Vì sao Bộ Giao thông vận tải "bác" kiến nghị về giá vé máy bay?

23/06/2023 16:02

(NLĐO) - Trước kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng không về bỏ giá trần vé máy bay, Bộ Giao thông vận tải cho rằng khi không còn quy định giá trần, các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế hoặc trong các giai đoạn cao điểm

Quan điểm này được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nêu rõ trong văn bản trả lời các kiến nghị của Hiệp hội vận tải hàng không (VABA) liên quan đến kiến nghị bỏ quy định về giá trần đối với dịch vụ vận tải hàng không.

Vì sao Bộ Giao thông vận tải bác kiến nghị về giá vé máy bay? - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Lý giải về quan điểm trên, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay dịch vụ vận chuyển hàng không là một trong những dịch vụ có tác động với phạm vi rất lớn đến đời sống người dân, đến hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Quốc hội "chốt" áp giá trần vé máy bay, sách giáo khoa

"Việc không quy định giá trần có nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết và để doanh nghiệp cung cấp dịch vụ toàn quyền quyết định giá cung cấp dịch vụ. Khi sửa theo hướng không còn quy định giá trần thì các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé ở mức cao, nhất là một số tuyến có cạnh tranh hạn chế hoặc trong các giai đoạn cao điểm, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng" - lãnh đạo Bộ GTVT nhận định.

Bên cạnh đó, dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa vẫn đang là một trong các dịch vụ thuộc loại có thị trường cạnh tranh hạn chế và vẫn đang thuộc tiêu chí do Nhà nước định giá theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật Giá. Hiện chỉ có 5 hãng hàng không tham gia thị trường, thị phần vận chuyển hàng không nội địa cũng vẫn có các doanh nghiệp chiếm thị phần trên 30% - chiếm vị trí thống lĩnh thị trường.

Về mặt dài hạn, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng khi khả năng cung ứng của vận tải hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội; thị trường hàng không có sự tham gia đa dạng của nhiều hãng hàng không Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng dịch vụ, hành khách được quyền lựa chọn theo nhu cầu, khả năng thì khi đó đề xuất bỏ quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa là phù hợp.

Theo đó, nhà nước sẽ thực hiện quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT đưa ra là việc dỡ bỏ dần quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa cần có lộ trình và trong giai đoạn trước mắt, để tôn trọng và bảo đảm quyền định giá của doanh nghiệp, trong dự thảo Luật giá đã kịp thời hoàn chỉnh theo hướng chuyển từ quy định khung giá sang quy định giá tối đa nhằm tạo cơ chế khuyến khích cạnh tranh lành mạnh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Trong quá trình tham gia góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ GTVT có các văn bản gửi Bộ Tài chính về giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, Bộ GTVT có quan điểm đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật Giá: "Dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa: Bộ GTVT quyết định giá tối đa, hãng hàng không quyết định giá cụ thể".

Ngày 19-6-2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá, với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, trong đó Quốc hội thông qua quy định giá trần và bỏ giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Bộ Giao thông vận tải "bác" kiến nghị về giá vé máy bay?" tại chuyên mục TIÊU DÙNG. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.