TS. Cấn Văn Lực: Cần hướng đi mới cho gói kích thích kinh tế thứ hai

Admin

14/11/2020 21:41

Dẫn nguồn ndh.vn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Việt Nam nên triển khai gói kích thích kinh tế thứ hai bắt đầu từ cuối năm nay, với hướng đi mới nhằm giúp nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2021 trong bối cảnh việc kiểm soát dịch Covid-19 đạt kết quả khả quan.

- Để giúp nền kinh tế, doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng xấu do chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, đến nay Việt Nam triển khai 4 gói hỗ trợ, nhưng có ý kiến cho rằng kết quả mang lại chưa như mong đợi. Ông nghĩ sao?

- Đến thời điểm này, Việt Nam đã triển khai 4 gói hỗ trợ, với tổng giá trị thực mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng cam kết bỏ ra khoảng 181.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019. 4 gói hỗ trợ bao gồm: Gói hỗ trợ tài khóa với giá trị khoảng 73.100 tỷ đồng; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36.600 tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh - xã hội có giá trị khoảng 45.800 tỷ đồng; gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26.000 tỷ đồng, bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của EVN trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng.

Trong 4 gói hỗ trợ đó, thì gói tiền tệ, tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại rất chậm và còn vướng mắc, nên cần sớm khắc phục.

ts can van luc can huong di moi cho goi kich thich kinh te thu hai

TS. Cấn Văn Lực. Ảnh: NVCC.

- Ông vừa nói gói hỗ trợ về tiền tệ, tín dụng khả quan, nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp than phiền không tiếp cận được vốn tín dụng. Theo ông nguyên nhân của tình trạng này do đâu?

- Có 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể chưa đáp ứng được điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó các ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay, vì nếu làm như vậy sẽ dẫn đến rủi ro tiềm ẩn về lâu dài.

Thứ hai, một số doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa có được phương án kinh doanh khả thi, vì sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra. Điều này khiến các tổ chức tín dụng thận trọng cho doanh nghiệp vay vốn, mặc dù các ngân hàng rất muốn cho vay với lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây.

- Để khắc phục tình trạng trên, theo ông, có nên sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19?

- Cần sớm sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc sửa này nên theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ, cân nhắc thời điểm phải chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho các tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến…. Bước đi này sẽ góp phần khắc phục bất cập hiện nay để bên cho vay và đi vay vốn gặp nhau thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải thực sự có nhu cầu vay vốn với phương án kinh doanh khả thi, đồng thời đáp ứng được các điều kiện vay vốn mà tổ chức tín dụng đặt ra. Ngân hàng đang rất muốn cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp. Theo đó, 10 tháng, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt khoảng 6,5%, trong khi cùng năm 2019 đạt 10%. Điều này cho thấy các ngân hàng rất muốn đẩy tín dụng ra, nhưng đang gặp khó khăn do một mặt sức cầu vốn của nền kinh tế yếu, thứ nữa khả năng đáp ứng yêu cầu vay tín dụng của doanh nghiệp tương đối thấp.

Cùng với đó cần sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, trước mắt là hết năm 2020 hoặc hết quý II/2021, để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí.

Bên cạnh việc khắc phục các bất cập để triển khai hiệu quả gói kích thích kinh tế hiện có, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2). Gói hỗ trợ mới này có giá trị khoảng 150.000 tỷ đồng, tương đương 2,5% GDP có thể triển khai từ quý IV/2020 đến hết năm 2021, để tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp vượt khó khăn.

- Cách nào để gói giải hỗ trợ mới khi được triển khai thực sự mang lại hiệu quả sắc nét?

- Cùng với cần sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN theo hướng trên, gói hỗ trợ phải đảm bảo độ bao phủ đến cả doanh nghiệp nhỏ và lớn vì cả hai đều chịu tác động tiêu cực. Phải chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí nhận hỗ trợ.

Để mang lại hiệu quả cao, hướng triển khai gói hỗ trợ thứ hai cần có điểm mới so với gói hỗ trợ đầu. Theo đó, cần tạo điều kiện cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào các doanh nghiệp chịu tác động mạnh, có khả năng phục hồi và phát triển thông qua hình thức mua cổ phần hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Các khoản đầu tư này có thời hạn không quá 3-5 năm và phải có kế hoạch thoái vốn cụ thể, khả thi.

Cùng với tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần ban hành chính sách để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu. Cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công theo hướng đảm bảo chất lượng, tránh hình thức.

- Nếu triển khai gói kích thích kinh tế thứ hai được hiệu quả, ông dự báo thế nào về tăng trưởng GDP trong năm nay cũng như năm 2021?

- Việc tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của gói hỗ trợ kinh tế hiện tại, cũng như triển khai có hiệu quả thêm một gói kích thích nữa sẽ giúp GDP năm nay dự báo tăng trưởng khoảng 1,5 - 2%. Đây là tiền để để GDP phục hồi và có khả năng tăng 6,8 - 7% trong năm 2021...

Việt Nam tăng tốc, dè chừng đối thủ kích hoạt 'đòn hiểm'

Sự vươn lên của Việt Nam khiến nhiều quốc gia kích hoạt các biện pháp phòng vệ với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chống suy thoái như chống giặc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ yêu cầu "chống suy thoái như chống giặc" và giao nhiệm vụ, điều quan trọng nhất với các ...

Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn

Mở đầu tuần làm việc thứ 2 theo hình thức tập trung (từ 9-13/11), Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời ...

Bạn đang đọc bài viết "TS. Cấn Văn Lực: Cần hướng đi mới cho gói kích thích kinh tế thứ hai" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.