Từ ứng dụng hỗ trợ đến dự án tiềm năng

19/12/2022 13:01

Không ít dự án hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19 sau thời gian vận hành ổn định đã tiến thêm một bước mới, chính thức đầu tư nâng cấp để tham gia sâu hơn vào hoạt động kinh doanh

Ông Vũ Văn Anh, người sáng lập Công ty Hàng Việt Nam Chất lượng cao (VDUP), vừa có chuyến khảo sát tại các tỉnh, thành ĐBSCL theo đoàn công tác của lãnh đạo UBND TP HCM để kết nối chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Vũ Văn Anh, app Aiya được chọn là ứng dụng hỗ trợ nông dân bán các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) - là dòng sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng vùng miền. "Sắp tới, công ty sẽ thực hiện các khóa đào tạo để nông dân sử dụng nền tảng này bán hàng, giúp bà con mở gian hàng miễn phí, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sản phẩm OCOP… Aiya kỳ vọng sẽ trở thành kênh kinh doanh sản phẩm OCOP chuyên biệt. Mọi người khi nhắc đến sản phẩm OCOP sẽ nhắc đến Aiya" - ông Vũ Văn Anh lạc quan.

Ứng dụng Aiya được phát triển năm 2021, trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh COVID-19 và đã kết nối đưa nông sản từ một số tỉnh ĐBSCL về TP HCM. Aiya góp phần giúp nông dân bán được hàng và người tiêu dùng mua được thực phẩm nhờ khả năng kết nối chính xác bằng công nghệ.

Nhờ am hiểu thị trường Việt Nam, chi phí nền tảng thấp, nhóm thực hiện Aiya quyết định phát triển dự án, tiếp tục nâng cấp app này với kỳ vọng có thể cạnh tranh sòng phẳng với các app nước ngoài trong lĩnh vực kết nối giao hàng, đặt đồ ăn, kinh doanh online… Từ đó, Aiya có đủ điều kiện để thực hiện dự án hỗ trợ bán hàng OCOP cho nông dân khắp cả nước.

Từ ứng dụng hỗ trợ đến dự án tiềm năng - Ảnh 1.

Sàn thương mại điện tử Foodshare Market đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn dịch COVID-19 nay chuyển thành nơi chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm Ảnh: Vương Ngọc

Trong kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh và du lịch phục hồi sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Công ty TNHH Truyền thông số Mekongexpo xây dựng và thí điểm nhiều mô hình về chuyển đổi số trong hoạt động thương mại - du lịch. Đó là hệ thống du lịch thông minh, nền tảng du lịch thông minh, sàn thương mại điện tử… gắn với việc quảng bá các điểm đến, nông sản, đặc sản địa phương.

Sàn thương mại điện tử mekongexpo.vn vừa đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2022 đã thu hút được 120 nhà bán hàng là các DN sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm, gia vị, đồ uống, bánh kẹo, thủy hải sản. Riêng ngành hàng nông sản thực phẩm, mekongexpo.vn đã tập hợp được trên 200 mặt hàng tươi lẫn chế biến đạt chứng nhận OCOP của TP Cần Thơ, khu vực ĐBSCL cùng nhiều tỉnh, thành khác. Bước đầu, sàn thương mại điện tử này miễn phí 100% cho các DN tham gia kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Thống, Tổng Giám đốc Mekongexpo, cho biết hiện nay, rất nhiều sàn thương mại điện tử được lập ra nhằm hỗ trợ DN, hộ kinh doanh ở các địa phương giới thiệu sản phẩm, bán hàng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động của các sàn dạng này còn khiêm tốn.

"Mục tiêu chính của mekongexpo.vn là đẩy mạnh sử dụng các công cụ marketing online để nâng cao hiệu quả hoạt động mua bán qua sàn, từ đó góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP của TP Cần Thơ và cả khu vực. Vì vậy, sàn đang phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của TP Cần Thơ triển khai tập huấn, tư vấn, hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh… đưa sản phẩm lên "chợ mạng" sao cho hiệu quả" - ông Thống cho biết. 

Vừa chia sẻ vừa chống lãng phí thực phẩm

Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Food Bank Việt Nam, mới đây cũng ra mắt dự án chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm (Food Share) với nhiều giải pháp công nghệ để giải quyết mục tiêu kép: Vừa chống lãng phí thực phẩm vừa giúp người có thu nhập thấp tiếp cận thực phẩm giá rẻ hoặc miễn phí.

Trước đó, vào tháng 7-2021, Foodshare Market đã cung cấp cho người dân TP HCM rất nhiều nông sản, thực phẩm với giá bình ổn nhờ việc đưa xe đến tận vùng nguyên liệu thu mua hàng của nông dân. Nhiều mặt hàng như: bắp, thịt heo, trứng, rau… được Foodshare Market bán dạng combo theo tinh thần "chia sẻ" để mọi người cùng vượt qua dịch bệnh.

"Trước đây, Food Bank Việt Nam nhận thực phẩm từ nhà tài trợ rồi đưa về kho, sau đó phân phối đến những nơi cần. Bây giờ, nhờ công nghệ, bên cho và bên nhận sẽ được kết nối trực tiếp, giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian. Trong đó, sàn thương mại điện tử thực phẩm sẻ chia Foodshare Market đã được triển khai và phát huy hiệu quả rất lớn trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua" - ông Khởi nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Từ ứng dụng hỗ trợ đến dự án tiềm năng" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.