Anh Thanh Sơn tiếp xúc với gốm từ năm 1978, khi đó anh mới chỉ 16 tuổi. Gia đình anh khó khăn nên thời gian đó, anh vừa đi học phổ thông vừa đi làm thêm nửa ngày với niềm yêu thích nghề gốm.
Bộ đội về khởi nghiệp làm bếp điện đất vào năm 1986, dùng để nấu ăn. Ngày đó hiểu biết về gốm không nhiều nên anh Thanh Sơn phải bỏ dở niềm đam mê. Sau đó, để mưu sinh anh Thanh Sơn đã phải bươn trải với nghề xe ôm, bán chim cảnh,… Khoảng thời gian này, anh Sơn tích lũy được một khoản tiền ít ỏi để xây căn nhà nhỏ.
Cách đây 6 năm, anh Thanh Sơn quay lại một xưởng gốm để làm thuê, vì không có công việc khác nên anh quyết định vẫn theo đuổi đam mê làm gốm.
Khi làm tại đây, anh Thanh Sơn tích lũy được một số kinh nghiệm và tìm hiểu các kỹ thuật làm gốm nâng cao lên. Từ đó, anh Thanh Sơn nảy sinh ý tưởng tạo ra sản phẩm phải độc đáo hơn. Sở thích ngắm nhìn hoa và xem thế giới động vật tạo nên nhiều cảm hứng trong các tác phẩm của anh Thanh Sơn.
Khó khăn anh Sơn gặp phải rất nhiều vì cơ sở vật chất, sức khoẻ không được như lúc còn trẻ nhưng lòng đam mê với cái đẹp của gốm cộng với cảm hứng từ động vật đã khiến anh không thể rời mắt khỏi chúng.
“Có rất nhiều động vật hoang dã đẹp mà tôi đã nhìn thấy, từ đó nảy sinh ra ý định dùng chất liệu gốm mà trong quá trình làm việc đã học được cùng với kinh nghiệm bản thân trong nghề để tạo nên tác phẩm độc đáo. Tôi muốn qua gốm để thể hiện cái đẹp của động vật hoang dã như con trâu rừng, con lợn rừng, tôm hùm… Đặc biệt, tôi mô tả các con vật qua đó dùng để cắm hoa theo trường phái đơn giản mà tôi rất thích”, anh Thanh Sơn chia sẻ.
Những tác phẩm các con vật rất phù hợp với men mà anh Thanh Sơn làm ra, tạo được đúng như thật. Không có cửa hàng để trưng bày bán, nhưng anh mua bàn quay để tự thỏa sức đam mê vào mỗi ngày chủ nhật nghỉ ở nhà. Tác phẩm của anh mất rất nhiều công sức và thời gian, mang tính nghệ thuật cao. “Có những con vật làm đến vài tuần mới hoàn thành, tôi chỉ tranh thủ làm vì hàng ngày vẫn còn phải đi làm thuê”, anh Thanh Sơn bộc bạch.
Các tác phẩm gốm của anh Thanh Sơn đều mang lại thần thái của con vật anh thể hiện. Với hy vọng bán được các sản phẩm này, xuất phát từ yêu nghề và đam mê với nó, anh Thanh Sơn mong muốn được làm chủ để thỏa sức sáng tạo.
Khi quay lại nghề gốm, cuộc sống của anh Thanh Sơn đã thay đổi rất nhiều. “Gốm đã cho tôi niềm vui và cảm xúc. Tôi được tự do làm việc sáng tạo đưa vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã vào chất liệu gốm. Tôi rất mong phát triển hình thức kinh doanh này để có thể mở lò gốm của riêng mình”, anh Thanh Sơn tâm sự.