Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ siết chặt hoạt động thủy điện

Admin

14/11/2020 21:41

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành để tham mưu cho Chính phủ siết chặt quản lý thủy điện nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của nó tới môi trường và đời sống người dân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ siết chặt hoạt động thủy điện

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành để tham mưu cho Chính phủ siết chặt quản lý thủy điện nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của nó tới môi trường và đời sống người dân.

Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các vấn đề kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch năm 2021.

Việt Nam có 429 đập thủy điện

Theo TTXVN, giải trình về vấn đề phát triển thủy điện gắn với bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến một nội dung mà dư luận đang rất quan tâm là câu chuyện thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến bão, lũ, ngập lụt.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng những tác động từ việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật, mất độ kết dính đất là những vấn đề do tác động của con người thông qua các dự án thủy điện cũng như các dự án khác, điều này là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và những yếu tố thời tiết cực đoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng phải xác định việc ứng phó với thiên tai, bão lũ là câu chuyện mới và phải đặt công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra cảnh báo, dự báo cụ thể hơn nữa.

tm-img-altBộ trưởng Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Liên quan đến thủy điện, Bộ trưởng cho biết hiện Việt Nam có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện quy mô khác nhau, với dung tích trữ nước khoảng 56 tỉ m3, công suất 20.000MW, chiếm 37% công suất cấp phát toàn quốc. Đây là nguồn năng lượng quan trọng, phục vụ nhu cầu năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năng lượng thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo có mức độ ô nhiễm ít, độ ô nhiễm không khí, rác thải nhà kính gần như không có. Chính vì vậy, việc quản lý và khai thác nguồn năng lượng này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả của nó là nhiệm vụ quan trọng.

Bộ trưởng cũng khẳng định thủy điện có cả những mặt tích cực và hạn chế tùy thuộc vào cách quản lý và chính sách xử lý các vấn đề liên quan; nguồn điện từ thủy điện đóng góp rất quan trọng vào cơ cấu điện của đất nước, giúp phát triển kinh tế địa phương cũng như đóng góp vào sự phát triển của hệ thống điện và năng lượng cả nước, phục vụ cho các tổ chức kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động vào môi trường; tiếp tục bổ sung nguồn quan trọng cho chiến lược năng lượng tương lai.

Ngoài chức năng phát điện, hồ chứa nước của các đập thủy điện còn có tác dụng tích nước, tùy vào công suất có thể cắt xả lũ, điều tiết lũ cũng như phục vụ các yếu tố phát triển khác của các địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng không phủ nhận những tác động tiêu cực từ thủy điện, đặc biệt là tác động vào môi trường đất, nước và khí hậu cũng như đời sống dân sinh. Thực tế có rất nhiều dự án thủy điện xảy ra tình trạng chiếm dụng đất rừng, ảnh hưởng đến chức năng rừng đầu nguồn trong phòng chống lũ, bão cũng như tác động đến môi trường.

Từ năm 2016 đến nay, không bổ sung bất cứ dự án thủy điện nhỏ nào

Vì giữ vai trò vô cùng quan trọng nên thủy điện đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, từ sau Nghị quyết 62 của Quốc hội ban hành cuối năm 2013 và sau đó là Nghị quyết 11 của Chính phủ về thực hiện Nghị quết 62 của Quốc hội thì công tác về phát triển thủy điện nói chung cũng như quản lý an toàn đập, hồ thủy điện và vận hành của các công trình thủy điện đã được đảm bảo ở mức mới.

“Hàng năm, đều có các cuộc kiểm tra giám sát, báo cáo đầy đủ về độ an toàn của đập hồ thủy điện, sự vận hành hệ thống các công trình thủy điện và trong việc tham gia phòng chống lũ bão, thực hiện phòng chống thiên tai tại địa phương”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định từ năm 2016 đến nay, không bổ sung bất cứ dự án thủy điện nhỏ nào. Bên cạnh đó, các dự án thủy điện được bổ sung từ 2016 đến nay không có dự án nào sử dụng đất rừng tự nhiên, cho thấy việc thực thi chính sách rất chặt chẽ, nghiêm túc.

"Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện nhỏ. Đồng thời, đưa ra khỏi quy hoạch 8 dự án điện bậc thang, 213 điểm tiềm năng phát triển thủy điện cũng được đưa ra khỏi quy hoạch"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

tm-img-altHình ảnh ngập lụt tại Quảng Bình. (Ảnh: VGP)

Liên quan đến việc vận hành của các đập thủy điện và an toàn hồ đập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin, chúng ta đã có hàng loạt công cụ pháp lý như Luật Xây dựng, Luật Điện Lực, Luật Bảo vệ tài nguyên nước, Luật Phòng chống thiên tai bão lũ… Nghị định 114 mới đây về bảo đảm an toàn của hồ đập thủy điện, hồ thủy điện đã phân cấp, xác định rõ trách nhiệm quy trình đảm bảo yếu tố này.

Bên cạnh đó, Thông tư 47 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn và yêu cầu các chủ đập phối hợp với chính quyền địa phương phải thiết lập các hệ thống giám sát, quan trắc tự động về khí tượng thủy văn, đo mưa và giám sát việc vận hành căn cứ trên lượng mưa về nhà máy, lượng xả từ đập xuống hạ du đảm bảo không vượt quá lượng nước về hồ. Ngoài ra, bản đồ ngập lụt của các vùng hạ du cũng là yếu tố quan trọng để yêu cầu các chủ dự án thủy điện báo cáo địa phươngtrong việc điều tiết quy trình liên hồ đảm bảo xả lũ an toàn.

“Dù công cụ pháp lý trong việc quản lý vận hành các dự án thủy điện đã tương đối đầy đủ nhưng tại một số địa phương việc thực thi pháp luật chưa nghiêm như tại thủy điện Hố Hô năm 2016 xả lũ gây ngập lụt hạ du. Cơ quan chức năng đã xử lý kiên quyết, thu giấy phép hoạt động của dự án này đồng thời xử phạt nghiêm khắc” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận.

Liên quan đến tình hình lũ lụt tại một số tỉnh miền Trung diễn ra vừa qua, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc sạt lở đất gây tổn hại nghiêm trọng về người và của ở Quảng Trị, Quảng Nam, Huế gắn chặt với yếu tố dị thường và cực đoan của thời tiết. Sự tác động của thủy điện cũng không thể phủ nhận nhưng ở chừng mực nhất định.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các địa phương, bộ ngành để tham mưu cho Chính phủ siết chặt quản lý thủy điện nhằm hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của nó tới môi trường và đời sống người dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thủy điện nhỏ có thể thành “bom nổ chậm” trong tương lai

Nêu vấn đề trong phần tranh luận với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại Quốc hội, theo VTCNews, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, các bộ, ban ngành cần có tầm nhìn dài hạn về việc xây dựng và quản lý các công trình thủy điện nhỏ.

"Nguồn tài lực nào, nguồn nhân lực nào quản lý chúng. Tôi thấy ngay từ bây giờ khi xây dựng chúng ta phải thấy được kết cục nó như thế nào. Chắc chắn đó là di sản mà con cháu chúng ta phải lo", ông Dương Trung Quốc phát biểu.

tm-img-altĐại biểu Dương Trung Quốc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Cũng như một số loại năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hiện nay, như ta thấy hàng vạn mét vuông pin điện mặt trời khi trở thành rác, không sử dụng nữa sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm thế nào. Tôi nghĩ ngay bây giờ Bộ Công Thương, ngành tài nguyên môi trường phải quan tâm đến, phải có chế tài bảo đảm chúng ta có nguồn lực giải quyết vấn đề hậu họa như thế".

Chung quan điểm, bà Vũ Thị Lưu Mai - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách - ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, con người đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên.

"Thời gian qua tất cả chúng ta đều bàng hoàng đau xót trước sự ra đi của các lực lượng cứu hộ và người dân. Vẫn biết thiên tai vô thường và thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng rõ ràng có nguyên nhân từ con người. Chúng ta đã và đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, cái giá phải trả là quá đắt", vị nữ đại biểu cho biết.

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiến hành tổng rà soát lại các dự án thủy điện trên cả nước, đánh giá tác động của các dự án này để có giải pháp quản lý bền vững.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại nghị trường ngày 3/11, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt xây dựng với quy mô khác nhau, cùng với nhu cầu phát triển hạ tầng khiến hàng chục nghìn ha đầu nguồn mất đi. Điều này là nguyên nhân chính xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Còn các đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk), Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) đề nghị phải gắn vấn đề an ninh năng lượng với công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt. Từ đó có giải pháp toàn diện hơn về việc bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, an toàn hồ đập, vấn đề xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, vấn đề quy hoạch xây dựng hạ tầng.

Đại biểu Phan Thái Bình, (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước, đánh giá tác động của các dự án này như thế nào đến môi trường. Từ đó có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập và có thông tin rộng rãi để nhân dân yên tâm.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết "Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sẽ siết chặt hoạt động thủy điện" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.