Ngân hàng lãi nghìn tỷ từ bán bảo hiểm

Admin

14/11/2020 16:30

Báo cáo tài chính các ngân hàng chỉ ra hoạt động bán bảo hiểm mới được đẩy mạnh 3-4 năm gần đây nhưng đã trở thành nguồn thu ngoài tín dụng lớn nhất tại nhiều đơn vị.

Vượt qua những dịch vụ ngân hàng truyền thống như tiền mặt, thanh toán, kinh doanh ngoại hối… bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) đang trở thành nguồn thu quan trọng nhất với các nhà băng Việt.

Trước năm 2017, kinh doanh bảo hiểm chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, bancassurance trở thành nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ với hàng trăm cho tới hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận thuần mỗi năm.

Trên thị trường hiện nay, những nhà băng đang thu nhiều lợi nhuận nhất từ hoạt động bancassurance là Vietcombank, MBBank, VIB, VPBank, Techcombank…

Nguồn thu nghìn tỷ của ngân hàng

Năm 2019, hoạt động bán bảo hiểm mang về cho Vietcombank hơn 2.635 tỷ đồng lãi thuần, tăng 27% so với năm liền trước và chiếm trên 60% tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của nhà băng này.

Đây là mảng kinh doanh dịch vụ lớn thứ 2 tại ngân hàng này chỉ sau dịch vụ thanh toán với doanh số gần 6.200 tỷ đồng trong năm. Tuy nhiên, nếu tính theo con số lãi thuần thu được, mảng bán bảo hiểm là hoạt động mang về nhiều lợi nhuận nhất.

Trong hoạt động kinh doanh của Vietcombank, từ khi được đẩy mạnh, bán bảo hiểm đã trở thành nguồn thu quan trọng nhất của ngân hàng với doanh số liên tục tăng qua từng năm và biên lãi thuần lớn.

Tuy không trình bày cụ thể số thu từ bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2020, nhưng lãi thuần từ bảo hiểm những năm trước đều chiếm trên 60% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ tại nhà băng này. Với số thu lãi dịch vụ 3 quý đầu năm nay đạt 3.540 tỷ, ước tính riêng lợi nhuận từ mảng bảo hiểm đã mang về cho Vietcombank trên 2.000 tỷ đồng. 

LAI_THUAN_HOAT_DONG_DICH_VU_NGAN_HANG1

 

Không riêng Vietcombank, bán bảo hiểm cũng đang là nguồn thu quan trọng nhất trong các hoạt động ngoài tín dụng của MBBank. Với hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn (gần 300 điểm) mỗi năm MBBank đều thu về hàng nghìn tỷ từ hoạt động bán bảo hiểm cho MIC và MB Ageas Life.

Năm 2019, tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của nhà băng này đạt 3.186 tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ, trong đó, 2.465 tỷ (tương đương 77%) đến từ bán bảo hiểm. Riêng lãi thuần từ hoạt động bán bảo hiểm năm gần nhất của MBBank đã tăng tới 62% so với cùng kỳ, đóng góp chính vào mức tăng chung của mảng dịch vụ.

Ba quý đầu năm nay, mảng bảo hiểm tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động dịch vụ của ngân hàng với 2.135 tỷ lãi thuần, tăng 25% và chiếm 86% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ. Hiện tại, MBBank cũng đang là kênh phân phối bảo hiểm lớn nhất của MIC và MB Ageas Life với khoảng 85-90% doanh thu mỗi năm.

Ghi nhận lãi trước thuế tăng mạnh những năm gần đây là VIB, ngoài mức từ hoạt động tín dụng, bán bảo hiểm cũng đóng góp động lực lớn vào đà tăng chung kết quả kinh doanh của nhà băng này.

Năm 2018, lãi thuần bán bảo hiểm mới đóng góp khoảng 22% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của VIB. Tuy nhiên, số này đã tăng lên 54% vào 1 năm sau đó (2019) khi VIB ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm với Prudential. Từ đó đến nay, VIB là đơn vị chiếm gần 80% thị phần phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng của công ty bảo hiểm này. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại VIB trong năm 2018 đã tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016.

Screen Shot 2020-11-13 at 06.35.45

 

Năm 2019, lãi thuần từ hoạt động bán bảo hiểm của ngân hàng này đạt 972 tỷ đồng, tăng 508% và là nguyên nhân chính giúp lãi thuần dịch vụ tăng 144% cả năm, đạt gần 1.800 tỷ. Như vậy, riêng lãi từ bán bảo hiểm đã đóng góp trên 50% tổng lãi thuần hoạt động dịch vụ của VIB.

Trong 9 tháng năm nay, VIB ghi nhận 1.637 tỷ lãi thuần dịch vụ, tăng 28%. Trong đó, số thu từ bán bảo hiểm là 821 tỷ, cũng chiếm trên 50%.

Tại hàng loạt ngân hàng có hoạt động bán chéo bảo hiểm, đây cũng đang là nguồn thu quan trọng trong cơ cấu thu dịch vụ như VPBank (chiếm gần 45%); TPBank (60%); HDBank (65%); LienVietPostBank, OCB, SeABank cùng ở mức trên 70%...

Khoản tiền "lót tay" nghìn tỷ

Ngoài khoản doanh thu và lợi nhuận lớn đến từ việc bán chéo sản phẩm cho các công ty bảo hiểm nhân thọ, các ngân hàng khi ký hợp đồng phân phối độc quyền cho các hãng bảo hiểm lớn cũng nhận được những khoản tiền “lót tay” trị giá hàng nghìn tỷ đồng tùy quy mô phân phối.

Cuối năm 2019, hãng tin Bloomberg ước tính giá trị của giao dịch hợp tác giữa Tập đoàn Bảo hiểm FWD và Vietcombank lên tới 1 tỷ USD. Trong đó, hãng bảo hiểm đến từ Hong Kong phải chi trả ngay cho Vietcombank 400 triệu USD như một phần của giao dịch chuyển nhượng vốn góp tại liên doanh Vietcombank-Cardif (VCLI).

Hợp đồng chuyển nhượng vốn này đi kèm cam kết độc quyền phân phối bảo hiểm của FWD trong vòng 15 năm từ Vietcombank. Sau giao dịch, FWD sẽ hợp nhất VCLI vào hoạt động kinh doanh hiện có tại Việt Nam. 

tien_mat_1111

Bloomberg ước tính giá trị thương vụ hợp tác bán bảo hiểm giữa FWD và Vietcombank có giá trị lên tới 1 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank đánh giá thỏa thuận hợp tác giữa ngân hàng và FWD là thương vụ lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay. Qua việc hợp tác này, Vietcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng phân phối bảo hiểm số một thị trường trong nước.

Trước đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chứng kiến nhiều thương vụ hợp tác giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng. Trong đó, Sacombank ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền cho Dai-ichi Life; Techcombank phân phối độc quyền cho Manulife; VietinBank hợp tác với Aviva; LienVietPostBank, SHB và HDBank ký với Dai-ichi Life; NCB và Prévoir Việt Nam; VietABank với Chubb Life Việt Nam… Những gói hợp tác này đều có thời hạn phổ biến 15-20 năm.

Nhiều ngân hàng sau khi ký kết cũng nhận ngay một khoản lợi nhuận đột biến trong mảng dịch vụ nhờ khoản phí hoa hồng trả ngay từ công ty bảo hiểm.

Cụ thể, năm 2017, Techcombank ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife trong 15 năm. Thương vụ này đi kèm kỳ vọng doanh thu phí bảo hiểm của Manulife qua kênh phân phối Techcombank sẽ đạt hơn 10.000 tỷ đồng sau 5 năm. Cuối năm 2017, báo cáo tài chính Techcombank ghi nhận khoản lãi đột biến hơn 3.800 tỷ từ mảng dịch vụ.

Cùng năm, Bảo hiểm AIA và VPBank cũng ký thoả thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền trong 15 năm. Báo cáo tài chính của ngân hàng đến cuối năm này ghi nhận 1.800 tỷ đồng doanh thu hoạt động khác trong quý IV/2017 và I/2018. Đồng thời, VPBank ghi nhận doanh thu từ mảng bán bảo hiểm đạt trên 2.000 tỷ/năm từ đó đến nay.

Theo báo cáo của Vietnam Report, bancassurance đang trở thành kênh phân phối bảo hiểm tiềm năng nhất của các hãng bảo hiểm từ 2019. Điều này thể hiện qua những thương vụ hợp tác quy mô lớn và tỷ trọng trong tổng doanh thu bảo hiểm tăng vọt.

Báo cáo cho biết lượng khách hàng tiếp cận bảo hiểm qua kênh ngân hàng ngày càng tăng và đứng thứ 2, chỉ sau tư vấn viên của các hãng bảo hiểm. Các chuyên gia tại đây cũng cho rằng xu hướng phát triển bancassurance sẽ ngày càng nóng hơn và thu hút nhiều khoản đầu tư lớn.

Tuy nhiên, Vietnam Report cũng chỉ ra hai vấn đề mà kênh bancassurance chưa giải quyết được đó là tỷ lệ hủy hợp đồng năm thứ 2 của khách hàng cao do nhân viên ngân hàng bị áp chỉ tiêu, đồng thời mức phí cắt lại cho ngân hàng quá lớn. Điều này khiến công ty bảo hiểm không có nhiều lợi nhuận từ các thương vụ hợp tác này.

Bên cạnh đó, kênh bancassurance tương tự như kênh đại lý được dự báo sớm cạn dư địa khách hàng thuận lợi và chỉ còn lượng khách khó khai thác. Khi đó, nếu chất lượng đội ngũ bán hàng không đủ tốt để khai thác sâu sẽ dẫn tới doanh thu sụt giảm. 

(Theo Zing) 

Bạn đang đọc bài viết "Ngân hàng lãi nghìn tỷ từ bán bảo hiểm" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.