Hà Nội “nhộn nhịp” đấu giá đất dịp cuối năm

Admin

13/12/2024 20:15

Trong hơn 2 tuần còn lại của năm 2024, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội tổ chức đấu giá đất, gồm cả khu đất vừa được trả 30 tỷ đồng/m2 sẽ được đấu giá lại.

Theo kế hoạch, ngày 13/12, huyện Mê Linh tổ chức đấu giá quyền sử dụng 33 lô đất thuộc thôn Đông Cao và thôn Tráng Việt. Giá khởi điểm 1,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị lô đất khoảng từ 132 triệu đồng/m2 cho tới 1,7 tỷ đồng.

Cùng ngày, huyện Mỹ Đức cũng tổ chức đấu giá 200 thửa đất thuộc khu Đông Dư, thôn Trì và khu Đông Rì - Bờ Và, thôn Nội. Diện tích ô đất từ 100-178m2. Giá khởi điểm 2,1 triệu đồng/m2, tổng tiền cho mỗi lô đất khoảng 213-377 triệu đồng/m2.

Theo thông báo của Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt, ngày 23/12, quận Hoàng Mai cũng sẽ tổ chức đấu giá khu đất có ký hiệu TT4, thuộc khu đô thị Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt.

Khu đất này có tổng diện tích gần 4,4 ha, trong đó hơn 2 ha đất ở, còn lại là đất giao thông và cây xanh. Phần diện tích đất ở tương ứng 10 khu với 262 lô, mật độ xây dựng khoảng 49,7%, cao 4 tầng.

Phiên đấu giá sẽ bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, tối thiểu 3 vòng với bước giá 500.000 đồng mỗi m2. Giá khởi điểm vòng 1 hơn 86 triệu đồng mỗi m2, tương đương tiền cọc khoảng 345 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, ngày 28/12, đơn vị này sẽ tổ chức đấu giá lại 36 thửa đất đấu giá không thành công do bị các đối tượng trả giá 30 tỷ đồng/m2 trong phiên đấu giá cuối tháng 11, tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội). Theo đó, các thửa đất có diện tích dao động 90-220m2, với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2.

Trước đó (ngày 29/11) đã diễn ra đấu giá đất. Phiên đấu giá gây xôn xao dư luận khi có đối tượng trả giá một số lô đất lên tới 30 tỷ đồng/m2, gấp 12.000 lần giá khởi điểm. Ngay sau đó, Công an Hà Nội đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự 5 đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Lỗ hổng trong đấu giá đất

Hình thức đấu giá nhằm đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả. Tuy nhiên, sự việc bất thường tại phiên đấu giá đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn đã gây chấn động khi ở vòng đấu giá thứ 5, hàng loạt lô đất được trả giá lên mức “trên trời”. Đáng chú ý, có những lô đất được đẩy giá lên tới 30 tỷ đồng/m², con số hoàn toàn phi lý so với giá trị thực tế.

Có thể thấy, những người đặt giá "trên trời" ở vòng 5 đã không thực sự có ý định mua đất, mà mục tiêu có thể là để gây nhiễu hoặc tạo sự bất ổn cho phiên đấu giá. Việc rút lui đồng loạt ở vòng 6 có thể nhằm đẩy giá ảo lên cao, làm nản lòng các đối thủ thật sự trong vòng đấu trước.

Diễn biến mới tại phiên đấu giá đất Sóc Sơn đã được làm sáng tỏ khi công an bắt giữ 5 đối tượng bị cáo buộc tội danh "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản". Theo lời khai ban đầu, nhóm này, do Phạm Ngọc Tuấn cầm đầu, đã bàn bạc và lên kế hoạch để thao túng phiên đấu giá, nhằm đạt mục tiêu trúng đấu giá các lô đất với mức giá từ 1,7-3,9 tỷ đồng/lô (tương đương khoảng 20-32 triệu đồng/m²).

Nhóm đối tượng đã cố tình đẩy giá lên mức phi lý (30 tỷ đồng/m²) trong vòng đấu thứ 5, gây áp lực tâm lý cho những người tham gia hợp pháp. Mục đích là làm nản lòng các đối thủ cạnh tranh, khiến họ rút lui khỏi cuộc đấu giá. Sau khi loại bỏ các đối thủ tiềm năng, nhóm này rút lui ở vòng cuối cùng, tạo điều kiện cho một hoặc nhiều đồng bọn của mình trúng đấu giá ở mức giá dự kiến là 20-32 triệu đồng/m², thấp hơn giá thị trường.

Nếu kế hoạch thành công, nhóm này có thể sở hữu đất với giá thấp hơn giá thị trường, từ đó trục lợi lớn khi bán lại hoặc đầu tư. Sự việc tại phiên đấu giá đất Sóc Sơn là một ví dụ điển hình của hành vi thao túng và phá hoại có tổ chức, được thực hiện một cách tinh vi, lợi dụng lỗ hổng trong đấu giá.

Đáng chú ý, ngay sau ngày diễn ra vụ đấu giá ở Sóc Sơn, phiên đấu giá ở Thanh Oai (Hà Nội) cũng xuất hiện nhóm người đấu giá 22 lô đất với mức giá cao vút rồi cũng lại bất ngờ bỏ cuộc ở vòng cuối để những lô này không được “chốt” ngay trong phiên.

Hiện tượng thao túng và phá hoại có tổ chức tại các phiên đấu giá đất như ở Sóc Sơn và Thanh Oai đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu chặt chẽ trong quản lý và giám sát đấu giá tài sản công. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng về niềm tin của công chúng vào tính minh bạch và công bằng trong các phiên đấu giá.

Chủ trương bán đấu giá tài sản công, đặc biệt là đất đai, là một chính sách đúng đắn và minh bạch, nhằm đảm bảo tài sản công được sử dụng hiệu quả, mang lại nguồn thu hợp pháp cho nhà nước, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận công bằng cho các cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, những tiền lệ xấu như việc thao túng giá, phá hoại đấu giá hoặc tạo ra các “chiêu trò” lách luật không chỉ làm biến dạng mục tiêu tốt đẹp của chính sách, mà còn khiến dư luận bức xúc, mất niềm tin.

Do vậy, ngoài việc xử lý nghiêm minh những kẻ phá hoại phiên đấu giá, điều mà người dân trông chờ hơn chính là việc cải tiến và hoàn thiện quy chế đấu giá để tránh các tình trạng tương tự xảy ra trong tương lai. Đặc biệt, các hành vi như "nâng giá rồi bỏ cọc" đã gây rất nhiều bức xúc trong dư luận, và nếu không có giải pháp kịp thờisẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính minh bạch và công bằng của hệ thống đấu giá.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội “nhộn nhịp” đấu giá đất dịp cuối năm" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.