉ khoảng 5 hộ chịu làm" - người phụ trách kinh doanh của một công ty lắp đặt điện mặt trời áp mái tại TP HCM dẫn chứng.

Trong khi đó, nhiều DN, hộ gia đình tại TP HCM đã đấu nối, phát điện mặt trời lên hệ thống gặp phiền toái vì không đáp ứng đầy đủ các quy định về hồ sơ, thủ tục, nhất là thủ tục PCCC.

Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho hay thời gian qua, một số DN muốn đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn đã liên hệ hỏi về cơ chế, thủ tục. Sở Công Thương TP HCM đã có văn bản hỏi Bộ Công Thương nhưng chưa nhận được phản hồi.

Theo các công ty cung cấp giải pháp năng lượng mặt trời, do không có khách hàng nên nguồn thiết bị lẫn tấm pin mặt trời dư thừa, họ buộc phải giảm giá tối đa để sớm thu hồi vốn. Cụ thể, trước đây, 1 KWP điện mặt trời mái nhà được lắp đặt trọn gói có giá 16-18 triệu đồng thì nay giảm còn 13 triệu đồng, thậm chí nhiều nơi còn "bao giá" chỉ khoảng 10 triệu đồng. Một số nơi chào giá chỉ vài triệu đồng và nhận lắp đặt tận nơi nhưng khó xác định được nguồn gốc.

Không được bán phần điện dư?

Để tháo gỡ vướng mắc cho điện mặt trời mái nhà và phát triển nguồn điện tại chỗ, Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP HCM đề xuất Chính phủ cơ chế đặc thù cho thành phố được phát triển nguồn điện tại chỗ. Trong đó, tập trung vào điện mặt trời mái nhà để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại thành phố.

Theo Sở Công Thương, TP HCM có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động 100 - 300 giờ, liên tục suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 KWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 KWh/m2/ngày. Tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời mái nhà ở TP HCM rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp.

Trên cơ sở hệ thống lưới điện của thành phố bảo đảm giải tỏa hết công suất của các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên địa bàn, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải, TP HCM đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT (giá hỗ trợ); cho phép thành phố sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.

"Sở Công Thương đang tích cực làm việc với các đơn vị và ngành điện thành phố để khi cơ chế đặc thù này được thông qua sẽ bắt tay triển khai ngay" - đại diện Sở Công Thương cho hay.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500 phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2030, 50% tòa nhà công sở, nhà dân sẽ sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán vào hệ thống điện quốc gia - PV).

Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở DN để tự sử dụng, không bán cho tổ chức, cá nhân khác. Dự thảo này quy định người dân và DN lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại nhà ở, trụ sở làm việc sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí và được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Các công sở thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, bộ, ngành sẽ được ngân sách ưu tiên bố trí vốn khi lắp đặt loại năng lượng này cho mục đích tự dùng tại chỗ. Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, công trình xây dựng, môi trường, PCCC.

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng dự thảo nêu trên chỉ cho phép phát triển điện mặt trời mái nhà lắp tại nhà ở, công sở, trụ sở DN để tự sử dụng, không được bán lại phần điện dư thì có phần lãng phí.

"Với công tơ điện 2 chiều, phần điện dư sẽ được phát lên lưới và ngành điện dễ dàng thanh toán bù trừ cho người dân. Trong khi đó, nếu chỉ đầu tư tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng điện sạch, người dân sẽ rất cân nhắc bởi không còn động lực lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để vừa sử dụng vừa kinh doanh như trước" - một chuyên gia phân tích.

Dự thảo của Bộ Công Thương cũng chưa đề cập việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng. Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu một nội dung bất cập, như nhà dân và cơ quan công sở khi lắp đặt phải báo cáo chính quyền địa phương. "Họ lắp để tự sử dụng, nếu buộc phải báo cáo thì nên báo cho điện lực để có sự quản lý chung và bổ sung nguồn trong trường hợp điện mặt trời mái nhà không đủ đáp ứng nhu cầu" - đại diện EVNHCMC góp ý.

Theo EVNHCMC, để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trong giai đoạn mới, cần có cơ chế chấm điểm, cộng điểm chứng chỉ tín dụng xanh (Green Credit) cho các ngân hàng tham gia tài trợ những dự án năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, ngân hàng sẽ được nâng điểm tín nhiệm nếu giảm lãi suất 2%-3% cho các dự án năng lượng tái tạo. 

Mục tiêu sử dụng điện mặt trời bị méo mó

Giải thích việc Chính phủ chậm có hướng dẫn cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời sau khi Quyết định 13 hết hiệu lực, các chuyên gia năng lượng cho rằng trước đây, chính sách cho phép người dân lắp pin năng lượng mặt trời vừa dùng điện mặt trời vừa dùng nguồn điện của lưới điện quốc gia. Phần điện mặt trời dư ra được bán cho ngành điện nên nhiều DN, hộ gia đình ồ ạt lắp đặt điện mặt trời mái nhà để kinh doanh. Quá trình đó diễn ra quá nhanh, dẫn đến mục tiêu sử dụng điện mặt trời bị méo mó và có sự hỗn loạn về quy trình đấu lắp, giá cả.

Để hạn chế tình trạng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặt ra yêu cầu nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà phải có giấy phép bán điện, khai báo thuế, bảo đảm an toàn PCCC…

Bạn đang đọc bài viết "Gỡ vướng cho điện mặt trời mái nhà" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.