Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định phụ nữ đang là những “người anh hùng thầm lặng”, đóng góp quan trọng cho mọi lĩnh vực đời sống quốc gia kể cả chính trị, y tế, nhân đạo, hòa bình hòa giải cũng như trong từng gia đình. Tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo ở ASEAN đạt tỷ lệ 35%. Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch thực hiện vừa được các Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Cấp cao ASEAN-37 đã ưu tiên lồng ghép giới và đáp ứng giới trong các hành động cụ thể.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: ASEAN cần đặt phụ nữ vào trọng tâm công cuộc tái thiết và phục hồi; tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ trong các quá trình đưa ra quyết sách, cũng như cần tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ...
Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN là một sự kiện vô cùng quan trọng và có ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới, 20 năm Nghị quyết đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ-hoà bình-an ninh và 5 năm triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững tới 2030...
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo, tại Đại hội đồng AIPA 41 vừa qua do Quốc hội Việt Nam làm Chủ tịch, nghị viện các nước ASEAN đã nhất trí thông qua Nghị quyết về “Vai trò của nữ nghị sĩ trong đảm bảo việc làm và thu nhập của lao động nữ”, trong đó kêu gọi các nước thành viên ASEAN tiến hành đánh giá kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm đảm bảo việc tiếp cận bền vững các cơ hội việc làm và thành quả việc làm tốt hơn cho lao động nữ, đặc biệt là nhóm yếu thế trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19; mong rằng ASEAN sẽ tiếp tục duy trì đà hợp tác trong lĩnh vực này để xây dựng một Cộng đồng ngày càng gắn kết, bền vững và bao trùm.
Sau gần 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, chúng ta đang hướng đến một Cộng đồng thống nhất, hòa bình, ổn định và cùng chia sẻ sự thịnh vượng, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng cho tất cả mọi người, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Đây là lúc chúng ta cùng nhìn lại để xác định những việc cần phải làm để xây dựng một Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 vững mạnh, thực sự giữ vai trò trung tâm và đóng góp các giải pháp thực chất cho việc giải quyết các thách thức đang đặt ra hiện nay ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN đã cho chúng ta thấy một thực tế là phụ nữ, vốn chiếm gần một nửa (48,7%) dân số trong độ tuổi lao động, có đóng góp đáng kể vào sự phồn vinh của khu vực này. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, tác động tiêu cực đến mọi người dân, giới phụ nữ chúng ta là người nắm tay hòm chìa khóa, đóng vai trò quan trọng trong quá trình khắc phục và vượt lên khỏi khủng hoảng.
Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN |
Để tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thiết thực của phụ nữ cho công cuộc phục hồi toàn diện và bền vững của ASEAN, cũng như trong củng cố và xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ một số đề xuất như:
- Bảo vệ người phụ nữ trước những hệ luỵ tiêu cực từ đại dịch. Như Ngài Chủ tịch ASEANđã đề cập trong phát biểu mở đầu, dù là lực lượng chủ chốt trong phòng chống đại dịch, song phụ nữ cũng nằm trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Do đó, để vượt qua đại dịch, điều kiện tiên quyết là chúng ta cần bảo đảm những quyền lợi chính đáng về kinh tế và sức khoẻ của người phụ nữ bằng những giải pháp hiệu quả và kịp thời. Đồng thời, chúng ta cũng cần bảo đảm các nỗ lực quốc tế, khu vực và quốc gia về bình đẳng giới tiếp tục được duy trì, thúc đẩy và không bị cản trở bởi đại dịch.
- Xây dựng và triển khai những chính sách phù hợp, qua đó bảo đảm người phụ nữ là nhân tố chủ chốt, và là đối tượng được hưởng thụ những thành quả từ quá trình phục hồi. Theo đó, ASEAN cần đặt người phụ nữ vào trọng tâm công cuộc tái thiết và phục hồi; tăng cường vai trò lãnh đạo và tiếng nói của phụ nữ trong các quá trình đưa ra quyết sách; và tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và củng cố sự tự cường của Cộng đồng trước những cú sốc bên ngoài.
- Đưa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thành một ưu tiên quan trọng trong tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau 2025. Trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của môi trường quốc tế và khu vực, ASEAN cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo và hiệu quả hơn để phát huy vai trò của người phụ nữ trên mọi phương diện, đồng thời tranh thủ tận dụng các lợi ích do tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số, mang lại để nâng cao năng lực và phát huy tiềm năng của người phụ nữ.
Để hiện thực hoá các mục tiêu đó, Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn cấp cao ASEAN về vai trò của phụ nữ đóng góp cho phục hồi toàn diện và bền vững vào năm 2021. Với sự tham dự của các lãnh đạo nữ trong khu vực, các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, học giả và doanh nghiệp, Diễn đàn sẽ đưa ra các khuyến nghị thiết thực để lồng ghép vào các chương trình hợp tác của ASEAN hiện nay, hỗ trợ triển khai Khuôn khổ phục hồi tổng thể ASEAN vừa được Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 thông qua, cũng như bổ trợ cho tiến trình xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025. Tôi mong các nước ASEAN, Liên hợp quốc, World Bank và các các tổ chức quốc tế sẽ ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong tổ chức sự kiện này.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã ghi nhận những nỗ lực không ngưng nghỉ của ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao nữ quyền và vai trò của phụ nữ và các em gái. Các cơ chế hợp tác của ASEAN về bình đẳng giới, thúc đẩy nữ quyền như Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW), Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC), Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN đang phát huy hiệu quả trong nội dung này. Nhiều đại biểu chỉ ra rằng ASEAN đã và đang hưởng lợi nhiều từ những thành quả này.
PV