Theo đó, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex vừa công bố thông tin bất thường về việc nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho 3 công ty mua, nhận chuyển nhượng cổ phần dẫn đến trở thành cổ đông lớn của ngân hàng thương mại này.
Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh dự kiến nhận chuyển nhượng hơn 39,29 triệu cổ phần PG Bank, tương đương 13,099% cổ phần có quyền biểu quyết.
Công ty CP Quốc tế Cường Phát dự kiến nhận chuyển nhượng hơn 40,62 triệu cổ phần PG Bank, tương đương 13,541% cổ phần có quyền biểu quyết.
Có 3 công ty sẽ trở thành cổ đông lớn của PG Bank
Công ty CP thương mại Vũ Anh Đức dự kiến nhận chuyển nhượng hơn 40 triệu cổ phần PG Bank, tương đương 13,359% cổ phần có quyền biểu quyết tại ngân hàng này.
Như vậy, 3 công ty trên mua, nhận chuyển nhượng tổng cộng 119 triệu cổ phần PG Bank.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các công ty này không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để nhận chuyển nhượng cổ phần của PG Bank; không được góp vốn, mua cổ phần ngân hàng này dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định…
Dự kiến tháng 10 này, PG Bank sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2023 để kiện toàn nhân sự thuộc Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; tăng vốn điều lệ; thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính ngân hàng cũng như thông qua phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025…
Liên quan đến cổ phiếu PGB của PG Bank, kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 6-9, mã PGB giảm nhẹ về 29.600 đồng. Khối lượng giao dịch mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đơn vị. Khối lượng trung bình trong 10 ngày qua khoảng 28.400 cổ phiếu.
Trước đó, hồi đầu tháng 7-2023, PGB từng có phiên giao dịch với khối lượng thỏa thuận trong 3 phiên lên tới khoảng 109 triệu cổ phiếu, trong đó riêng ngày 11-7 khối lượng giao dịch thỏa thuận hơn 96,63 triệu cổ phiếu với giá trị trên 2.000 tỉ đồng.