Ảm đạm thị trường bán hàng truyền thống
Ngay từ đầu tháng 7 Âm lịch, các quầy bánh trung thu đã được mở bán ở Hà Nội để phục vụ ngày rằm tháng 7 và đón đầu thị trường Tết Trung thu.
Các sạp bánh trung thu của thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Madame Hương,... xuất hiện ở hàng loạt những tuyến phố lớn. Có thể kể đến như: Đào Tấn, Vĩnh Phúc, Liễu Giai (Ba Đình), Mỹ Đình, Phạm Hùng, Hàm Nghi (Nam Từ Liêm), Thụy Khê (Tây Hồ), Yên Hòa, Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy)...
Tuy nhiên, không khí mua bán loại bánh truyền thống này vẫn rất ảm đạm. Trao đổi trực tiếp với Người Đưa Tin, chị An - một nhân viên bán hàng bánh trung thu của thương hiệu Kinh Đô chia sẻ: “Nếu so với các năm, thời điểm này sẽ bán được khá nhiều vì sắp tới là 2/9 và ngày 1/8 Âm lịch. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, tình hình kinh doanh vẫn rất chậm và không thấy người dân mua nhiều, chủ yếu là tiện đường nên tạt vào mua”.
Nói về lý do, chị An cho rằng xu hướng năm nay là các mặt hàng bánh handmade online và giá rẻ do mức chi tiêu của người dân không còn được như trước.
Ngoài ra, chị Phương - chủ tiệm tạp hóa trên đường Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhận định, sức mua của người dân giảm thiểu đáng kể.
“Mặc dù nhà tôi đã nhập bánh về bán từ rằm tháng 7 Âm lịch nhưng cũng không bán được vì mọi người cũng phải thắt chặt chi tiêu và cũng chuẩn bị vào đầu năm học mới. Năm nay, rất ít người mua các set bánh đắt tiền. Thay vào đó, họ chỉ mua những bánh lẻ 1-2 cái để về thắp hương”, chị Phương nói.
Tràn lan mặt hàng bánh trung thu online giá rẻ
Trái ngược với thị trường truyền thống, trên các sàn thương mại điện tử, bánh trung thu được bán với số lượng hàng chục nghìn đơn mỗi tháng, nhất là các sản phẩm giá rẻ.
Trên sàn Shopee, chỉ cần gõ từ khóa "bánh trung thu", ngay lập tức hiện ra hàng nghìn sản phẩm với đầy đủ các mức giá với mẫu mã khác nhau. Điều đáng nói, có hàng trăm nghìn chiếc bánh được bán mỗi tháng.
Không khó để tìm mua những chiếc bánh trung thu với mức giá dao động từ 15.000 đến 250.000/cái. Thậm chí, có những loại bánh handmade chỉ có giá 7.000 (size nhỏ) với loại nhân tùy chọn.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng được rao bán dưới dạng 3 không (không nhãn mác, không thương hiệu, không hạn sử dụng). Vì vậy, người dân cần hết sức thận trọng khi lựa chọn những sản phẩm này.
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện thêm loại bánh trung thu với kích thước “khổng lồ” từ 500g - 700g nhưng chỉ với mức giá 50.000 - 60.000/cái.
Sản phẩm này nhận được sự đón nhận mạnh mẽ từ giới trẻ vì được cho là giá rẻ và hấp dẫn hơn so với các sản phẩm truyền thống.
Tuy nhiên, theo cảnh báo từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, những sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, gây nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, ngày 28/8 vừa qua, đơn vị này đã xử phạt và tiêu hủy 3.000 sản phẩm bánh trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Cần hết sức thận trọng khi lựa chọn bánh trung thu
Dù đã có nhiều cảnh báo, song vẫn có nhiều người dân đang quá dễ tính với những sản phẩm bánh giá rẻ, không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bạn Ngọc (Hà Nội) cho biết bản thân từng mua bánh online trên nền tảng TikTok theo lời quảng cáo của các TikToker. "Em ăn bánh thấy khá ngon, lạ miệng. Hơn nữa, vì mức giá rẻ nên cũng không có yêu cầu nhiều về thương hiệu hay bao bì", Mai nói.
Tuy nhiên, cũng có người lo ngại về chất lượng của những chiếc bánh giá rẻ. Chị Mai Thị Lan (Hà Nội) nói rằng bản thân chị không dám mua những loại bánh giá rẻ vì không rõ chất lượng bánh, nhiều loại bánh nhập lậu, gia công từ bột đá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
"Tốt nhất là cứ mua của những hãng bánh, thương hiệu lớn”, chị Lan chia sẻ.
Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã đưa ra loạt cảnh báo về sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào dịp Tết Trung thu.
Cơ quan này nhấn mạnh, dịp Tết Trung thu là cơ hội để hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm trà trộn vào thị trường, đánh lừa người tiêu dùng. Đây được coi là một trong những tác nhân gây ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm.
"Người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác khi lựa chọn sản phẩm bánh trung thu cho cả gia đình. Lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc và thông tin rõ ràng", Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các cơ sản xuất và kinh doanh bánh trung thu thường kiếm thêm lợi nhuận bằng cách mua trọn bộ logo, tem giả của thương hiệu nổi tiếng để “ngụy trang” lên bánh giả. Với cách này, người tiêu dùng nếu chỉ nhìn qua khó có thể phân biệt được bánh thật và bánh kém chất lượng.
Bánh trung thu thật sẽ có logo in trực tiếp vào hộp bánh, dưới đáy hộp bánh có in thành phần bánh, tên công ty, thương hiệu, xuất xứ.
Ngược lại, với bánh trung thu giả, logo thường được dán bên ngoài hộp bánh, hình ảnh logo không sắc nét, không có tên công ty, nhãn hiệu, xuất xứ, khiến người tiêu dùng không biết nguồn gốc của bánh ở đâu.
Về màu sắc và mùi vị, bánh kém chất lượng, nếu bánh nướng sẽ có màu vàng sậm, hơi xém và không tươi màu vỏ trứng. Khi cắt bánh, bánh sẽ bị bở, nhân rời rạc. Bánh có đặc trưng mùi hóa học, vị chua hoặc mùi lạ, khi để lâu bị chảy dầu ra xung quanh hộp và bỏ.
Nếu là bánh dẻo sẽ có màu trắng đục, ngả vàng. Khi cắt bánh cứng, không dẻo, nhân có mùi lại. Vỏ bánh quá ngọt mùi đường hóa học, không ngọt thanh theo kiểu bánh truyền thống.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa trung thu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất và người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng có tính quyết định.
Vì vậy mỗi người sản xuất kinh doanh phải tuân thủ các quy định của Pháp luật về an toàn thực phẩm, mỗi người người tiêu dùng cần trở thành người tiêu dùng thông thái biết cách chọn mua và sử dụng bánh trung thu đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thanh Loan