Ngăn chặn tự tử bằng trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc

Admin

23/10/2020 13:52

Tại Trung Quốc, ngăn chặn tự tử đang được áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và đạt được những kết quả khả quan.

Tiêu điểm - Ngăn chặn tự tử bằng trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc

Tự tử là vấn nạn của mọi quốc gia.

Tự tử là một vấn đề phức tạp liên quan đến các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần, kinh tế và các yếu tố khác trong môi trường mà con người đang sống.

Những yếu tố này có thể tương tác và dẫn đến ý nghĩ tự tử, hành vi liên quan đến tự tử hoặc các bệnh tâm thần khiến nhiều người suy sụp, không tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết.

Những trải nghiệm căng thẳng, chẳng hạn như tiếp xúc với nỗi đau, cái chết của người thân, mất việc làm, sự thay đổi về sức khỏe thể chất hoặc các mối quan hệ cũng như các đặc tính và hành vi cá nhân, đều là các tác nhân có thể dẫn đến việc một người muốn tự kết liễu đời mình.

Tự tử không nhất thiết là mong muốn được chết, mà là nhu cầu để chấm dứt nỗi đau. Những người có ý nghĩ tự tử hoặc hành vi liên quan đến tự tử thường cảm thấy tuyệt vọng và không thấy lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ trần thế.

Bất chấp những yếu tố phức tạp liên quan đến tự tử, vẫn có hy vọng để cứu giúp một người có ý định tử bỏ mạng sống. Có thể ngăn chặn tự tử khi các nỗ lực tập thể được khai thác để nuôi dưỡng hy vọng, nâng cao nhận thức và tăng cường sức khỏe tâm thần, tăng cường hạnh phúc cho người có ý định tự sát.

Canada

Tự tử là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong sớm ở Canada. Vấn nạn này ảnh hưởng đến mọi người, ở mọi lứa tuổi trên tất cả các vùng của đất nước. Trung bình có hơn 10 người Canada chết do tự tử mỗi ngày trong năm 2012. Những cái chết do tự tử có tác động tàn khốc và khôn lường, khiến gia đình, bạn bè, bạn học, đồng nghiệp và cộng đồng phải vật lộn với nỗi đau và tìm kiếm giải pháp.

Tại Canada, có một cơ quan thuộc Chính phủ có tên gọi là Cơ quan Phòng chống Tự tử. Cơ quan này có đường dây nóng khẩn cấp để bất kỳ ai trải qua khủng hoảng, suy nghĩ liều lĩnh hoặc cho rằng một người nào đó có nguy cơ tự tử, có thể gọi để nhờ trợ giúp.

Các dấu hiệu cảnh báo cho thấy ai đó có nguy cơ tự tử bao gồm: Suy nghĩ hoặc nói về tự tử, lên kế hoạch tự tử, cô lập với gia đình, bạn bè hoặc các hoạt động xung quanh.

Cảm thấy không có mục đích sống hoặc lý do để sống. Lạm dụng chất kích thích như ma túy, rượu. Cảm thấy bị mắc kẹt hoặc không có cách nào khác để thoát khỏi tình huống bế tắc.

Cảm thấy tuyệt vọng về tương lai hoặc cảm thấy cuộc sống sẽ không thể tốt hơn. Thường xuyên nói về việc trở thành gánh nặng cho ai đó hoặc về nỗi đau không thể chịu đựng được thêm. Lo lắng hoặc thay đổi tâm trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như tức giận, buồn bã hoặc bất lực.

Cơ quan Phòng chống Tự tử Canada cho rằng, mọi người không nên bỏ qua các dấu hiệu dù là nhỏ nhất. Nghiên cứu cho thấy người có nguy cơ tự tử khi chia sẻ nỗi lòng của mình cho ai đó có thể giúp họ thay đổi suy nghĩ. Khi gọi đến đường dây nóng, các chuyên gia tư vấn của Cơ quan Phòng chống Tự tử Canada sẽ lắng nghe, chia sẻ, hoặc sẽ hành động trong trường hợp cần thiết.

Theo các báo cáo, trong số gần 4.000 người Canada chết hàng năm do tự tử, hơn 90% sống chung với bệnh tâm thần. Để phòng chống nguy cơ tự tử gia tăng, Canada đã đưa ra các sáng kiến thúc đẩy và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người dân, bao gồm các hoạt động nhằm tăng cường sức khỏe tinh thần và gia tăng hạnh phúc.

Sức khỏe tinh thần và hạnh phúc giúp con người ứng phó tốt hơn với những căng thẳng và những thách thức hàng ngày của cuộc sống, giúp họ có thể làm việc và học tập hiệu quả, cũng như có những đóng góp tích cực cho gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, sáng kiến sẽ có các chương trình tháo gỡ và tìm hướng đi đối với các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, chẳng hạn như trong ứng xử với cha mẹ, bạn bè, chứng trầm cảm sau sinh, bạo lực gia đình và lạm dụng chất kích thích.

Nhật Bản

Cứ 4 người ở Nhật Bản thì có 1 người “nghiêm túc có ý định tự sát”. Đây là một trong những kết luận được rút ra từ Khảo sát Nhận thức về Tự tử của Tổ chức Nippon năm 2016. Trước đó vào năm 2015, Nhật Bản đã chứng kiến số người tự tử cao nhất từ trước đến nay với con số 24.000 người.

Tỷ lệ tự tử của Nhật Bản nổi bật trong số các nước G7 và Nhật Bản là nước duy nhất trong số những quốc gia trong nhóm có tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thanh niên.

Tiêu điểm - Ngăn chặn tự tử bằng trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc (Hình 2).

Hàn Quốc trong vài năm trở lại đây đã chứng kiến nhiều trường hợp nghệ sĩ nổi tiếng tự tử vì áp lực.

Vào cuối những năm 1990, tự tử là một chủ đề xã hội cấm kỵ ở Nhật Bản, hiếm khi được thảo luận trong cộng đồng. Nhưng ngày nay, do tình trạng này ngày càng đáng báo động, các chương trình phòng chống tự tử đã được tăng cường nhiều hơn.

Sửa đổi trong Đạo luật cơ bản về các biện pháp đối phó tự tử vào năm 2016 đã mang đến những tác động tích cực đối với vấn nạn tự tử ở quốc gia châu Á. Bản sửa đổi yêu cầu rằng tất cả các quận, thành phố, thị trấn và làng mạc phải thực hiện các chiến lược đối phó với tự sát.

Theo đó, các địa phương sẽ thành lập Ủy ban phòng chống tự tử, hỗ trợ cho việc soạn thảo một chiến lược toàn diện dựa trên phân tích tình hình địa phương liên quan đến vấn đề này. Hỗ trợ đào tạo về phòng chống tự tử cho nhân viên chính quyền địa phương và người dân. Hỗ trợ tăng cường mạng lưới phòng chống tự tử tại địa phương. Tăng cường nhận thức cộng đồng trên toàn quốc thông qua công dân địa phương và các phương tiện truyền thông.

Nhật Bản cũng có ý tưởng xây dựng mô hình can thiệp khủng hoảng internet, tập trung vào việc sử dụng liên kết quảng cáo hướng đến những người tìm kiếm trên Internet các cụm từ có ý nghĩa liên quan đến tự tử (ví dụ: “Tôi muốn chết”). Khi cần thiết, các tổ chức chống tự tử địa phương sẽ liên hệ để hỗ trợ tư vấn trực tiếp.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong 10 nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới theo Tổ chức Y tế Thế giới. Năm 2012, tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao thứ tư ở Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã thực hiện Chiến lược ngăn chặn tự tử (STOPS), một dự án có các sáng kiến ​​nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cải thiện việc đưa tin về tự tử trên phương tiện truyền thông, sàng lọc những người có nguy cơ tự tử cao và cải thiện điều trị trầm cảm.

Tất cả các phương pháp này đều cố gắng nâng cao nhận thức của cộng đồng và hỗ trợ của chính phủ đối với việc ngăn chặn tự tử. Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã phát triển một ứng dụng điện thoại thông minh để kiểm tra các bài đăng, tin nhắn và tìm kiếm trên mạng xã hội của học sinh về các từ liên quan đến tự tử.

Do việc đưa tin và miêu tả cảnh tự sát trên phương tiện truyền thông ảnh hưởng đến tỷ lệ tự tử, Chính phủ đã "ban hành hướng dẫn quốc gia về việc đưa tin tự tử trên báo chí".

Một phương pháp khác mà Hàn Quốc đã thực hiện là giáo dục những người “có tiếng nói”, bao gồm kiến ​​thức về tự tử để đối phó với những người có ý định tự sát, được cung cấp cho giáo viên, nhân viên xã hội, tình nguyện viên và thủ lĩnh thanh niên.

Các biện pháp vật lý cũng được thực hiện để ngăn chặn hành vi tự sát như giảm khả năng tiếp cận với các chất độc của người dân, giúp giảm hành vi tự tử bộc phát.

Trung Quốc

Tại quốc gia tỷ dân, ngăn chặn tự tử đang được áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và đạt được những kết quả khả quan. Huang Zhisheng, nhà nghiên cứu cấp cao tại đại học Tự do Amsterdam là người sáng lập ra nhóm cứu hộ “Hốc cây” trên mạng internet. Kể từ khi ra đời, nhóm đã phát hiện và ngăn chặn thành công nhiều trường hợp tự sát.

Trong vòng hơn một năm rưỡi kể từ khi bắt đầu vào năm 2018, Huang đã thu hút 600 tình nguyện viên trên khắp Trung Quốc tham gia vào nhóm, đồng thời giải cứu gần 700 người.

Chương trình của Huang sẽ quét các bài tâm sự trên mạng xã hội Weibo và phân tích các thông điệp được đăng ở đó. Nó sẽ tự động xếp hạng các bài đăng theo thang điểm từ một đến 10.

Điểm càng cao thì càng có nguy cơ cho rằng đối tượng đang chuẩn bị cho nỗ lực tự sát trong thời gian sớm nhất. Điểm 10 có nghĩa là nguy cơ tự sát dường như đang được thực hiện. Trong những trường hợp này, tình nguyện viên sẽ gọi điện trực tiếp cho cảnh sát hoặc liên hệ với người thân và bạn bè của người đó. Nhưng nếu xếp hạng dưới 6 - nghĩa là chỉ phát hiện những từ ngữ tiêu cực - thì các tình nguyện viên thường không can thiệp.

“Nếu chần chừ trong một giây, rất nhiều sinh mạng sẽ ra đi”, Huang nói với BBC News. "Mỗi tuần, chúng tôi có thể cứu khoảng 10 người."

Bạn đang đọc bài viết "Ngăn chặn tự tử bằng trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.