Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 8/10/2023, nước này sẽ phải cần thêm khoảng 1,5 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia từ nay tới hết năm 2023, ngoài 2 triệu tấn gạo dự trữ đã nhập khẩu từ đầu năm tới nay.
Nguyên nhân khiến Indonesia phải cần thêm gạo dự trữ theo Tổng tống Jokowi xuất phát từ việc sản xuất nông nghiệp nước này bị ảnh hưởng mạnh của hiện tượng El Nino cũng như Chính phủ cần thêm gạo để bình ổn giá gạo thị trường vốn đang tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Theo Cơ quan lương thực quốc gia-Bulog, lượng gạo hiện có trong kho của cơ quan này tính đến ngày 22/9/2023 đạt 1.723.000 tấn, trong đó 1.659.000 tấn là gạo dự trữ quốc gia và 63.910 nghìn tấn là gạo thương mại.
Tại Indonesia, thời gian vừa qua, giá gạo đã liên tục tăng mạnh. Theo Cơ quan Lương thực quốc gia, giá gạo bán lẻ ngày 8/10/2023 của nước này là 13.200 Rp/kg (tỷ giá 1 USD tương đương 15.400 Rp) đối với gạo phẩm cấp trung bình; 14,920 Rp/kg đối với gạo chất lượng cao trong khi giá gạo bán lẻ cao nhất theo quy định của chính phủ là 10.900-11.800 Rp/kg đối với gạo phẩm cấp trung bình và 13.900 - 14.800 Rp/kg đối với gạo chất lượng cao. Mức lạm phát giá gạo Indonesia trong tháng 9/2023 tăng 18,44% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất từ năm 2014. Giá gạo tháng 9/2023 cao hơn tháng 8/2023 là 5,61%, mức cao nhất từ tháng 2/2018.
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, trong năm 2023 nước này đề ra mục tiêu sản xuất 54,5 triệu tấn thóc tương đương với 32,07 triệu tấn gạo, tương đương với mục tiêu năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng dự báo này sẽ bị điều chỉnh do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, sản xuất và năng suất lúa gạo hiện đang bị ảnh hưởng mạnh bởi hiện tượng El Nino. Năng suất dự kiến sẽ chỉ khoảng 4 tấn/ha so với mức năng suất bình quân 5 - 6 tấn/ha; công suất hoạt động của nhiều nhà máy xay sát gạo hiện chỉ vào khoảng 20 - 30% trong tháng 8/2023.
Hình minh họa
Việc Indonesia tăng nhu cầu dự trữ quốc gia sẽ là một cơ hội tốt đối với Việt Nam. Reuters dẫn lời quyền Bộ trưởng nông nghiệp nước này hôm 9/10 cho biết, Indonesia đang có kế hoạch nhập khẩu 600.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam ngoài hạn ngạch nhập khẩu bổ sung 1,5 triệu tấn.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này đã vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất từng đạt được năm 2011 (3,65 tỷ USD).
Điều đáng nói là, nhờ giá gạo tăng cao trong thời gian qua, nên để đạt được con số 3,66 tỷ USD, Việt Nam chỉ xuất khẩu 6,6 triệu tấn, trong khi năm 2011, để đạt được 3,65 tỷ USD thì cần tới 7,1 triệu tấn gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 613 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 598 USD/tấn. Hiện, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới.
Trong 8 tháng đầu năm, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng gạo xuất khẩu; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%.
Theo số lượng thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng lượng gạo Indonesia nhập khẩu từ Việt Nam trong 8 tháng đầu 2023 đạt 718.091 tấn đạt giá trị 361 triệu USD, tăng 15,5 lần về lượng và 16,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu thống kê của Cơ quan hữu quan Indonesia trong 7 tháng đầu 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này từ Việt Nam chiếm 47% tổng lượng nhập khẩu và từ Thái lan là 50%.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam cho biết, hiện nay dư địa xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia còn rất lớn khi Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo đến cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có chiến lược đảm bảo hiệu quả xuất khẩu khi giá lúa đang tăng cao như hiện nay.