Chiều 31/10, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, do trời mưa lớn kéo dài, nhiều địa phương bị ngập nặng như ở TP. Vinh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành…
Tổng số nhà bị ngập là 12.631 ngôi nhà, số hộ dân phải di dời do ngập lụt và sạt lở đất lên đến 2.916 hộ. Bên cạnh đó, hơn 835 ha lúa, 4.905 bị ngập nước, diện tích ngô, rau màu các loại bị thiệt hại 9.150,46. Hàng chục các điểm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, hư hỏng gây chia cắt giao thông.
Ông Nguyễn Khánh Thành, Bí thư xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết: "Sáng 31/10, mực nước dâng cao hơn gần 50 cm so với tối hôm qua. Toàn xã có hơn 10.000 dân thì hiện nay vẫn còn 5.000 người dân bị cô lập do nước lũ. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy cấp do thiếu nước sạch và thiếu lương thực do mất điện. Do cả xã chỉ có một chiếc thuyền gỗ nên công tác cứu trợ, di chuyển người dân gặp rất nhiều khó khăn".
Sau gần 2 ngày bị cô lập, chính quyền huyện Thanh Chương bắt đầu cho xe ô tô chở xuồng cano đến khu vực xã Thanh Xuân để vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Trưởng ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công điện số 41/CĐ-UBND về việc khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 9 và mưa lũ gây ra.
Công điện nêu rõ, vừa qua do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 9 kết hợp với không khí lạnh nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lũ lớn, gây ngập úng trên diện rộng và lũ lớn trên sông Cả, đến nay nhiều vùng còn bị úng ngập.
Để khắc phục hậu quả mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN các huyện, thành phố, thị xã; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể: Yêu cầu nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá… trên sông, suối khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.
Các lực lượng chức năng cần bố trí lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo cho bà con sau lũ không bị đói, rét, sớm ổn định cuộc sống.
Lực lượng an ninh chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự và bảo vệ tài sản cho nhân dân sau lũ.
Triển khai ngay các biện pháp bảo vệ môi trường, tiêu độc, khử trùng, xử lý đảm bảo nước sinh hoạt trong các vùng bị ngập úng và hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc.
Đồng thời đảm bảo an toàn giao thông; huy động máy móc, thiết bị để xử lý các vị trí sạt lở, ách tắc; phối hợp với lực lượng công an để hướng dẫn, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn, thông suốt.
Cùng với đó thường xuyên báo cáo kết quả khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra về UBND tỉnh Nghệ An (qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) biết để kịp thời xử lý.