Nga tập trận ở Biển Đen: Thông điệp "dứt tình" dành cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Admin

21/10/2020 14:37

Dường như bất cứ khi nào Nga muốn gây sức ép với Ankara, nước này đều triệu tập một trong những đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ tới đấu trường như một hình thức dằn mặt.

Tiêu điểm - Nga tập trận ở Biển Đen: Thông điệp 'dứt tình' dành cho Thổ Nhĩ Kỳ?

Ai Cập sẽ có cuộc tập trận đầu tiên ở Biển Đen với Nga.

Tuần trước, bộ Quốc phòng Nga thông báo về việc nước này và Ai Cập sẽ có các cuộc gặp để chuẩn bị cho cuộc tập trận hải quân chung được tổ chức ở Biển Đen với tên gọi “Friendship Bridge 2020”.

Vào tháng 12/2019, Nga và Ai Cập đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân cùng tên ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cuộc tập trận mới dự kiến diễn ra trước cuối năm nay đang mang đến những câu hỏi về thông điệp của Nga và Ai Cập trước Thổ Nhĩ Kỳ.

Ai Cập gửi thông điệp gì?

Hải quân Ai Cập sẽ lần đầu tiên trong lịch sử tham gia diễn tập quân sự ở Biển Đen. Nhưng con đường biển duy nhất từ ​​Ai Cập đến Biển Đen lại đi qua Dardanelles, biển Marmara và Bosporus, điều này đồng nghĩa với việc các tàu chiến trang bị vũ khí của Ai Cập sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Istanbul từng chứng kiến ​​hành động khiêu khích của một binh sĩ Nga vào tháng 12/2015, khi tàu đổ bộ Caesar Konikov của Nga đi từ Biển Đen đến biển Marmara qua eo biển Bosporus. Một binh sĩ trên tàu đã mang bệ phóng tên lửa đất đối không hướng ra bờ biển thành phố. Một hành động khiêu khích như vậy có thể sẽ được lặp lại trong trường hợp tàu chiến Ai Cập băng qua eo biển Bosporus, theo Middle East Monitor.

Có ý kiến cho rằng, việc hải quân Ai Cập tham gia diễn tập quân sự ở Biển Đen được cho là một lời răn đe gửi đến Ankara, với thông điệp khẳng định nếu Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Libya, Ai Cập sẽ tiến hành các cuộc diễn tập quân sự gần biên giới nước này.

Tuy nhiên, có quan điểm khác cho rằng nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ là điều vô nghĩa và việc hải quân Ai Cập tham gia các cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đen chỉ là một màn thể hiện non nớt.

Giới quan sát phân tích, mặc dù các tàu chiến của Ai Cập hiện có thể tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đen, nhưng nếu trong tình trạng chiến tranh thực sự chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, tàu Ai Cập sẽ không được phép đi qua Dardanelles và Bosporus và không đến được Biển Đen như khi tập trận.

Việc Hải quân Ai Cập tham gia diễn tập quân sự với Nga là một thông điệp chủ yếu hướng tới dư luận Ai Cập, nhằm che đậy những vấn đề trong nước.

Thông điệp thực sự là của Nga?

Tiêu điểm - Nga tập trận ở Biển Đen: Thông điệp 'dứt tình' dành cho Thổ Nhĩ Kỳ? (Hình 2).

Nga đang cho thấy nước này không hề có liên minh gì với Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu cuộc tập trận “Friendship Bridge 2020” là một thông điệp gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ, thì đó là một thông điệp của Nga, chứ không phải của Ai Cập.

Dường như bất cứ khi nào Moscow muốn gây sức ép với Ankara, nước này đều triệu tập một trong những đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ tới đấu trường như một hình thức dằn mặt. Đối thủ đó đôi khi là người Kurd và đôi khi là một quốc gia đối đầu như Ai Cập.

Mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ đã căng thẳng trong một thời gian dài do lập trường ủng hộ của Mỹ đối với người Kurd ở Syria và những cáo buộc cho rằng Washington đứng sau hậu thuẫn âm mưu đảo chính thất bại vào năm 2016.

Bên cạnh đó, Washington đã từ chối bán hệ thống tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp việc nước này rất tha thiết muốn hướng đến thỏa thuận. Điều này đã thúc đẩy Ankara tìm kiếm một giải pháp thay thế để đáp ứng nhu cầu cấp bách về phòng không và nhận thấy nhu cầu của họ được đáp ứng với hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Ngoài thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ và Moscow đã đạt được các thỏa thuận về vấn đề Syria, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh ba bên mà Iran tham gia, hay các hội nghị thượng đỉnh song phương có sự tham dự của hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Một số nhà phân tích tin rằng những phát triển này là bằng chứng cho một liên minh Thổ Nhĩ Kỳ-Nga. Nhưng có nhiều dấu hiệu - mà cuộc tập trận quân sự “Friendship Bridge 2020” là một ví dụ - cho thấy trên thực tế không có liên minh nào thành hiện thực.

Trong những cuộc xung đột khu vực phức tạp, các quốc gia có thể hợp tác khi có cùng lập trường, nhưng nếu xung đột lợi ích, họ sẽ đứng ở hai bên bờ chiến tuyến.

Ai cũng biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và từ chối công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Azerbaijan kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột ở Karabakh, nhưng Moscow bác bỏ điều này và khẳng định rằng tiến trình hòa bình vẫn nằm trong tay Nhóm Minsk, do Nga, Mỹ và Pháp cùng đứng đầu.

Tất cả những lập trường và cuộc tập trận nói trên đều làm suy yếu tuyên bố của giới phân tích về việc liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã hình thành.

Bạn đang đọc bài viết "Nga tập trận ở Biển Đen: Thông điệp "dứt tình" dành cho Thổ Nhĩ Kỳ?" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.