Vì sao Tiến Dũng thất bại, Tấn Trường thành công?

23/10/2020 07:57

Cùng xuất phát với tư cách thủ môn dự bị ở CLB Hà Nội, Bùi Tấn Trường đã chiếm được vị trí chính thức, điều mà người đàn em Bùi Tiến Dũng không làm nổi khi còn ở đây.

Bình luận
Tan Truong Tien Dung anh 1

Lần đầu tiên kể từ khi Dương Hồng Sơn giải nghệ cuối năm 2015, CLB Hà Nội mới lại có một thủ môn đẳng cấp, một lựa chọn không thể tranh cãi trong khung gỗ.

Người CLB Bình Dương bắt chính tại CLB Hà Nội

V.League 2020 chứng kiến hai bản hợp đồng đặc biệt của CLB Hà Nội mang tên Bùi Tấn Trường và Lê Tấn Tài. Cả hai đều lớn tuổi, đều chỉ đến vào giữa mùa và đều là người cũ của CLB Bình Dương, đối trọng lớn nhất trong lịch sử CLB Hà Nội tại V.League. Việc hai cựu cầu thủ Bình Dương gia nhập CLB Hà Nội vốn đã là điều gì đấy đặc biệt. Việc họ khẳng định được vị trí, chiếm suất đá chính chỉ sau thời gian ngắn lại càng đặc biệt hơn.

Tấn Trường gia nhập CLB Hà Nội cuối tháng 5. Ngày 24/6, anh có trận bắt chính đầu tiên khi Hà Nội gặp lại chính Bình Dương. Hôm đó, đội bóng thủ đô thắng 2-0. Từ đó về sau, Tấn Trường chỉ một lần ngồi ngoài khi CLB Hà Nội thua đối thủ Sài Gòn hôm 30/6. Anh đẩy Văn Công lên ghế dự bị, không cho thủ môn này vào sân thêm lần nào tại V.League.

Những thống kê lý giải rõ ràng chiến thắng của Tấn Trường.

Tan Truong Tien Dung anh 2

Thống kê của Bùi Tấn Trường và Nguyễn Văn Công tại V.League 2020. Đồ họa: Minh Phúc.

6 lần Văn Công bắt chính ở V.League, đội Hà Nội để thủng lưới 5 trận. 9 lần kế tiếp với Tấn Trường, đội bóng chỉ 4 trận thủng lưới. Bàn thua trung bình của Văn Công là 1,3 bàn/trận, con số tương tự của Tấn Trường là 0,5 bàn/trận.

Khi Cúp Quốc gia trở lại, Văn Công cũng chỉ được ra sân trước Cần Thơ ở tứ kết. Khi đội bóng gặp các đối thủ mạnh như CLB TP.HCM và Viettel, Tấn Trường là người được chọn.

Đương nhiên, thống kê của hai thủ môn còn bị tác động bởi phong độ hàng phòng ngự, phong độ CLB. Nhưng chênh lệch quá lớn giữa Tấn Trường và Văn Công còn được thể hiện ở những khía cạnh khác. 6 trận Văn Công bắt chính, CLB Hà Nội chỉ có 2 chiến thắng, trải qua giai đoạn khó khăn nhất mùa với đỉnh điểm là những thất bại muối mặt trước SLNA và CLB Sài Gòn. Nhìn đội bóng hồi đầu mùa, giới chuyên môn đều cho rằng đây là CLB Hà Nội tệ nhất, hàng thủ tệ nhất của đội bóng nhiều năm qua.

Từ khi Tấn Trường xuất hiện, đội bóng đã bất bại 9 trận V.League. Thủ thành sinh năm 1986 là điểm tựa cho thời kỳ hồi sinh của đội bóng thủ đô. Anh giữ gôn trong những thắng lợi hủy diệt trước CLB TP.HCM, HAGL, ra sân khi CLB Hà Nội giành danh hiệu tại Cúp Quốc gia. Sự xuất sắc của Tấn Trường, sự trưởng thành của những hậu vệ trẻ như Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân, Đặng Văn Tới là điểm tựa cho hành trình hồi sinh của CLB Hà Nội. Có họ ở phía sau, Quang Hải, Nguyễn Văn Quyết mới yên tâm nhảy múa trên hàng công.

Bản thân Tấn Trường đã vượt qua một Văn Công hoàn toàn khỏe mạnh, không gặp chấn thương nào, đang tập luyện ổn định suốt thời gian qua. Thành tựu của thủ môn 35 tuổi ấn tượng vì anh là người mới, đã nghỉ thi đấu suốt nửa năm, gia nhập đội bóng có lối chơi đặc thù bậc nhất V.League và chiến thắng một thủ môn trưởng thành từ chính lò đào tạo trẻ của CLB.

Tan Truong Tien Dung anh 3

Đến CLB Hà Nội mới vài tháng, Tấn Trường đã có danh hiệu đầu tiên, có vị trí chính thức, nhận được sự tôn trọng từ các đồng đội và người hâm mộ. Ảnh: Minh Chiến.

Nhìn Tấn Trường mà tiếc cho Tiến Dũng

Những gì Tấn Trường đang thể hiện tại CLB Hà Nội cho thấy hai điều.

Thứ nhất, luôn tồn tại cơ hội cho những cầu thủ dự bị tại đội bóng thủ đô, điều mà Bùi Tiến Dũng từng có nhưng không tận dụng được.

Sau khi thủ thành “con nhà nòi” Trần Anh Đức biến mất ở mùa giải 2017, vị trí thủ môn luôn được xem là điểm yếu nhất trong đội hình CLB Hà Nội. Trong một đội hình toàn các tuyển thủ quốc gia và ngoại binh đẳng cấp, khung gỗ của đội bóng lại chỉ được bảo vệ bởi Nguyễn Văn Công hoặc Phí Minh Long. Họ không phải những thủ môn kém nhưng rõ ràng không cùng đẳng cấp với Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Đỗ Duy Mạnh ở phía trên. Hạn chế ở vị trí này luôn bị che lấp bởi sự vượt trội từ phần còn lại của đội bóng. Nhưng trong khó khăn của mùa giải 2020, hạn chế ấy đã bộc lộ tương đối rõ ràng.

HLV Chu Đình Nghiêm và ban huấn luyện không phải không biết những điều đó. Từ năm 2019, đội bóng đã liên tục mua về và đôn lên các thủ môn trẻ. Đầu mùa 2019, Bùi Tiến Dũng chuyển tới từ Thanh Hóa. Giữa mùa, thủ môn U19 Việt Nam Nguyễn Bá Minh Hiếu được gọi về đội một. Giữa mùa này, tới lượt Tấn Trường được đưa về. Đó là chưa kể Phí Minh Long, cựu thủ môn U23 Việt Nam, người đã nhận được rất nhiều cơ hội cả tại đội tuyển lẫn CLB Hà Nội suốt những năm qua.

Tiến Dũng, Minh Long đều đã được trao cơ hội. Nhưng không ai chinh phục thành công ban huấn luyện. Đến khi Tấn Trường gia nhập, anh mới làm được điều mà những người đàn em đã thất bại.

Chia sẻ với Zing, HLV Trần Bình Sự, thầy cũ của Tấn Trường ở Bình Dương, cho rằng: “Phong độ khác biệt giữa hai người chính là vấn đề. CLB Hà Nội đâu phải không tạo điều kiện cho Tiến Dũng. Họ có tạo cơ hội nhưng Dũng không nắm được cơ hội đó. Sự kiên trì của HLV cũng chỉ có mức độ, không nắm được cơ hội thì phải chấp nhận lui về phía sau. Còn về Tấn Trường và Văn Công. Nếu Trường bắt không tốt, chắc HLV không bao giờ để anh ta bắt tiếp. Chính bởi anh ta bắt ổn định, anh ta mới lấy được vị trí số một”.

Tan Truong Tien Dung anh 4

Sai lầm của Bùi Tiến Dũng trong trận CLB Hà Nội gặp TP.HCM ở bán kết Cúp Quốc gia. Ảnh: Minh Chiến.

Thứ hai, những gì Tiến Dũng thể hiện mùa trước tại CLB Hà Nội và mùa này ở đội TP.HCM càng chứng minh khả năng của anh. Cả lúc ít được thi đấu lẫn khi vào sân liên tục, Dũng đều không thể hiện được khả năng. Anh liên tục mắc sai lầm tại CLB Hà Nội, là nhân vật chính trong những thất bại vỡ mặt của đội TP.HCM như 0-3 trước đội Hà Nội, 2-5 trước HAGL.

Nhìn cách HLV Chung Hae-seong trọng dụng Công Phượng, cách ông trao cơ hội cho người mới Lâm Ti Phông, Tiến Dũng có lẽ chỉ nên trách chính mình. Không có nhiều CLB, không có nhiều HLV “rộng rãi” như thế.

Chiến thắng của Tấn Trường trước Văn Công, việc anh làm được điều mà Tiến Dũng không thể là minh chứng cho thấy ở vị trí thủ môn, vấn đề không nằm ở tuổi tác. Đẳng cấp của một tuyển thủ quốc gia, kinh nghiệm đỉnh cao vượt trội giúp Tấn Trường trở lại vị trí số một ở tuổi 35.

Hiện tượng Tấn Trường tiếp tục là nét chấm phá thú vị trong một mùa giải V.League ngọt ngào của những “ông già”. Ngoài Trường, Tấn Tài cũng đá chính, tỏa sáng ở tuyến giữa của CLB Hà Nội. Anh Đức được HAGL trọng vọng, trong khi Nam Định đón Phùng Văn Nhiên. Hoàng Vũ Samson và Đỗ Merlo cũng đang mang băng thủ quân ở CLB của họ.

Tan Truong Tien Dung anh 5
Highlights CLB Viettel - Bình Dương: Chủ nhà bảo vệ ngôi đầu Bàn thắng trên chấm 11 m của Bruno Cantanhede giúp đội chủ nhà Viettel hạ Bình Dương với tỷ số tối thiểu ở vòng 3 giai đoạn hai V.League tối 19/10.

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao Tiến Dũng thất bại, Tấn Trường thành công?" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.