Tháng 5/2023, anh Phạm Văn Hải (Nam Định) vay của người thân 5 lượng vàng miếng SJC để bán lấy tiền mua ô tô. Thời điểm đó, các đơn vị thu mua vàng miếng với giá hơn 66 triệu đồng/lượng, số vàng anh Hải vay mượn được quy đổi thành hơn 330 triệu đồng tiền mặt.
Cùng với số tiền có sẵn, anh Hải mua một chiếc xe ô tô trị giá hơn 600 triệu đồng để phục vụ công việc. Anh dự tính, nếu kinh doanh thuận lợi thì khoảng 1 năm sau anh sẽ mua lại 5 lượng vàng để trả khoản nợ đã vay.
“Thời điểm đó, giá vàng lên tới 66 triệu đồng tôi nghĩ đã là ở mức đỉnh rồi, bởi chưa bao giờ giá cao như thế. Tôi dự đoán trong vòng 1 năm giá sẽ giảm trở lại, hoặc đi ngang, xấu nhất là tăng không đáng kể. Vì vậy, khi hứa hẹn sau 1 năm sẽ trả nợ, tôi không hề quá lo lắng”, anh Hải kể lại.
Nhưng điều mà anh Hải không ngờ tới là giá vàng không chỉ không giảm mà còn liên tục tăng phi mã, khiến cho khoản nợ của anh phình to chỉ sau một thời gian ngắn mua xe. Có thời điểm giá lên tới hơn 90 triệu đồng/lượng khiến anh Hải hoang mang tột độ, bởi lúc đó, khoản nợ 330 triệu đồng của anh đã lên tới hơn 460 triệu đồng. Chỉ ít tháng, anh Hải nguy cơ phải chịu khoản lỗ tới 130 triệu đồng.
“Cũng may lúc đó khoản nợ chưa đến hạn phải trả, tôi mất ăn mất ngủ để theo dõi giá vàng từng ngày. Hiện giờ, khi giá vàng được Nhà nước can thiệp và bình ổn hơn tôi đã bớt lo lắng. Tuy nhiên, so với 1 năm trước, số tiền tôi phải bỏ ra để mua 5 lượng vàng trả nợ cũng vẫn cao hơn rất nhiều.
Hiện mỗi lượng vàng được mua vào ở mức 78,3 triệu đồng/lượng. Như vậy, khoản nợ của tôi là hơn 390 triệu đồng, cao hơn lúc vay 60 triệu đồng. Đúng là người tính không bằng trời tính. Cứ nghĩ vay vàng để né trả lãi suất ngân hàng thì giờ vẫn phải mất hàng chục triệu đồng để trả tiền chênh lệch", anh Hải ngao ngán nói.
Anh nói thêm, chỉ sau 1 năm, chiếc ô tô mới mua đã mất giá khoảng 80 triệu đồng, cùng với đó là khoảng hơn 60 triệu đồng tiền vàng lên giá khiến anh Hải phải chịu khoản lỗ gần 150 triệu đồng khi vay vàng để mua ô tô.
Tương tự, anh Quách Hà Đương (Thanh Trì, Hà Nội), hơn 1 năm trước vay 8 lượng vàng miếng SJC và 1 lượng vàng nhẫn để bán lấy tiền mua nhà. Thời điểm đó, anh Đương bán số vàng này được gần 600 triệu đồng.
Nhưng hiện tại, số tiền anh Đương phải bỏ ra để mua lại 8 lượng vàng miếng và 1 lượng vàng nhẫn rơi vào khoảng 715 triệu đồng. Trong khi số tiền tiết kiệm để dự trữ mua vàng trả nợ mới chỉ có khoảng 200 triệu đồng, việc này khiến anh Đương vô cùng đau đầu.
“Số tiền bán vàng lúc vay chỉ là gần 600 triệu đồng, nhưng hiện số tiền phải mua vàng để trả đã lên tới 715 triệu. Chỉ hơn 1 năm, khoản nợ lên tới 115 triệu đồng. Thật là khó nuốt trôi quả đắng này” , anh Đương nói.
Chưa kể mặc dù đã có tiền mặt trong tay nhưng để có thể mua đủ 6 lượng vàng miếng trả nợ không hề dễ. Những ngày vừa qua, anh Đương đã đăng ký mua vàng miếng tại các điểm bán vàng bình ổn của Ngân hàng Nhà nước nhưng không thể được. Nguyên nhân là anh thường chậm chân khi đăng ký qua website, hơn nữa mỗi người cũng chỉ được mua 1 lượng vàng/lần đăng ký. Trong khi đó, các cửa hàng lớn đang tạm ngừng bán vàng miếng.
Sốt sắng trả nợ, anh Đương phải tìm tới "chợ đen" để tìm mua vàng miếng SJC, tuy nhiên, mức giá tại các điểm bán này cao hơn tới 4 triệu đồng/lượng so với giá bình ổn. Như vậy, với việc mua vàng tại chợ đen, anh Đương sẽ lại tiếp tục chịu lỗ thêm gần 30 triệu đồng.
" Nếu không mua ở thị trường tự do thì không biết bao giờ mới mua đủ vàng để trả nợ, trong khi người cho vay giục hàng ngày vì họ cũng cần và có lẽ muốn tranh thủ giá đang cao để bán chốt lời. Vì vậy, tôi đành phải "cắn răng" mua đắt để trả nợ, giữ uy tín với người thân ", anh Đương buồn bã nói.
Nói về việc nhiều người vay bằng vàng thiệt hại nặng khi trả nợ do vàng tăng giá quá cao, theo các chuyên gia, nếu là tình huống bắt buộc thì đành chịu, còn với những người muốn đầu tư nhưng lại không hiểu rõ về cơ chế thị trường thì đây là bài học đắt giá.
Thực tế, có không ít người mượn, vay vàng để đầu tư bất động sản với suy nghĩ giá bất động sản lúc nào cũng sẽ tăng nhanh và cao hơn vàng, cứ vay đi rồi sẽ có lời. Nhưng vàng là tài sản đầu tư mang tính rủi ro cao, có thể tăng giảm thất thường trong ngắn hạn. Trong khi đó, bất động sản thì không phải lúc nào cũng sốt hoặc muốn bán là đẩy đi ngay được.
Vì thế, chỉ nên đầu tư khi đã cân đối được phần lớn tài chính, dự báo được những rủi ro nếu có và phương pháp giải quyết những rủi ro đó.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: " Vàng là kênh đầu tư đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ. Nếu không cần thiết thì không tội gì nhảy vào vàng lúc này để gặp rủi ro rất lớn, mà rủi ro ấy ngoài tầm kiểm soát ".
Theo chuyên gia, cần hạn chế vay vàng vì nhiều năm gần đây, giá vàng thường xuyên biến động rất nhanh và liên tục, người vay có thể trở tay không kịp khiến khoản nợ ngày càng tăng theo.