Phân khúc vừa tiền hút khách
Thực trạng căn hộ chung cư tăng giá nhanh khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến cả các sản phẩm vùng ven. Thông tin từ Lao Động, báo cáo thị trường bất động sản mới đây của Property Guru Việt Nam ghi nhận mức độ quan tâm đất nền trên cả nước tăng 48 điểm trong quý I/2024 so với quý IV/2023.
Trong đó, đất nền phía Bắc ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Đất nền Hà Nội, khu vực vùng ven như Đông Anh, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất có mức độ quan tâm tăng mạnh, gần chạm đến mức quan tâm của quý I/2022 – giai đoạn thị trường bất động sản sôi động. Nhu cầu tìm mua đất nền tăng mạnh ở các huyện trên tăng từ 1,7 – 2 lần so với quý I/2023.
Khảo sát thực tế trong tháng 4/2024 của Property Guru Việt Nam ghi nhận, lượng giao dịch của đất nền ở phân khúc dưới 2 tỷ đồng/lô đang dẫn đầu thanh khoản của thị trường.
Với thị trường đất nền Hoài Đức, những lô đất có diện tích 30-50m2, với mức giá từ 40-50 triệu đồng/m2, tổng giá thành dưới 2 tỷ đồng/lô thuộc địa phận Kim Chung, La Phù, Vân Côn, Đức Thượng, Đông La ghi nhận lượng khách quan tâm tăng tới 40-50% so với tháng 3/2024.
Với thị trường đất nền Đông Anh, những lô đất có tổng giá thành dưới 2 tỷ đồng/lô có thể tìm mua ở Bắc Hồng, Kim Nỗ, Nam Hồng, Nguyên Khuê, Xuân Nộn với mức giá dao động từ 30-40 triệu đồng/m2. Phần lớn các mảnh đất đều có đặc điểm là nằm trong đường ngõ, cách đường ô tô 50-100m.
Đất nền Đông Anh ở khoảng giá dưới 2 tỷ đồng/lô cũng là phân khúc có lượng giao dịch tốt nhất. Theo các môi giới, với thông tin Đông Anh sắp lên quận và có các dự án sắp mở bán trong tương lai gần nên lượng khách đầu tư đến tìm hiểu đất nền Đông Anh tăng gấp đôi so với các tháng trước đó.
Đất nền huyện Thanh Trì cũng ghi nhận giao dịch khả quan với phân khúc dưới 2 tỷ đồng/lô. Giao dịch tập trung ở các mảnh đất ôtô đỗ được trước cửa, diện tích 40-50m2, giá bán dao động 35-50 triệu đồng/lô thuộc Đại Áng, Vạn Phúc, Tả Thanh Oai, Đông Mỹ… Lượng nhà đầu tư đổ về đây vào các dịp cuối tuần tăng 20%.
Nhà đầu tư tự tin đi xa hơn
Trong khi đó, theo Tin Nhanh Chứng Khoán, tại Hà Nội, thị trường ấm lên, tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp hơn khiến nhà đầu tư tự tin đi xa hơn. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm cơ hội từ khu vực vùng ven.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Sen Vàng Group - đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường và tư vấn đầu tư nhận định, diễn biến vĩ mô, nhất là câu chuyện hành lang pháp lý (ba văn bản luật liên quan đến thị trường địa ốc, gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được thông qua - PV) sẽ khiến năm 2024 trở thành một năm đua nhau ra hàng từ các chủ đầu tư để đón điểm “hưng phấn” của thị trường.
Theo bà Ngọc, năm 2024 sẽ là câu chuyện của các chủ đầu tư có sẵn sản phẩm, có thể ra hàng, bởi các bên đều nhận thức rất rõ rằng, sang năm 2025, sự cạnh tranh sẽ còn khốc liệt hơn nhiều trong năm tới, nhiều khả năng nguồn cung đưa ra thị trường là rất lớn. Sự cạnh tranh không chỉ đến từ việc nguồn cung dồn ứ quá nhiều, mà còn cả các tác động đến mức giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP-Invest cho hay, lãi suất thấp, bối cảnh thuận lợi hơn đã khiến khách hàng mạnh dạn xuống tiền mua bất động sản hơn. Theo đó, cả những dự án vùng ven cũng nhận được sự săn đón của nhà đầu tư. Dù vậy, khâu quản trị rủi ro rất được nhà đầu tư quan tâm, tính pháp lý vẫn là yêu cầu tiên quyết.
Đánh giá về tiềm năng thị trường, ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Hưng Yên Land cho hay, Văn Lâm (Hưng Yên) đang là thị trường bất động sản hội tụ đủ các yếu tố chính cho việc tăng trưởng trong thời gian tới. Ngoài các yếu tố được ưu ái như vị trí địa lý - chỉ cách Hà Nội khoảng 20 km, được kết nối tốt qua Vành đai 3 (sắp tới là đường Vành đai 4), Quốc lộ 3, Quốc lộ 5 kết nối với Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, khu vực này đã bắt đầu xuất hiện những dự án khu đô thị quy mô, được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu nhà ở chất lượng cao, mang lại cơ hội đầu tư tốt.
Theo báo cáo của Statista, dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu người. Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% giai đoạn 2016 - 2021, mức cao nhất Đông Nam Á. Với các đô thị lớn như Hà Nội, “cái rốn” hút người giàu sẽ đóng góp một “nguồn cung” đáng kể tầng lớp trung lưu trong thời gian tới. Cùng với đó, các yêu cầu về không gian sống ngày càng được nâng cao.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, bất động sản vùng ven trên toàn cầu đang cho thấy nguồn cầu mạnh mẽ, nhất là sau dịch Covid-19, người dân ngày càng có xu hướng rời xa các thành phố với mật độ dân cư cao. Hà Nội cũng không khác gì so với thế giới khi thị trường đang có xu hướng mở rộng ra các vùng ven.
Nhìn nhận về cơ hội của thị trường ven đô, ông Ngô Bá Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản Tuấn Quang (TQLand) cho rằng, với thị trường ven đô, có một đặc điểm đáng chú ý là nhà đầu tư Hà Nội vẫn chiếm ưu thế áp đảo. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư (cả chủ đầu tư dự án) cho biết sẵn sàng chấp nhận đầu tư trước để đón sóng, trước cả 1 - 2 năm, kể cả đi trước câu chuyện hạ tầng.
Theo ông Trọng, xu hướng phát triển cũng như đầu tư ra vùng ven là tất yếu, các dự án đáp ứng đủ tiêu chí pháp lý tốt, lưu thông thuận lợi, giá cả phù hợp sẽ được chú ý. Nếu đặt lên bàn cân thì một lợi thế so sánh khó có thể bỏ qua, đó là suất đầu tư ở vùng ven đang hợp lý hơn nhiều so với nội đô, khi cùng một số tiền - thậm chí số tiền nhỏ hơn, nhà đầu tư vẫn có thể sở hữu những sản phẩm tốt. Đặc biệt, hiệu ứng tăng giá tốt, nhất là với các khu vực ăn theo hạ tầng càng củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư với thị trường này.
Đào Vũ (T/h)