Mía đường Sơn La hoàn thành hơn nửa kế hoạch lợi nhuận năm ngay trong quý I |
Thấp thỏm chờ giá mía
Đầu tháng 11, sau hơn một năm, chúng tôi trở lại Tây Ninh, nơi từng được gọi là “thủ phủ” mía đường của cả nước. Nắng rám cuối mùa mưa vùng Đông Nam Bộ vẫn không xua được nỗi thấp thỏm của người trồng mía khi chỉ một tháng nữa là vào vụ ép, nhưng nhà máy đường vẫn chưa chính thức báo giá thu mua. Phó Chủ tịch Thường trực Hội người trồng mía Tây Ninh Nguyễn Đăng Thuận lo lắng: “Tình hình này người dân sẽ bỏ hết mía”.
Tây Ninh được coi là “thủ phủ” mía đường vì thời kỳ cao điểm, có năm tỉnh này có đến gần 40 nghìn ha đất trồng mía. Nhưng năm nay diện tích mía của người dân trong tỉnh đã xuống giống được nhà máy của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC - Biên Hòa) ký kết thu mua khoảng 2.300 ha.
(Ảnh minh họa) |
Theo thống kê của Hội người trồng mía Tây Ninh, diện tích mía đã được đầu tư, bao tiêu hơn 12 nghìn ha. Trong đó, đầu tư trong tỉnh hơn 6.000 ha (khoảng 2.300 ha từ phía người dân, còn lại là các nông trường và đất nhà máy ký kết với địa phương lân cận); và niên vụ 2018 - 2019, nhà máy đường đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu mía ước chỉ bằng 92,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, ông Thuận phán đoán: “Diện tích mía tại Tây Ninh sẽ tiếp tục giảm và người dân chủ yếu chuyển sang trồng mì hoặc lúa, thu nhập ổn định hơn trồng mía”.
Người trồng mía thấp thỏm chờ giá mía vụ mới cũng là chuyện không mấy ngạc nhiên. Bởi bài học về giá mía từ niên vụ 2018 - 2019 vẫn còn đó. Trong vụ mía 2016 - 2017, hàng loạt người trồng mía Tây Ninh ký hợp đồng với TTC - Biên Hòa ba vụ liên tiếp, được cam kết “giá thu mua mía bảo hiểm thấp nhất là 900 nghìn đồng/tấn mía có chữ đường 10 CCS, chưa bao gồm phí vận chuyển”. Nhưng đến đầu vụ chế biến 2018 - 2019 nhà máy thông báo giá mía chỉ có… 700 nghìn đồng/tấn. Với giá này, người trồng mía Tây Ninh lỗ nặng. Có những hộ sau khi đã cân toàn bộ mía cho nhà máy, cuối vụ cộng lại vẫn thiếu đến hơn 5 tỷ đồng (chưa kể tiền vay ngoài). Có hộ diện tích trồng mía đến hàng trăm ha nhưng từ hệ lụy giá mía, dẫn đến phá sản, vỡ nợ, bỏ đi làm thuê ở nơi khác.
Với hợp đồng ký ba năm - phù hợp chu kỳ đầu tư, phát triển của cây mía và giá 900 nghìn đồng/tấn, người dân mới có lãi và có thể tập trung phát triển diện tích trồng mía. Nếu biết trước giá ép vụ 2018 - 2019 từ đầu, chắc chắn người dân sẽ chuyển hết sang trồng mì hoặc lúa.
Ông Thuận cho biết: “Do việc cắt bớt các khoản hỗ trợ, đầu tư của nhà máy trong mấy vụ gần đây nên năm nay giá mía thu mua tối thiểu phải 900 nghìn đồng/tấn đối với mía trồng trong nước, chữ đường đạt tối thiểu 9 CCS thì người trồng mía mới “có ăn” chút đỉnh. Đó là giá dành cho những hộ có diện tích mía lớn hàng trăm ha, được đầu tư cơ giới hóa đồng bộ. Còn với hộ đơn lẻ vài ha thì giá phải trên một triệu đồng/tấn”.
Người trồng mía có bị loại khỏi cuộc chơi?
Nhìn lại, trước việc ép giá niên vụ 2018 - 2019, nhiều hộ trồng mía Tây Ninh đã nộp đơn lên Hội người trồng mía Tây Ninh đề nghị khởi kiện TTC - Biên Hòa vi phạm hợp đồng đã ký kết. Cuối cùng TTC - Biên Hòa chấp nhận bù thêm… 50 nghìn đồng/tấn mía cho các hộ dân. Nhưng cũng chỉ bù được một phần lỗ cho cả vụ, do đó nhiều hộ tiếp tục kiện TTC - Biên Hòa ra tòa án.
Thực tế, đồng thời với việc giảm giá mía phía TTC - Biên Hòa bắt đầu đưa ra nhiều “hàng rào kỹ thuật” để ép người trồng mía. Ông Nguyễn Văn Triển, ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh cho rằng: “Nhà máy đã không thực hiện đúng cam kết về giá nhưng sau đó đã tìm đủ mọi cách ép chúng tôi về chất lượng mía, tạp chất và nhất là thắt chặt các khoản đầu tư, chi phí, dẫn đến chúng tôi bị phá sản”.
Ông Triển ký hợp đồng thu mua mía với Công ty CP mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh) ngày 11-1-2016 với tổng diện tích ban đầu là 114,3 ha, trong thời gian ba vụ thu hoạch. Theo Hợp đồng số 2016DT 0870, TTC Tây Ninh ứng trước cho ông Triển gần 3,2 tỷ đồng, bao gồm tiền cải tạo đất với 15 triệu đồng/ha/ba vụ, mía tơ là 30 triệu đồng/ha, mía gốc là 18 triệu đồng/ha. Hợp đồng được ghi rõ: “Giá thu mua mía bảo hiểm thấp nhất là 900 nghìn đồng/tấn mía có chữ lượng 10 CCS, chưa bao gồm phí vận chuyển”. Theo tính toán thì với việc ký hợp đồng thu mua mía và tài trợ vốn của TTC Tây Ninh, việc phát triển cây mía sẽ rất ổn định, người trồng có lãi. Do đó, ông Triển và nhiều hộ tại Tây Ninh đã mạnh dạn đẩy nhanh phát triển diện tích trồng mía. Đến niên vụ 2018 - 2019, chỉ riêng gia đình ông Triển đã nhân lên được 230 ha mía.
Nhưng niên vụ 2018 - 2019, trước khi vào vụ ép, ngày 30-11-2018, TTC Tây Ninh mới đưa ra giá thu mua mía chỉ với 700 nghìn đồng/tấn mía như trên đã dẫn. Ông Triển cho rằng: “Giá này do nhà máy tự quyết, không có bất kỳ một thỏa thuận cụ thể nào giữa người trồng mía với nhà máy”. Riêng vụ mía đó, gia đình ông Triển đã cân hết mía cho nhà máy nhưng vẫn còn nợ gần 600 triệu đồng. Cũng từ đó, nhà máy tiếp tục đưa ra những chính sách “ép” người trồng mía. Theo ông Triển, khó khăn nhất là chính sách đầu tư “nhỏ giọt”, nhất là đối với những hộ vẫn còn nợ đọng tiền đầu tư của vụ mía trước, khiến người trồng mía “nghẹt thở”. Vụ mía 2020 cần đầu tư khoảng bốn tỷ đồng nhưng nhà máy chỉ “rót” được hơn 800 triệu đồng, không đủ tái tạo cho cây mía, ông Triển chấp nhận bỏ 230 ha diện tích trồng mía sang Bình Dương tìm kiếm việc làm.
Theo Hội người trồng mía Tây Ninh, hiện còn tám hộ gia đình trồng mía vẫn đang theo kiện TTC - Biên Hòa ra tòa án để đòi quyền lợi của vụ mía 2018 - 2019. Trong đó, ông Nguyễn Văn Ai, ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên ngày 12-12-2019 đã nộp đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tân Châu, đòi TTC Tây Ninh trả lại số tiền hơn 78,6 triệu đồng gây thiệt cho gia đình ông do chênh lệch 200 nghìn đồng/tấn mía.
Ngày 14-8-2020, TAND huyện Tân Châu đã bác đơn khởi kiện của ông Ai với lý do: “Ngày 6-2-2018 giữa TTC - Biên Hòa với ông Ai, bà Anh (vợ ông Ai) có ký hai hợp đồng ứng vốn trồng, chăm sóc và bao tiêu mía nguyên liệu số HD 2018DT777 và số HD 2018DT1449, ngày 4-4-2018, tại mục 10.1 Điều 10 của hai hợp đồng có điều chỉnh lại là giá mía là giá mua tại bàn cân của bên A và sẽ được bên A thông báo cho bên B theo từng thời điểm. Xét thấy tại khoản 3 Điều 15 của hợp đồng số HD 2017DT0156 và khoản 20.2 Điều 20 của hợp đồng số HD 2017DT1268 có thỏa thuận việc sửa đổi hợp đồng, do đó khi TTC - Biên Hòa ký hợp đồng điều chỉnh giá thu mua mía thì ông Ai, bà Anh có ký hợp đồng là thể hiện sự thống nhất về sự điều chỉnh giá, nên lời trình bày của bị đơn là có cơ sở xem xét, lời trình bày của nguyên đơn là không có căn cứ chấp nhận”.
Với bốn hợp đồng nêu trên, có ý kiến cho rằng: TAND huyện Tân Châu mới chỉ dựa vào sự trình bày của phía bị đơn là TTC - Biên Hòa chứ không căn cứ vào nội dung của hợp đồng đã ký kết. Đầu tiên, tại hai hợp đồng số HD 2018DT1449 và HD 2018DT0777 đều không nói về giá thu mua mía và như vậy TTC - Biên Hòa đã tự áp đặt giá mía với người nông dân. Và với cách áp đặt này, bất kỳ giá nào người nông dân cũng phải chấp nhận vì đến thời điểm đó không bán mía cho nhà máy thì chả còn chỗ nào khác. Còn trong hợp đồng HD 2017DT0156 và HD 2017DT1268 thì không có Điều 20 như nội dung phán quyết của tòa.
Nói về việc TTC - Biên Hòa đã áp đặt giá mía với người trồng mía, ông Nguyễn Đăng Thuận cho rằng: “Một trong những lý do được TTC - Biên Hòa giải thích với người dân là do giá đường xuống thấp, nhà máy gặp nhiều khó khăn nên phải điều chỉnh giá mua từ người trồng mía. Nhưng qua theo dõi chúng tôi biết được chuyện không phải vậy mà nhà máy không cần chúng tôi nữa vì mấy năm nay TTC - Biên Hòa luôn là doanh nghiệp nhập khẩu đường nguyên liệu lớn nhất cả nước, với lợi nhuận hằng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Do đó, họ sẵn sàng loại bỏ người nông dân trồng mía ra khỏi cuộc chơi”.
Doanh nghiệp mía đường đã trở lại? Sau nhiều năm suy giảm lợi nhuận, tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp mía đường niêm yết trên sàn chứng khoán đã phục ... |
Thủ tướng: Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường Sáng 18/2, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, Thủ tướng nêu ... |